Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn tới 2050, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng độ dài 413km và 3 tuyến đường sắt ray đơn với tổng độ dài 44km, yêu cầu vốn dự tính khoảng 54 tỷ USD. Chiến lược then chốt để hướng tới mục tiêu đó là phát triển đô thị theo định hướng lấy giao thông công cộng làm trung tâm, vừa tái thiết đô thị, vừa tận dụng nguồn lực nội tại để đầu tư, hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị. Theo chia sẻ của các chuyên gia, trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng và thành công với mô hình TOD, còn ở đối với Việt Nam mô hình này vẫn tương đối mới.
TS Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết: “Trước đây, chúng ta không nghiên cứu vấn đề về phát triển TOD, chúng ta chỉ phát triển đường sắt đô thị, xây dựng nhà ga. Chúng ta không nghiên cứu các chức năng sử dụng đất gắn với nhà ga thì đó là điều chưa hoàn chỉnh trong vấn đề về khai thác hệ thống đường sắt đô thị cũng như là phát triển đô thị. Hiện nay, phát triển TOD chính là sự nghiên cứu, kết nối giữa hệ thống đường sắt với các chức năng sử dụng đất quanh ga, làm sao để đem lại hiệu quả lớn nhất".
Thực tế hiện nay tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang phát triển theo hướng sử dụng nhiều phương tiện cá nhân, điều đó đồng nghĩa với việc phải xây dựng thêm nhiều hệ thống đường bộ và kinh phí xây dựng là rất lớn. Thay vào đó, thành phố có thể kết hợp sử dụng các hệ thống giao thông công cộng, trong đó xương sống là đường sắt đô thị.
Hà Nội đang có kế hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng TOD.
TS Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết thêm: “Đường sắt đô thị là một loại phương tiện giao thông công cộng đem lại khả năng vận tải với khối lượng lớn và tốc độ nhanh. Đấy chính là đầu mối để chúng ta phát triển các hệ thống kết nối (mô hình TOD), nghĩa là gắn kết các chức năng sử dụng đất với các khu vực nhà ga và tạo thành một mô hình TOD”.
Có thể thấy, TOD là mô hình cần nhiều sự kết nối và hỗ trợ cho người đi bộ. Các hệ thống như cây xanh, ánh sáng, tất cả sẽ tạo ra sự thuận tiện, thu hút người dân tiếp cận và sử dụng đường sắt đô thị nói riêng và các phương tiện công cộng nói chung.
Ông Seck Yee Chung, Luật sư tại Baker Mckenzie Việt Nam chia sẻ: “Đối với mô hình TOD thì phải có thay đổi so với thực tại hiện nay, đặc biệt về mặt quy hoạch, quy hoạch làm sao để khu dân cư sống quanh nhà ga thay đổi về kết cấu sống bao gồm khu vực làm việc, khu vực cộng cộng, đủ các khu vực cần thiết và thiết yếu của người dân. Đây là sự thay đổi đáng kể và cũng là những thứ đã và đang xảy ra ở Singapore. Tuy nhiên để làm được thì phải can thiệp vấn đề quy hoạch, phải khảo sát, xem xét, thực hiện lại quy hoạch, bố trí lại không gian sống để phù hợp với mục tiêu đã đề ra”.
Ông Nguyễn Đắc Phước, Trưởng phòng quản lý thực hiện Dự án 3 - Ban QLĐT đô thị Hà Nội chia sẻ: “Cái khó khăn lớn nhất là hiện nay chúng ta đang trong quá trình tìm hiểu để xây dựng cơ chế chính sách. Để có thể tổ chức, triển khai, thi hành Luật Thủ đô hiệu quả và đưa luật đi vào cuộc sống, Hà Nội đang phải đối diện với khó khăn là phải cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô thành các văn bản dưới luật thông qua các nghị quyết do Hội đồng nhân dân thành phố ban hành hoặc thông qua quyết định do UBND thành phố ban hành để thống nhất phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng thời với phát triển đô thị”.
TOD là mô hình phát triển đô thị lấy đầu mối giao thông công cộng nhanh, khối lượng lớn làm hạt nhân trung tâm. Nó gắn bó chặt chẽ với sự hình thành mở rộng của hệ thống đường sắt đô thị. Muốn vậy, Hà Nội sẽ cần khắc phục khó khăn về xây dựng chính sách TOD, ban hành luật và có kế hoạch thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các công trình giao thông công cộng như đường sắt, nhà ga, các khu vực trung chuyển và các khu phức hợp xung quanh nhà ga.