Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn phát biểu tại cuộc họp.
Ngày 16/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức cuộc họp nghe các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo giải pháp chống ngập cho thành phố Rạch Giá.
Theo báo cáo của thành phố Rạch Giá, hệ thống thoát nước trên địa bàn chủ yếu là chảy ngập và bán ngập. Vào thời điểm triều cường hoặc mùa lũ của vùng Tứ giác Long Xuyên đổ về làm mực nước trên kênh, rạch cao, các miệng xả đều nằm sâu dưới mực nước dẫn tới việc thoát nước rất chậm.
Cao độ xây dựng của thành phố Rạch Giá đạt 1,4-2,3m và không bị ngập lụt, chỉ một vài điểm ngập cục bộ ở khu vực trũng, có cao độ xây dựng nền thấp <1,4m, và chưa có hệ thống thoát nước.
Địa bàn thành phố Rạch Giá thường xảy ra 3 dạng ngập úng chính là ngập úng cục bộ do mưa lớn, ngập úng do mực nước triều cao và ngập úng do mưa lớn kết hợp triều cao.
Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Rạch Giá, trên cơ sở quy hoạch thoát nước được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang phê duyệt, thời gian qua, thành phố Rạch Giá bố trí nguồn vốn để đầu tư hạ tầng thoát nước và hoàn thành đấu nối hệ thống thoát nước ngang đường Nguyễn Trung Trực tại một số vị trí giao lộ.
Việc vệ sinh cửa thu nước, nạo vét bùn hố ga, cống do Công ty cổ phần Phát triển đô thị Kiên Giang thực hiện theo nguồn vốn công ích hằng năm…
Trước đó, vào sáng 11/7, trên địa bàn thành phố Rạch Giá xảy trận mưa lớn, kéo dài khoảng hơn 2 giờ với lượng mưa khoảng 185,2mm gây ngập ở hầu hết các tuyến đường trung tâm trên địa bàn. Sau khoảng 2 giờ mưa tạnh, các tuyến đều rút nước; riêng khu vực phường An Hoà, thành phố Rạch Giá có các tuyến hẻm cao độ thấp nên thoát nước chậm.
Theo lãnh đạo thành phố Rạch Giá, nguyên nhân là do vào những tháng mùa mưa cũng là giai đoạn triều cường dâng cao, mực nước trong các kênh, rạch cũng cao gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước. Mặt khác, mực nước cao nhất và cao độ thành phố chênh lệch không cao, độ dốc địa hình khá bằng phẳng, do đó mạng lưới cống thoát nước chỉ có độ dốc tối thiểu, thường xuyên hoạt động theo hình thức chảy ngập, hoặc bán ngập.
Cạnh đó, nhiều tuyến cống được đầu tư giai đoạn trước có đường kính quá nhỏ, nằm sâu gây khó khăn trong việc nạo vét phía trong lòng cống, không đủ khả năng thoát nước. Nhiều hố ga bị bùn lắng đọng hoặc bị tắc nghẽn do việc xả rác bừa bãi, rác trôi về bịt kín miệng thu, thậm chí nhiều hố ga bị bịt kín để ngăn mùi hôi bốc lên, làm cho nước mưa không được thu xuống cống…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn yêu cầu Ủy ban nhân dân dân thành phố Rạch Giá tăng cường công tác quản lý hệ thống thoát nước; cho kiểm tra các hệ thống điện, hố ga và nạo vét các tuyến cống, trong đó ưu tiên các tuyến cống chính thoát nước.
Sở Giao thông vận tải phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Rạch Giá nghiên cứu cải tạo hệ thống thoát nước tuyến đường chính gắn với mở rộng, nâng cấp mặt lộ để tăng lưu lượng giao thông phục vụ việc đi lại.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Rạch Giá kiểm tra lại tất cả hệ thống kênh, rạch, mương thoát nước chung hiện nay để nắm thực trạng cũng như tình trạng bao chiếm của dân nhằm xử lý dứt điểm và tìm hướng đầu tư bền vững.