Phối cảnh mặt bằng quảng trường
Công trình được đặt tên là Quảng trường Thăng Long có tổng diện tích khoảng 33.159,49m. Với nguồn vốn hỗ trợ xây dựng 120 tỷ đồng từ TP Hà Nội và 30 tỷ đồng được trích từ nguồn vốn của huyện Lâm Hà để giải phóng mặt bằng.
Dự kiến, Quảng trường Thăng Long được phân chia khu vực và các hạng mục công trình gồm: Sân khấu và phù điêu; trong đó phù điêu bao gồm biểu tượng của huyện Lâm Hà và văn hóa của các vùng miền, các dân tộc trên địa bàn huyện. Hai bên cánh gà bao gồm tiêu bản Cột cờ Lũng Cú, Hà Nội, Huế và Cột mốc quần đảo Trường Sa.
Quảng trường trung tâm là nơi tập trung diễn ra các hoạt động chính trị, văn hóa. Khu công viên và thương mại là hai bên của quảng trường, bao gồm các tiêu bản các công trình kiến trúc lịch sử và văn hóa như: Thành Cổ Loa, Đền Hùng, Ngọ Môn (Huế), Dinh Độc lập, Khuê Văn Các, Chùa một cột, Cảng Nhà Rồng, Đội Bắc Hải. Bên dưới các tiêu bản công trình kiến trúc lịch sử và văn hóa là các ki ốt thương mại.
Bên cạnh đó còn có các công trình bồn hoa, thảm cỏ, hồ nước, sân đường nội bộ, bãi đỗ xe, hệ thống hạ tầng cấp điện, cấp thoát nước, hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh, khu vệ sinh công cộng và xây dựng tuyến đường QH số 8 với chiều dài khoảng 200m.
Được biết, công trình nói trên nhằm giúp huyện Lâm Hà có địa điểm sinh hoạt chính trị, văn hóa tập trung; qua đó tham quan giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm, tự hào dân tộc. Bên cạnh đó, công trình mang ý nghĩa thể hiện tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, văn hóa đặc trưng các vùng miền các dân tộc hội tụ trên vùng đất mới Lâm Hà. Đây cũng là nơi trưng bày, mua sắm các sản phẩm đặc trưng OCOP và quà lưu niệm của huyện Lâm Hà; qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa của địa phương.