Sử dụng không gian ngầm trên địa bàn Thủ đô: Chính phủ quy định giới hạn độ sâu

Người sử dụng đất thuộc địa bàn được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ phù hợp với quy hoạch.

Giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ

Đây là quy định mới về quản lý, sử dụng không gian ngầm trong Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

Cụ thể, theo luật, việc quản lý, sử dụng không gian ngầm phải dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về điều kiện tự nhiên, địa chất, địa mạo, thủy văn; phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Đồng thời, bảo đảm quốc phòng, an ninh; ưu tiên các công trình có tính lưỡng dụng, có khả năng sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh; bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo đảm kết nối đồng bộ với không gian trên mặt đất và các không gian xây dựng công trình ngầm có liên quan.

Việc xây dựng công trình ngầm, bao gồm cả phần móng, cọc và phần ngầm của công trình trên mặt đất, phải thực hiện theo dự án đầu tư xây dựng, hạng mục của dự án đầu tư xây dựng hoặc giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất thuộc địa bàn Thành phố được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ phù hợp với quy hoạch. Việc sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định phải được cấp phép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Không gian ngầm là một nguồn tài nguyên để phát triển đô thị. (Ảnh: Phương Ngân)

Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho phép sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định để xây dựng công trình ngầm phải trả tiền sử dụng không gian ngầm, trừ trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng không gian ngầm đối với công trình ngầm không nhằm mục đích kinh doanh, thuộc danh mục khuyến khích đầu tư xây dựng hoặc trường hợp khác do Chính phủ quy định.

Cũng theo Luật Thủ đô (sửa đổi), Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng.

Các công trình ngầm, phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất đã được xây dựng hoặc có giấy phép xây dựng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì không phải làm thủ tục xin cấp phép và trả tiền sử dụng không gian ngầm.

Việc cải tạo, xây dựng lại công trình ngầm, phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất đã có; điều chỉnh giấy phép xây dựng làm thay đổi việc sử dụng không gian ngầm sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải được cấp phép và trả tiền sử dụng không gian ngầm theo quy định của Luật này.

Nguồn tài nguyên để phát triển Hà Nội

Khi thảo luận về dự án Luật, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn thành phố Cần Thơ) cho rằng, không gian ngầm của đô thị cần phải được quản lý và sử dụng có hiệu quả, đây chính là một nguồn tài nguyên để phát triển Hà Nội.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành đồ án quy hoạch chung về không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm nên sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi, năng lực để triển khai các quy định mới.

Để Hà Nội có thể thực hiện nhanh nội dung này, ông Đào Chí Nghĩa đề nghị các nghị định hướng dẫn của Chính phủ đối với Luật Đất đai 2024 trong giai đoạn hiện nay cần tích hợp các quy định về giá đất, trường hợp miễn giảm tiền sử dụng không gian ngầm đối với các công trình ngầm không nhằm mục đích kinh doanh thuộc danh mục khuyến khích đầu tư xây dựng.

Việc khai thác không gian ngầm là xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại. Hà Nội cũng xác định phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng (TOD), nên việc khai thác không gian ngầm càng cần thiết, góp phần tăng thêm diện tích, không gian cho các phương tiện giao thông công cộng, các loại hình dịch vụ, thương mại... để khai thác tối ưu quỹ đất đô thị.

Nhiều ý kiến cũng tin tưởng, phát triển và sử dụng hiệu quả không gian ngầm đô thị sẽ giúp Thủ đô cải thiện môi trường sinh thái, giảm đáng kể ô nhiễm đô thị, nâng cao lợi ích kinh tế và xã hội của Thành phố...

Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng không gian ngầm sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Cũng theo Luật, các công trình ngầm, phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất đã được xây dựng hoặc có giấy phép xây dựng trước ngày Luật có hiệu lực thi hành thì không phải làm thủ tục xin cấp phép và trả tiền sử dụng không gian ngầm quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật Thủ đô (sửa đổi).

Việc cải tạo, xây dựng lại công trình ngầm, phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất đã có; điều chỉnh giấy phép xây dựng làm thay đổi việc sử dụng không gian ngầm sau ngày Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành phải được cấp phép và trả tiền sử dụng không gian ngầm theo quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi).

(Nguồn:laodongthudo.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website