Ảnh minh họa.
Thực hiện các nội dung được Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết tại Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng (gọi tắt là Nghị định số 15/2021/NĐ-CP).
Qua thời gian triển khai thực hiện, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đã cụ thể hoá các nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng theo đúng các quy định của Luật Xây dựng năm 2014, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư xây dựng đi vào trật tự, nền nếp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước.
Để thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 15/1/2024 ban hành chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 12/2024.
Trước đó, ngày 20/10/2023, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các Bộ Quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo về tình hình thực hiện Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP. Các Bộ, cơ quan quản lý tại địa phương sau đó đã có văn bản gửi về Bộ Xây dựng báo cáo về các nội dung phân cấp, phân quyền trong thực hiện công tác thẩm định, nguồn lực thực hiện và các vướng mắc, bất cập được phát hiện trong quá trình thực thi pháp luật.
Qua tổng kết, đánh giá các ý kiến nhận được trong quá trình thực hiện Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP, Bộ Xây dựng nhận thấy các nội dung vướng mắc, bất cập cũng như các nội dung cần sửa đổi nhằm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính như về các quy định chung; về việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; về tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng; về giấy phép xây dựng; về điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.
Bên cạnh các yêu cầu sửa đổi từ thực tiễn, việc rà soát, sửa đổi các quy định tại Nghị định 15 nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật như: Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các luật khác.
Theo nội dung tờ trình, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 60 Điều và bổ sung 10 Điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP.
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định nhằm mục tiêu tiếp tục thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, thúc đẩy các thành phần kinh tế khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường phân cấp trong quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan ở Trung ương và địa phương; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.