Quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu về bảo đảm các điều kiện phòng cháy trong sản xuất, kinh doanh

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội, sáng 19/6/2024. (Ảnh: DUY LINH)

Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 19/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh sự cần thiết ban hành luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).

Đồng thời, bổ sung quy định về hoạt động CNCH đối với những sự cố, tại nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân và theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được quy định trong văn bản luật; qua đó, bảo đảm cơ sở pháp lý theo đúng quy định của Hiến pháp để lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Việc ban hành luật còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan và khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới.

Dự thảo luật gồm 9 chương, 65 điều. Trong đó, bên cạnh việc kế thừa, dự thảo luật đã bổ sung các quy định mới để khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy; quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.

Rà soát kỹ để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật

Báo cáo thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhất trí sự cần thiết ban hành Luật PCCC và CNCH, đồng thời đề nghị bổ sung đầy đủ, cụ thể hơn các quy định về hoạt động CNCH; tiếp tục rà soát, sắp xếp để bảo đảm sự cân đối, lô-gic giữa các chương, điều của dự thảo, phù hợp với mục tiêu xây dựng luật.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh kiến nghị tiếp tục nghiên cứu, thể chế đầy đủ, toàn diện và cụ thể hơn trong dự thảo luật này các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác PCCC và CNCH, rà soát kỹ các luật có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về quy hoạch PCCC và CNCH, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Chính phủ căn cứ chủ trương của Đảng, kết hợp tổng kết thực tiễn, nghiên cứu bổ sung các quy định về quy hoạch hạ tầng PCCC trong dự thảo để quy định nội dung, yêu cầu cụ thể đối với quy hoạch hạ tầng PCCC và mối quan hệ với các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phù hợp với pháp luật về quy hoạch để bảo đảm tính đồng bộ trong việc bảo đảm các điều kiện về PCCC và CNCH.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 4), có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về chính sách phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH; huấn luyện, diễn tập PCCC, CNCH; có chính sách về bảo đảm đầu tư, phân bổ nguồn lực phục vụ PCCC, CNCH phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, vùng miền; chính sách bảo vệ, hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong hoạt động PCCC & CNCH; chính sách huy động các tầng lớp nhân dân, các lực lượng tham gia PCCC, CNCH; các chính sách cụ thể về xã hội hóa PCCC, CNCH.

Về hoạt động phòng cháy (Chương II), Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu PCCC đối với từng loại quy hoạch tại khoản 1 Điều 13 để có giải pháp, thiết kế về PCCC phù hợp với từng loại quy hoạch; xác định rõ hơn cách thức áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện đối với từng loại công trình, dự án; phân loại rõ công trình cải tạo đến mức nào thì mới phải có giải pháp, thiết kế PCCC; rà soát, thống nhất các quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục, phân công phối hợp trong thẩm tra, thẩm định, nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC…

Liên quan đến hoạt động cứu nạn, cứu hộ (Chương IV), Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung đầy đủ, cụ thể hơn các quy định về hoạt động CNCH nhằm tăng tính minh bạch của luật, bảo đảm phân định rõ với hoạt động phòng thủ dân sự, hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật hiện hành; cân nhắc quy định về CNCH trong đám cháy; quy định về quan hệ phối hợp trong hoạt động CNCH…

Về lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Chương V), Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục rà soát quy định của pháp luật hiện hành để sắp xếp, bố trí lực lượng PCCC và CNCH hợp lý theo yêu cầu nhiệm vụ, không làm phát sinh tổ chức bộ máy, không chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các lực lượng, các chủ thể trong quản lý hoạt động PCCC và CNCH…

(Nguồn:nhandan.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website