Đầu tư phát triển các loại vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo đề án, đối với vật liệu cát khai thác lòng sông, tỉnh Khánh Hòa sẽ sắp xếp lại các khu vực khai thác cát có quy mô nhỏ, lẻ, manh mún, gây tác động xấu tới môi trường, thực hiện đấu giá công khai các mỏ cát xây dựng; kiên quyết xử lý tình trạng khai thác cát trái phép của các tổ chức và hộ cá thể không có chức năng khai thác cát. Khuyến khích các cơ sở khai thác, chế biến đá xây dựng tận dụng nguồn đá nghiền thành cát nhân tạo để thay thế cho cát tự nhiên cho sản xuất vữa và gạch không nung, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoán sản. Tăng cường phát triển các sản phẩm cát nhân tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng; phấn đấu đạt mục tiêu sử dụng cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng để thay thế tối thiểu 40% lượng dung cát thiên nhiên trong xây dựng. Đẩy mạnh việc sản xuất sử dụng cát nước lợ, cát mịn, cát biển đi kèm với các giải pháp kỹ thuật, phấn đấu đạt mục tiêu sử dụng thay thế cho 10% lượng dùng cát thiên nhiên trong xây dựng…
Đối với vật liệu đá xây dựng, dự báo nhu cầu đến năm 2030 là 20,534 triệu m3; vì vậy, các cơ sở khai thác, chế biến đá cần quan tâm đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến, giảm thiểu phát thải khói bụi và tiếng ồn trong sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh.
Đối với vật liệu xây dựng xi măng, định hướng của tỉnh Khánh Hòa là duy trì sản xuất đối với các cơ sở nghiền xi măng hiện có theo hướng đầu tư chiều sâu công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; không đầu tư xây dựng mới. Đối với vật liệu xây (gạch đất sét nung, gạch không nung xi măng – cốt liệu và gạch không nung nhẹ), lộ trình đến năm 2025, các cơ sở sản xuất đang sử dụng công nghệ lạc hậu (theo công nghệ lò Hoffman), thiết bị cũ tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng buộc phải dừng sản xuất; phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu không nung để thay thế gạch đất sét nung nhằm tiết kiệm đất nông nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, góp phần giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường…
Đối với vật liệu lợp (ngói đất sét nung, ngói không nung, tấm hợp kim loại và tấm lợp xi măng), tỉnh Khánh Hòa sẽ không đầu tư mới hoặc mở rộng các sơ sở sản xuất tấm lợp amiăng; khuyến khích đầu tư sản xuất vật liệu lợp thông minh, tiết kiệm năng lượng, vật liệu sử dụng các loại sợi an toàn với sức khỏe con người, thân thiện môi trường.
Đối với vật liệu bê tông, từ nay đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa sẽ kêu gọi đầu tư các cơ sở sản xuất bê tông thương phẩm và bê tông cấu kiện để thay thế cho việc chế tạo bê tông bằng phương pháp thủ công đơn giản, phân tán, không đảm bảo chất lượng và gây ô nhiễm môi trường; đầu tư mới các nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông các loại trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dự kiến hình thành…
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng công bố và phổ biến Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai phát triển sản xuất theo định hướng Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt; phối hợp với các sở ngành, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thẩm định, trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất vật liệu xây dựng thuộc đối tượng phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật…