Công trình cầu Thanh Bình khánh thành cuối năm 2023 với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng.
Diện mạo mới
Trên vùng đất chiến trường xưa gắn với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, diện mạo thành phố Điện Biên Phủ hôm nay nhiều đổi thay với các công trình đã và đang được xây dựng.
Dự án “Chương trình đô thị miền núi phía bắc-thành phố Điện Biên Phủ” được thực hiện từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới giúp thành phố cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và điều kiện vệ sinh môi trường, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Hệ thống đường giao thông thuận lợi hơn, cơ sở vật chất khang trang, cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp. Dự án công viên Hồ điều hòa hoàn thành góp phần cải thiện vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan khu vui chơi giải trí và tăng cường an toàn giao thông cho thành phố.
Kết cấu hạ tầng của thành phố Điện Biên Phủ hoàn thiện tạo động lực thúc đẩy các địa phương vệ tinh xung quanh phát triển. Những công trình: nhà khách tỉnh, đường 60m, tuyến đường động lực kết nối từ phía đông sang phía tây thành phố, chỉnh trang cải tạo kè sông Nậm Rốm, khu trung tâm chính trị hành chính tỉnh Điện Biên, Khu trung tâm thương mại và nhà ở thương mại Thành phố do Tập đoàn VinGroup đầu tư... đã và sẽ hình thành tạo diện mạo mới cho đô thị trung tâm.
Công trình cầu Thanh Bình bắc qua sông Nậm Rốm dài 93m có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo cảnh quan đô thị. Việc xây dựng, quy hoạch khu Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đã tạo sự kết nối liên hoàn và hoàn chỉnh cho tổng thể khu vực tưởng niệm và di tích lịch sử chung quanh như: Đồi A1, Nghĩa trang liệt sĩ A1, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ...
Tại buổi lễ khánh thành công trình sửa chữa và nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội-Điện Biên Phủ từ nguồn tài trợ của thành phố Hà Nội chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cô trò nhà trường phấn khởi khi dạy và học trong ngôi trường khang trang được đầu tư tới 70 tỷ đồng. Đứng trước căn nhà mặt tiền mới xây ở khu tái định cư dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên Phủ, anh Vũ Hữu ở phường Thanh Trường chia sẻ gia đình anh cùng nhiều hộ dân về nơi ở mới sớm ổn định cuộc sống, đỡ vất vả hơn làm nông trước đây.
Thời gian qua, nhiều tuyến đường, khu đô thị được xây dựng, sửa chữa cũng góp phần thay đổi bộ mặt của thành phố Điện Biên Phủ. Các công trình được đẩy nhanh tiến độ thi công cuốn chiếu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, bảo đảm chất lượng, an toàn.
Chia sẻ về quá trình thi công gói thầu số 4 đường 60m kéo dài, ông Nguyễn Quyết Chiến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Mạnh Quân cho biết công ty huy động phương tiện, nhân lực kịp thời để bảo đảm tiến độ, khó khăn đến đâu khắc phục đến đó.
Công trình cầu Thanh Bình bắc qua sông Nậm Rốm dài 93m có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo cảnh quan đô thị. Việc xây dựng, quy hoạch khu Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đã tạo sự kết nối liên hoàn và hoàn chỉnh cho tổng thể khu vực tưởng niệm và di tích lịch sử chung quanh như: Đồi A1, Nghĩa trang liệt sĩ A1, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ...
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Đức Minh chia sẻ, trong điều kiện tỉnh nghèo, kinh phí còn hạn hẹp nhưng cố gắng cân đối nguồn lực đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố. Công tác quản lý chi phí bảo đảm tiết kiệm và phòng, chống lãng phí, để ngân sách nhà nước đầu tư phát huy tối đa hiệu quả.
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Phi Sông cho biết, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư, tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực hiện đầu tư nhằm phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế, trong đó phát triển thành phố Điện Biên Phủ là “hạt nhân” để lan tỏa.
Động lực lan tỏa
Theo Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Điện Biên Phủ là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế-xã hội, thương mại-dịch vụ, du lịch, khoa học-kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, văn hóa nghệ thuật của tỉnh, là đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc.
Quy hoạch chung thành phố Ðiện Biên Phủ đến năm 2045 kỳ vọng mở ra tầm nhìn mới cho thành phố trong giai đoạn phát triển mới, bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Nhằm xây dựng thành phố Điện Biên Phủ trở thành đô thị xanh-sạch-văn minh, hoàn thành tiêu chí đô thị loại 2, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ Nguyễn Đạt Long cho biết, Ủy ban nhân dân thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai, định hướng xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch dân cư phù hợp với nhu cầu phát triển đô thị trong từng giai đoạn.
Thời gian qua, thành phố đã sắp xếp, bố trí nguồn lực để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị nhằm sớm hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu hoặc đã đạt nhưng điểm số chưa cao, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn.
Cùng với đó, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ sớm phê duyệt các đồ án quy hoạch, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết gắn với các dự án đầu tư để sớm triển khai các dự án đầu tư hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch-dịch vụ, hướng đến xây dựng và phát triển đô thị một cách bền vững, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo các chuyên gia, để Ðiện Biên Phủ là thành phố du lịch văn hóa-lịch sử cách mạng cấp quốc gia; trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và trung chuyển (logistics) trọng điểm của khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh Ðiện Biên, vùng Tây Bắc và vùng trung du và miền núi phía bắc, quy hoạch chung cần giải quyết một số vấn đề.
Đó là phát triển kinh tế đô thị, bảo đảm đời sống người dân, xây dựng đô thị hiện đại nhưng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công nghiệp hóa; hiện đại hóa nông nghiệp; phát triển chuyển đổi số, công nghệ 4.0, bảo vệ giá trị cốt lõi các di sản quốc gia lịch sử chiến trường Ðiện Biên Phủ và phát triển kinh tế địa phương, kết hợp bảo đảm quốc phòng-an ninh, tạo dựng nên thương hiệu, tính đặc trưng riêng biệt của thành phố.
Trong thời gian tới, thành phố Điện Biên Phủ chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai nhằm phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội và hạ tầng đô thị; chỉnh trang các khu dân cư trong khu đô thị hiện hữu và các vùng lân cận để bố trí, ổn định dân cư bảo đảm phù hợp với quy hoạch góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị thành phố và tăng dân số cơ học, tăng mật độ dân số để từng bước đáp ứng về quy mô dân số toàn đô thị và mật độ dân số đô thị theo tiêu chí đô thị loại 2.
Thành phố cũng tập trung huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội, thu hút đầu tư theo định hướng phát triển của địa phương, phù hợp với các quy hoạch, khuyến khích các dự án phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn; phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử và du lịch cộng đồng.
Với 45 điểm di tích lịch sử trên địa bàn là điều kiện thuận lợi để xây dựng thành phố Điện Biên Phủ giàu bản sắc văn hóa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt “Chiến trường Ðiện Biên Phủ” cùng với đặc trưng về sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa nhân văn.
Khi thẩm định, tham gia ý kiến các đồ án quy hoạch, Sở Xây dựng đều lưu ý các khu vực cần bảo tồn, tu bổ, gìn giữ để phát huy giá trị lịch sử, bên cạnh đó quan tâm các khu phát triển mới, khu công viên cây xanh, các dự án hạ tầng, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc.