Hà Nội khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng mới tiên tiến, vật liệu thay thế vật liệu truyền thống, giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm hiệu quả kinh tế xã hội cao. Ảnh minh họa
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng Thủ đô, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho hay, vật liệu xây dựng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, địa phương, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhu cầu về vật liệu xây dựng phục vụ thi công xây dựng các công trình ngày càng lớn, trong đó vật liệu xây dựng truyền thống khai thác từ nguồn khoáng sản tự nhiên ngày càng hạn chế.
Từ đó yêu cầu về các loại vật liệu mới, tái chế, thông minh... phù hợp với kiến trúc hiện đại thay thế cho các loại vật liệu xây dựng truyền thống đang được nghiên cứu, phát triển và sử dụng ngày càng nhiều trong các công trình xây dựng, giao thông...
Do đó, việc nghiên cứu, phát triển sản xuất các chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng mới, vật liệu tái chế nhằm đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trong công cuộc công nghiệp hóa, đô thị hóa của thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là hết sức quan trọng.
"Với đặc thù Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của quốc gia, có những tiềm năng lợi thế nhất định trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng, do nguồn khoáng sản làm vật liệu của Thành phố không nhiều, hạn chế về khả năng khai thác, nên việc phát triển lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn về nguồn cung nguyên liệu đầu vào", Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong chia sẻ.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, trên địa bàn Thành phố đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, dự án đường giao thông trong đó có dự án trọng điểm quốc gia (Vành đai 4). Vì vậy, nhu cầu một số loại vật liệu phục vụ các dự án này cần số lượng rất lớn, chưa thể chủ động đủ nguồn cung tại chỗ, đặc biệt là các loại vật liệu rời (đá xây dựng, đất đắp, cát san lấp) và phải nhập từ các tỉnh lân cận. Về lâu dài, cần có những nghiên cứu, định hướng phát triển các vật liệu thay thế, xanh, bền vững.
Tại hội thảo khoa học về việc phát triển các loại vật liệu và trưng bày, giới thiệu một số loại vật liệu xây dựng tái chế do Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức ngày 27/8, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Trung Thành cũng nêu, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành vật liệu xây dựng, trong đó, đặc biệt quan tâm tới các mục tiêu phát triển ngành vật liệu theo hướng bền vững, xanh, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường. "Ngành Xây dựng Thủ đô trong 70 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, bộ mặt đô thị thành phố đã có nhiều thay đổi tích cực. Vật liệu xây dựng luôn giữ vai trò rất quan trọng để hình thành các công trình kiến trúc hiện đại, quy mô lớn là cơ quan chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục đại diện cho đất nước", ông Lê Trung Thành nhấn mạnh.
Ông Lê Trung Thành bày tỏ mong muốn thành phố tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm vật liệu mới, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, vật liệu tái chế, có giá trị kinh tế cao; đồng thời đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất vật liệu xây dựng để nâng cao năng suất, chất lượng và chủng loại.
Phó Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam Phạm Văn Bắc cho biết, phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đã và đang từng bước áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh kinh tế; chủ động hội nhập quốc tế; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải rắn, phát thải cacbon thấp. Phát triển vật liệu xây dựng đã được chú trọng hơn theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Trước những đòi hỏi ngày càng cao về sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu nói chung và công nghiệp vật liệu xây dựng nói riêng, nhiều sản phẩm mới ra đời, các loại vật liệu này được xem là giải pháp tiên tiến khắc phục những hạn chế của các vật liệu truyền thống.
Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành vật liệu mới, theo ông Phạm Văn Bắc, cần xây dựng cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển thị trường cho các sản phẩm vật liệu mới; đổi mới cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ theo hướng giao quyền sở hữu và quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đối với các đề tài, dự án cấp bộ, cấp Nhà nước; làm chủ công nghệ sản xuất các sản phẩm vật liệu mới; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ công nghệ trong các doanh nghiệp vật liệu; tăng cường hợp tác quốc tế, học tập, tiếp thu chuyển giao công nghệ sản xuất các vật liệu xây dựng mới từ các quốc gia phát triển…