Phát triển chính quyền số: Chìa khóa để Đà Nẵng trở thành mô hình đô thị thông minh

Ngày 8-5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chủ trì buổi họp Ban Chỉ đạo của UBND TP về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06/CP. Cuộc họp tập trung bàn thảo và chỉ đạo nhiều nội dung trọng tâm liên quan đến việc vận hành mô hình chính quyền hai cấp và xây dựng chính quyền số.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chủ trì buổi làm việc.

Bước chuyển mạnh mẽ để phục vụ nhân dân tốt hơn

Sau khi chính thức chấm dứt hoạt động của cấp huyện theo mô hình tổ chức mới, khối lượng thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền cấp xã/phường tăng đột biến. Cụ thể, TP Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 430 TTHC cấp xã (tăng từ 126 TTHC trước đây), trong khi tỉnh Quảng Nam có tới 489 TTHC cấp xã. Đáng chú ý, số lượng trụ sở hành chính cấp xã sau sáp nhập chỉ còn hơn 30% so với trước đây, khiến số hồ sơ xử lý tại UBND cấp xã/phường tăng gấp 9 lần, tiềm ẩn nguy cơ quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân. Nhằm giảm áp lực cho bộ máy hành chính cơ sở, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1390/QĐ-UBND ngày 29-4-2025, công khai danh mục 1.541 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, chiếm 88% trong tổng số 1.748 dịch vụ công trực tuyến và đạt 80,43% trong tổng số 1.916 TTHC. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm giảm tải thủ công, tăng hiệu quả phục vụ và hiện thực hóa chính quyền số.

Để đảm bảo sẵn sàng vận hành mô hình mới từ ngày 1-7-2025, Đà Nẵng đã đẩy mạnh công tác số hóa dữ liệu hành chính. Tính đến nay, gần 9 triệu trang tài liệu tại các cơ quan hành chính đã được số hóa, trong đó có hơn 2,82 triệu trang từ các sở, ban, ngành, 4,33 triệu trang từ UBND quận, huyện và gần 1,7 triệu trang từ UBND xã/phường. Đối với khối cơ quan Đảng, khoảng 12 triệu trang tài liệu cũng đang được triển khai số hóa. Tỉnh Quảng Nam hiện cũng đang nâng cấp mạng cho 78/88 trụ sở UBND xã lên tốc độ tối thiểu 10Gbps.

TP Đà Nẵng cũng đã lên phương án điều chỉnh phần mềm điều hành, hệ thống một cửa điện tử, dữ liệu chuyên ngành và phân quyền sử dụng cho cấp xã, bảo đảm hoàn tất chuyển đổi dữ liệu, tài khoản người dùng trước ngày 15-6-2025 để sẵn sàng vận hành từ đầu tháng 7. Cùng với đó, tập trung tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở nhằm giúp đội ngũ xã, phường đáp ứng khối lượng công việc ngày càng lớn, đặc biệt là trong giải quyết TTHC và dịch vụ công.

Chính quyền số - từ tầm nhìn đến hành động

Mô hình chính quyền đô thị không chỉ tinh gọn bộ máy mà còn tạo đà cho chuyển đổi số sâu rộng trên toàn hệ thống. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh yêu cầu bắt buộc: toàn bộ cán bộ, công chức các cấp phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số trước ngày 30-6-2025. TP giao nhiệm vụ Sở Y tế đẩy nhanh tích hợp Sổ sức khỏe điện tử vào VNeID (hiện mới đạt 18,43%), phối hợp với Bảo hiểm xã hội, Công an TP và các địa phương để đẩy tiến độ. Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương hoàn tất chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia, làm sạch dữ liệu, giảm thiểu thủ tục giấy tờ cho người dân. Sở Tài chính tham mưu chính sách miễn phí TTHC thuộc thẩm quyền HĐND TP, đồng thời làm sạch dữ liệu doanh nghiệp để phục vụ định danh điện tử từ ngày 1-7-2025. Chi cục Thuế khu vực XII triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, đồng thời phối hợp xác minh thông tin và thúc đẩy đăng ký định danh. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì đưa học bạ số lên hệ thống VNeID, đồng thời triển khai giải pháp học đường không dùng tiền mặt…

Bên cạnh những kết quả tích cực, mô hình chính quyền 2 cấp vẫn còn những khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao và cách làm bài bản, Đà Nẵng đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp lý, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng cán bộ; xem xét xây dựng các cơ chế tham vấn, phản biện cộng đồng thay thế vai trò của HĐND tại quận, phường, đảm bảo quyền làm chủ và tiếng nói của nhân dân. Trong dài hạn, mô hình chính quyền hai cấp được kỳ vọng là bước chuyển quan trọng trong quản trị đô thị, xây dựng nền hành chính phục vụ - kiến tạo - phát triển, đưa Đà Nẵng tiến gần hơn với mục tiêu trở thành đô thị thông minh, hiện đại, đáng sống và mang tầm khu vực.

(Nguồn:cadn.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website