Phát triển Long Xuyên thành đô thị thông minh nước

Về kiến trúc cảnh quan, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang có thể được nhận diện bởi 3 vùng cảnh quan đặc trưng: khu vực xây dựng đô thị; sinh thái nông nghiệp và cảnh quan sông, kênh rạch, mặt nước. Trong đó, vùng cảnh quan sông, kênh rạch, mặt nước và hệ sinh thái nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt vùng cảnh quan sông, kênh rạch có vai trò tạo dựng nét đặc trưng cho đô thị. Thành phố thông minh nước là đề xuất cho đồ án quy hoạch chung TP Long Xuyên thời gian tới.

Một góc đô thị TP Long Xuyên.

Hiện trạng phát triển chưa tương xứng với đô thị loại I

Năm 2020, TP Long Xuyên được công nhận đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang, với 13 đơn vị hành chính (11 phường, 2 xã); tổng diện tích đất 11.496ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 7.114ha (62%), đất chuyên dùng và khác 3.111ha (27%), đất ở 1.272ha (11%). Theo định hướng quy hoạch chung xây dựng dự báo dân số thành phố đến năm 2025 là 300.000 dân và 2035 là 360.000 dân. Tỷ lệ đô thị hóa của TP Long Xuyên đạt khoảng 87% nhưng một số phường vẫn còn đất nông nghiệp khá lớn, điều đó nói lên rằng đô thị hóa chưa xứng tầm với đô thị loại I trong vùng; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ, thương mại, du lịch và các lĩnh vực khác còn chậm... Nhưng lợi thế là thành phố còn quỹ đất để phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

Về giao thông, Quốc lộ 91 bắt đầu từ TP Cần Thơ qua TP Long Xuyên, TP Châu Ðốc đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và nối sang Campuchia. Ðây là tuyến đường quan trọng của vùng ÐBSCL, vừa đóng vai trò là tuyến giao thông đối ngoại, vừa là trục đường chính huyết mạch của TP Long Xuyên. Ngoài ra, thành phố nằm dọc bên bờ Tây của sông Hậu, là cửa ngõ giao thông đường thủy quan trọng của vùng Tứ giác Long Xuyên. Sông Hậu thuộc tuyến đường thủy quốc gia cấp đặc biệt thuận tiện lưu thông thủy, trong đó cảng Mỹ Thới là một trong các cảng sông hoạt động có hiệu quả ở vùng ÐBSCL. Thực trạng đô thị Long Xuyên có nhiều yếu tố tích cực và hạn chế, cho nên việc phát triển đô thị trong tương lai nên lựa chọn mô hình phù hợp để phát triển bền vững và xứng với tiềm năng về vị trí, địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố.

Ông Nguyễn Ngọc Vệ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh An Giang cho biết, hướng phát triển đô thị Long Xuyên đến 2035 và tầm nhìn 2045 là thành phố đáng sống; thành phố xanh và bền vững; thành phố thông minh nước. Trong đó, thành phố thông minh nước là đề xuất cho đồ án quy hoạch chung TP Long Xuyên.

Ðề xuất Ðồ án quy hoạch chung thành phố thông minh nước

Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Vệ đưa ra 3 mô hình phát triển đô thị TP Long Xuyên là: thành phố đáng sống (Livable City); thành phố xanh và bền vững (Green and Sustainable City); thành phố thông minh nước (Smart-Water City). Trong 3 mô hình này, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Vệ đề xuất TP Long Xuyên phát triển theo mô hình thành phố thông minh nước. “Thành phố thông minh có rất nhiều định nghĩa, tuy nhiên có thể định nghĩa ngắn gọn như: thành phố thông minh là đưa dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động để tạo, triển khai và cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn. Và hơn hết là giải quyết những thách thức đô thị và xây dựng một cơ sở hạ tầng bền vững, hỗ trợ công nghệ liên kết” - Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Vệ, cho biết.

Theo đồ án quy hoạch chung thành phố nước, bản sắc sông nước của đô thị thể hiện ở việc gìn giữ mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa đô thị với các dòng sông, kênh rạch; bảo tồn hình ảnh, bản sắc văn hóa và lối sống đặc trưng gắn liền với sông nước. Quản lý nước thông minh và bền vững thể hiện ở việc quy hoạch đô thị nhạy cảm với nước; quản lý nước mưa, nước lũ bền vững, thích nghi với các tác động của biến đổi khí hậu; sử dụng nước bền vững; xây dựng một cộng đồng sử dụng nước thông minh; từng bước áp dụng các thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) trong việc quản lý nước.

Ðể phát triển theo đồ án quy hoạch, TP Long Xuyên vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nhất là những hạn chế của quá trình đô thị hóa như: thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, ô nhiễm, nhà ở cho những người yếu thế trong xã hội,... Ngoài ra, lập kế hoạch triển khai các phần việc cụ thể cho từng năm, trung hạn và dài hạn. Ðặc biệt là các kế hoạch (dự án) tạo không gian phát triển đô thị mới về phía Tây, Tây Nam thành phố (đường tránh). Trong đó, ưu tiên các tuyến đường kết nối đường tránh với Quốc lộ 91 và tạo quỹ đất sạch dọc theo các tuyến đường này. Vì đây là điều kiện rất tốt để mở rộng không gian đô thị và mời gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án theo quy hoạch xây dựng được duyệt. Lập bản đồ số hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố, trong đó ưu tiên bản đồ hiện trạng hệ thống cống thoát nước mặt và thải, hệ thống đường giao thông đô thị (kể cả vỉa hè và cây xanh)... để có giải pháp quản lý, đầu tư cho phù hợp.

(Nguồn:baocantho.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website