Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng nhằm đảm bảo việc thi hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật ngành xây dựng; đồng thời phát hiện biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực, chấn chỉnh ngay các sai sót, yếu kém và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nếu có. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức; đề cao trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, công chức ngành xây dựng khi thực hiện nhiệm vụ.
Thông qua việc kiểm tra kiến nghị các biện pháp cần thiết để sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật ngành xây dựng hoặc kiến nghị cấp có trách nhiệm về tổ chức, hoạt động của cơ quan tham mưu giúp việc thuộc lĩnh vực xây dựng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao; có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành xây dựng đáp ứng nhiệm vụ được giao.
Về nguyên tắc kiểm tra, việc kiểm tra phải do người có trách nhiệm kiểm tra tiến hành theo đúng quy định, bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, trung thực, dân chủ, kịp thời.
Các hành vi vi phạm pháp luật phát hiện được trong quá trình kiểm tra phải đình chỉ ngay và thực hiện các biện pháp sửa chữa, khắc phục vi phạm. Cán bộ, công chức ngành xây dựng có hành vi vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm lợi dụng việc kiểm tra làm cản trở, gây khó khăn cho hoạt động của đơn vị, cá nhân được kiểm tra.
Hoạt động kiểm tra bảo đảm không trùng lặp về nội dung, đối tượng, phạm vi, lĩnh vực kiểm tra giữa các cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền kiểm tra và không chồng chéo với hoạt động thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra.
Về nội dung và hình thức kiểm tra, thực hiện theo Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ.