Mới đây, Quảng Nam đã công bố quyết định quy hoạch địa phương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Với quy hoạch này, Quảng Nam định hướng sẽ phát triển dựa trên cầu trúc không gian trên 2 vùng, 2 cụm động lực, 3 hành lang phát triển.
Theo đó, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực;
Hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.
Huy động tối đa nguồn lực ngoài ngân sách
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hưng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh đã bắt tay ngay vào việc hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bởi điều này quyết định sự thành công của quy hoạch. Quảng Nam hiện đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện kế hoạch thực hiện quy hoạch để gửi các bộ ngành Trung ương xem xét, sau đó trình Thủ tướng phê duyệt.
Ảnh minh hoạ
Theo ông Nguyễn Hưng, có 4 nguồn lực lớn cần phải được làm rõ trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch, gồm đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, kế hoạch sử dụng đất, nguồn lực để thực hiện Quy hoạch. Hiện nay, tỉnh đã có kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn 2021 – 2025, sắp tới đây sẽ xây dựng cho giai đoạn 2026 – 2030. Còn với đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư, trong đó đã có kế hoạch sử dụng đất.
“Đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh dự kiến vào khoảng hơn 630.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực để thực hiện quy hoạch, trong đó đầu tư công chiếm khoảng 19%, vốn đầu tư ngoài ngân sách chiếm khoảng 66%, vốn FDI khoảng 15%”, ông Hưng chia sẻ.
Giảm thiểu rủi ro đầu tư nhờ chuyển đổi số
Như vậy, vốn đầu tư ngoài ngân sách là nguồn lực chủ yếu để Quảng Nam thực hiện Quy hoạch. Phó giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng để huy động nguồn lực này không phải là điều đơn giản, do đó, tỉnh Quảng Nam đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nhất là việc áp dụng chuyển đổi số.
Nhờ vậy, Quảng Nam đã tạo lập được một nền tảng quan trọng trong việc chuyển đổi số. Điều này cho thể thấy khi hầu hết các ngành đã xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và triển khai các hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực. Tổng số cơ sở dữ liệu Trung ương, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh đang triển khai là 86 hệ thống. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã hợp nhất cổng dịch vụ công với hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung duy nhất của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hưng khẳng định việc người dân và cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt được những nội dung trong quy hoạch tỉnh là rất quan trọng. Qua đó, người dân và cộng đồng doanh nghiệp có thể tham gia hiện thực hoá cũng như giám sát quy hoạch.
“Đối với nội dung số hoá bản đồ quy hoạch, sẽ được thực hiện theo công nghệ GPS – bản đồ số. Hiện tỉnh đang soát, khớp nối các hồ sơ quy hoạch để cho đúng với quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Khi nào hoàn thành, tỉnh sẽ đăng tải đầy đủ, công khai những bản đồ quy hoạch số này để người dân và doanh nghiệp theo dõi”, ông Hưng khẳng định.
Việc số hoá và công khai những nội dung quy hoạch có ý nghĩa quan trọng, giúp nhà đầu tư hình dung được không gian phát triển của tỉnh, từ đó có thể nghiên cứu rót vốn vào các lĩnh vực giàu tiềm năng.
Với nội dung số hoá bản đồ quy hoạch, ông Nguyễn Sơn Tịnh, nhà đầu tư bất động sản, kỳ vọng tỉnh Quảng Nam sớm công khai để doanh nghiệp có thể theo dõi và định hướng kế hoạch đầu tư về địa phương, bởi việc này rất thiết thực đối với nhà đầu tư khi đầu tư vào một địa phương nào đó.
“Chúng ta có thể lấy ví dụ về ngành bất động sản. Khi số hoá bản đồ quy hoạch, nhà đầu tư có thể tìm kiếm các thông tin về vị trí, thông tin giao dịch, thông tin quy hoạch bất động sản đang được mua bán, sang nhượng, cho thuê”, ông Nguyễn Sơn Tịnh đề cập ưu điểm của việc áp dụng bản đồ số. Ông Nguyễn Sơn Tịnh cho rằng việc áp dụng công nghệ này sẽ mang lại thêm sự tiện lợi khi hệ thống này có thể hỗ trợ nhà đầu tư và người dân giao dịch bất động sản tra cứu quy hoạch nhanh, mọi lúc mọi nơi chỉ bằng điện thoại di động.
Chưa dừng lại ở đó, việc này còn góp phần giải quyết những tồn tại của thị trường bất động sản, mang đến trải nghiệm tìm kiếm tối ưu khi cung cấp tất cả các thông tin liên quan đến bất động sản thông qua nền tảng bản đồ, góp phần minh bạch hóa thông tin, giảm thiểu tranh chấp, hỗ trợ đưa ra quyết định mua bán, đầu tư bất động sản.