Sớm ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia, thời kỳ 2021 - 2030

Đây là kiến nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa tại kỳ họp trực tuyến lần thứ nhất của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 28 địa phương có biển, diễn ra sáng ngày 12/4/2024 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì kỳ họp. Tại điểm cầu Khánh Hòa có ông Lê Hữu Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện sở, ngành tham dự kỳ họp.

Ông Lê Hữu Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (đứng giữa) phát biểu tại kỳ họp.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Lê Hữu Hoàng cho biết, hiện nay, giá trị các ngành kinh tế biển và ven biển của Khánh Hòa chiếm khoảng 80% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh; kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm từ 35 - 44% giá trị xuất khẩu của tỉnh, đưa Khánh Hòa trở thành 1 trong 5 tỉnh xuất khẩu thủy sản mạnh của cả nước; kim ngạch xuất khẩu tàu biển chiếm khoảng 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Thay mặt UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nhanh chóng phê duyệt ranh giới quản lý hành chính trên biển giữa các địa phương; ban hành bộ tiêu chí đánh giá một số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế biển...

Sau khi nghe báo cáo, ý kiến của các thành viên dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành Trung ương, địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện hiệu quả Chiến lược trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng gợi mở một số định hướng: Tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hóa hệ thống đô thị biển; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết nối phát triển kinh tế biển giữa các vùng, địa phương; khuyến khích đầu tư phát triển, hình thành các trung tâm năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh; quan tâm đầu tư khu neo đậu tránh trú bão và các dự án kết cấu hạ tầng ven biển, đảo; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng phát triển thủy sản phục vụ nuôi trồng, đánh bắt và chế biến, chú trọng đầu tư công nghệ, kỹ thuật hiện đại phục vụ nuôi trồng xa bờ; khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia; khai thác hiệu quả cảnh quan biển, đảo, đa dạng loại hình dịch vụ du lịch, phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại, kết nối chuỗi liên kết du lịch giữa các vùng, địa phương…

(Nguồn:baokhanhhoa.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website