Ninh Bình: Định hướng phát triển không gian đô thị lấy Di sản Tràng An là trung tâm

Theo mục tiêu điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040, sẽ phát triển Ninh Bình theo mô hình gồm 5 khu vực. Gồm Di sản Tràng An sẽ là khu vực đô thị trung tâm; khu vực nông thôn; khu vực Bái Đính và đô thị du lịch phía Tây; khu vực công nghiệp, dịch vụ logistics phía Nam; 1 trục phát triển (Quốc lộ 1A) và lấy vùng lõi di sản Tràng An làm trung tâm.

Khu vực Di sản Tràng An sẽ là khu vực đô thị trung tâm của Ninh Bình.

Về định hướng phát triển không gian tổng thể, phát triển đô thị Ninh Bình gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Cố đô Hoa Lư và Quần thể danh thắng Tràng An; phát triển đô thị tập trung phía Đông, gắn với trục phát triển Bắc Nam, tạo hình ảnh đô thị sinh thái dọc sông Đáy; đô thị trung tâm của đô thị Ninh Bình trực thuộc Trung ương theo định hướng Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Không gian tổng thể của đô thị Ninh Bình là không gian sinh thái gắn với hình ảnh Cố đô - Di sản (đô thị thiên niên kỷ): Các khu vực núi đá vôi, mặt nước, cảnh quan sinh thái hấp dẫn được tôn vinh, đan xen hài hòa với không gian các khu vực xây dựng tập trung là các khu đô thị hiện trạng cải tạo, khu đô thị mới, khu chức năng, khu du lịch, làng du lịch, làng xóm nông thôn.

Quần thể danh thắng Tràng An - Cố đô Hoa Lư được bảo vệ và quản lý phát triển theo các quy định của Luật Di sản văn hóa, hài hòa giữa bảo tồn, gìn giữ cảnh quan, văn hóa và phát huy giá trị, phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ hỗ trợ. Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị Cố đô Hoa Lư và và Quần thể danh thắng Tràng An, tạo ra nguồn lực nội sinh xây dựng đô thị Ninh Bình vươn lên trở thành đô thị di sản văn minh - hiện đại.

Cùng với đó, mở rộng không gian đô thị, nâng cao chất lượng đô thị toàn diện, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Hình thành các khu vực đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng; phát triển mạng lưới các trung tâm về hành chính, văn hóa, công cộng, thương mại, du lịch, sản xuất cấp vùng, trung tâm chức năng cấp tỉnh. Từng bước phát triển khu vực trung tâm và vùng nội thị có mật độ cao, cao tầng, hiện đại; khu vực nông thôn gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, phát huy giá trị cảnh quan thiên niên.

Ngoài ra, phát triển vành đai dịch vụ sinh thái xung quanh quần thể danh thắng Tràng An để cung cấp các cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đa dạng, chất lượng cao. Hình thành chủ đề, chức năng chính cho từng phân khu để tạo chuỗi chức năng hỗ trợ đa dạng xung quanh Tràng An và cung cấp dịch vụ chung cho khu vực.

Xây dựng hệ thống mạng lưới đô thị theo mô hình đa tâm: Phát triển đô thị trên cơ sở bảo vệ và phát huy bản sắc riêng của các khu vực như: Cố đô Hoa Lư, Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, làng nghề truyền thống. Phát triển vành đai dịch vụ sinh thái xung quanh quần thể danh thắng Tràng An.

Phát triển cấu trúc núi đá, mặt nước, cây xanh cảnh quan là hình ảnh đặc trưng trong tổng thể đô thị Ninh Bình, tạo cảnh quan sinh thái hấp dẫn cho các hoạt động du lịch, ngắm cảnh và khai thác dịch vụ theo chủ đề của từng khu vực như giao thông đường thủy, thể thao vui chơi giải trí, tổ chức các sự kiện văn hóa trên mặt nước. Kết nối mạng lưới đường thủy, mặt nước giữa khu du lịch Tràng An với khu vực đô thị. Phát huy giá trị cảnh quan sông Chanh kết nối từ sông Hoàng Long đến sông Sào Khê, các tuyến sông Vân, sông Hệ và hệ thống mặt nước đô thị.

Về định hướng phát triển không gian theo các khu vực, khu vực đô thị trung tâm: Nằm phía Đông khu vực lập quy hoạch, thuộc thành phố Ninh Bình và một phần các huyện Hoa Lư, Yên Mô, Yên Khánh. Khu vực này có tính chất là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ của tỉnh và đô thị Ninh Bình; trung tâm tổ chức sự kiện lớn cấp quốc gia.

Khu vực Quần thể danh thắng Tràng An: Bao gồm toàn bộ ranh giới vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An, thuộc huyện Hoa Lư và một phần huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan, thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp. Đây là khu vực có tính chất chứa đựng các yếu tố gốc, có giá trị về địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên và lịch sử, văn hóa; tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Đây còn kà khu du lịch của quốc gia, tầm cỡ quốc tế, có đặc trưng về lịch sử - văn hóa - sinh thái; là khu vực có dân cư sinh sống đan xen, giữ gìn cấu trúc làng xóm hiện có, giữ gìn và tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị Cố đô Hoa Lư, các không gian công cộng, làng xóm dân gian truyền thống; gìn giữ khu vực sinh thái nông nghiệp, du lịch kết hợp gìn giữ không gian cảnh quan.

Khu vực Bái Đính: Nằm ở phía Tây Bắc khu vực lập quy hoạch, ranh giới khu vực thuộc một phần xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn và một phần xã Quỳnh Lưu, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan. Có tính chất là khu đô thị hiện trạng cải tạo gắn với phát triển du lịch; là khu đô thị du lịch gắn với du lịch tâm linh, dịch vụ sinh thái nghỉ dưỡng, trải nghiệm không gian làng nghề truyền thống, phim trường.

Khu vực Bến Đang: Nằm ở phía Tây Nam khu vực lập quy hoạch, thuộc ranh giới xã Sơn Hà, huyện Nho Quan và xã Yên Sơn, phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp. Có tính chất là khu du lịch sinh thái, văn hoá, giải trí cao cấp đô thị, trung tâm nghiên cứu, đào tạo.

Khu vực chức năng khác (vùng đệm Di sản Tràng An, khu vực nông thôn): Là vùng đệm chuyển tiếp giữa khu vực phát triển đô thị và khu vực bảo tồn, bao gồm một phần thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp và một phần huyện Hoa Lư, huyện Yên Mô, huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan. Có tính chất là khu sinh thái nông nghiệp và dịch vụ du lịch sinh thái, trải nghiệm. Đây là khu du lịch tâm linh gắn với chùa Bái Đính; là vùng đệm giữa khu vực đô thị phát triển và khu vực sinh thái Tràng An.

(Nguồn:baoxaydung.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website