Tọa đàm về phát triển giao thông xanh do Bộ Giao thông vận tải tổ chức. (Ảnh: TẠ HẢI)
Tại tọa đàm, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi xanh, thách thức và giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển giao thông xanh tại Việt Nam nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Net-zero”, đưa phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Cần cơ chế thu hút nguồn lực
Tọa đàm “Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư" do Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị, tổ chức quốc tế thực hiện. Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho hay, phát triển kinh tế xanh đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khoá XI đặt vấn đề chính thức tại Nghị quyết số 24 ngày 13/6/2013 về chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường, yêu cầu thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, nông thôn xanh.
Gần 10 năm triển khai thực hiện, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được xác định trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và tiếp tục được khẳng định tại Quyết định 81 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền kinh tế xanh. Đại hội Đảng lần thứ XI, XII và XIII đã xác định, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông thích ứng với biến đổi khí hậu là 1 trong 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế-xã hội.
Triển khai các cam kết của Việt Nam tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876 ngày 2/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí mêtan của ngành giao thông vận tải, với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông xanh, nhằm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Chương trình hành động đã đưa ra các giải pháp cụ thể cho 5 chuyên ngành giao thông vận tải quốc gia và giao thông đô thị, bao gồm: phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia điện khí hoá, phát triển cảng xanh và lộ trình chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và năng lượng xanh.
“Trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông xanh, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng được tuyến đường sắt đô thị, triển khai được hàng trăm xe buýt điện, hàng chục nghìn ô-tô điện, xe máy điện đang vận hành. Tuy nhiên, so với mục tiêu đặt ra thì đây mới là kết quả bước đầu, cần tiếp tục dành nguồn lực, có cơ chế, chính sách ưu tiên để khuyến khích người dân, doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất và sử dụng phương tiện. Đây là vấn đề rất quan trọng để thực hiện mục tiêu đầy thách thức là giảm phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá.
Làm sao để thu hút tư nhân tham gia vào lĩnh vực thế mạnh của họ như: chuyển đổi phương tiện, năng lượng,… kết hợp các nguồn lực mới đạt được mục tiêu về giao thông xanh. Khi khai thông được nguồn lực, việc tổ chức thực hiện rất quan trọng trong vấn đề ‘tiêu hóa’ nguồn vốn lớn và phải đồng bộ giữa các lĩnh vực để đạt mục tiêu chung, hướng tới Net Zero.
Nguyên Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, nhu cầu phát triển giao thông xanh rất lớn, trong đó hạ tầng mới đề cập trạm sạc; còn hạ tầng bến cảng, sân bay, đường sắt chưa được nêu ra. Việc huy động nguồn lực để đưa về Net-zero như cam kết là thách thức rất lớn. Như vậy có nên xem xét lại chủ trương, định hướng về thu hút nguồn lực không? Hệ thống luật pháp cần điều chỉnh thế nào để thu hút nguồn lực?,...
Ông Đông cũng đặt vấn đề, nguồn lực rất lớn là vốn mồi của Nhà nước cho đầu tư phát triển hạ tầng, cần tiếp tục khai thông để huy động nguồn lực quốc tế. “Các đối tác đã có cam kết, sẵn sàng nhưng nước ta phải tiếp cận, sử dụng hiệu quả trên cơ sở đáp ứng điều kiện nhất định, làm sao để thu hút tư nhân tham gia vào lĩnh vực thế mạnh của họ như chuyển đổi phương tiện, năng lượng,… kết hợp các nguồn lực mới đạt được mục tiêu. Khi khai thông được nguồn lực, việc tổ chức thực hiện rất quan trọng trong vấn đề ‘tiêu hóa’ nguồn vốn lớn và phải đồng bộ giữa các lĩnh vực để đạt mục tiêu chung, hướng tới Net Zero”, ông Đông lưu ý.
Hỗ trợ phát triển giao thông xanh
Giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, có 3 kịch bản giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải đến năm 2050 theo hướng phát thải ròng về bằng 0 được đưa ra, gồm: kịch bản phát triển giao thông vận tải theo hướng phát thải thông thường; kịch bản quốc gia tự thực hiện giảm phát thải bằng nguồn lực trong nước và kịch bản hướng tới phát thải ròng bằng 0 có sự hỗ trợ của quốc tế. Các kịch bản này sử dụng 4 giải pháp chính gồm: sử dụng năng lượng hiệu quả, chuyển đổi phương tiện cá nhân sang công cộng, chuyển đổi vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy, chuyển đổi nhiên liệu/năng lượng.
Từ đó, ông Lê Anh Tuấn đề xuất chương trình chuyển đổi phương tiện giao thông điện cấp quốc gia với 3 giai đoạn gồm: khởi động (2024-2030), tăng trưởng nhanh (2030-2040) và giai đoạn tăng trưởng ổn định (2040-2050) với các giải pháp chủ đạo riêng để đạt được các mục tiêu cụ thể đó là: xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển xe điện; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng lưới điện đáp ứng lộ trình chuyển đổi; tăng cường hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ; cơ chế huy động nguồn lực và phân bổ vốn đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực phù hợp chuyển đổi năng lượng xanh trong giao thông,...
Phát biểu tham luận tại tọa đàm, đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế đều cam kết hỗ trợ Việt Nam không chỉ về tài chính mà bằng cả những kinh nghiệm thực tiễn trong việc giảm khí nhà kính và chuyển đổi phương tiện xanh, năng lượng xanh của ngành giao thông. Ông Thomas Wiersing, Đại diện lâm thời, Phó trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, mục tiêu của EU là giảm 60% phát thải từ ngành giao thông vào năm 2050, được thực hiện qua nhiều phương thức. Đường sắt đóng vai trò quan trọng giảm phát thải khí nhà kính, đến năm 2030 đặt mục tiêu phục vụ hành khách đường sắt tăng 30%, cam kết hỗ trợ giảm phát thải ngành đường sắt, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để hướng tới giao thông xanh.
Theo bà Takebayashi Yoko, Phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, hơn 30 năm vừa qua, JICA đã hỗ trợ, triển khai nhiều khoản đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với tổng số tiền đầu tư 3.000 tỷ yên. Cùng đó là triển khai mô hình hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, thu hút các nguồn lực đầu tư tư nhân, cũng như cung cấp đội ngũ chuyên gia hỗ trợ, tư vấn.
Bà Kathleen A. Whimp, Quyền Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam-Lào-Campuchia khẳng định, WB cam kết hỗ trợ Việt Nam trên chặng đường phát triển giao thông xanh và phát triển bền vững trong tương lai, từ đó đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việc Việt Nam đầu tư cho phát triển giao thông xanh, ưu tiên phát triển đường sắt đô thị, triển khai dự án xây dựng tàu điện ngầm Metro tại Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn phù hợp để thực hiện mục tiêu trên.
Ông Ron H. Slangen, Phó Giám đốc quốc gia Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm, phát triển ngành giao thông là vô cùng quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. ADB cam kết mạnh mẽ đầu tư trong lĩnh vực này bởi kể từ khi thành lập, các đầu tư của ADB vào lĩnh vực giao thông vận tải chiếm khoảng 25%. “Hiện nay, nhiều khu vực đô thị đang chịu ô nhiễm cao, ngành giao thông sẽ phải giải quyết vấn đề này. Chúng tôi khảo sát ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt chú trọng đến giao thông đường sắt đô thị,… ADB hy vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng về tài chính, đầu tư để tạo nên nền giao thông xanh bền vững cho Việt Nam”, ông Ron H. Slangen khẳng định.