Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tiếp thu và giải trình các ý kiến của đại biểu tại kỳ họp
Các đại biểu cũng cho rằng để đạt được mục tiêu này, cần có sự tham gia của người dân vào quá trình triển khai và giám sát quy hoạch là yếu tố then chốt; đồng thời, đảm bảo quy hoạch được thực hiện một cách hiệu quả và minh bạch.
Bên cạnh đó, cần minh bạch và công khai các thông tin liên quan đến quy hoạch, các quyết định thay đổi hay điều chỉnh quy hoạch phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể tiếp cận và giám sát…
Tiếp thu và giải trình ý kiến của đại biểu, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, về tăng trưởng GRDP, trong thời kỳ quy hoạch Thành phố phấn đấu 8,5%-9%. Đây là tỷ lệ tăng trưởng rất thách thức đối với TP.Hồ Chí Minh, nhưng Thành phố phấn đấu, phải có kịch bản, kế hoạch, những giải pháp, sự đầu tư để đạt được từ đây đến năm 2030 và phấn đấu giai đoạn sau năm 2030 sẽ đưa tăng trưởng của TP.Hồ Chí Minh lên 2 con số.
TP.Hồ Chí Minh cũng sẽ có kế hoạch rất cụ thể, trong đó xác định các danh mục đầu tư trọng điểm, có những giải pháp đột phá bố trí nguồn lực xứng đáng để thực hiện. Đi kèm với đó là sửa đổi thể chế, cơ chế chính sách để TP.Hồ Chí Minh huy động các nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển, cộng với tháo gỡ các điểm nghẽn đã được chỉ ra thì chúng ta có khả năng sẽ đạt được như mục tiêu.
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh thông tin thêm, Trung ương đặt mục tiêu TP.Hồ Chí Minh phải là địa phương tiên phong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ mà quốc gia đã cam kết, các chỉ tiêu quốc gia. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao, đến 2045 là nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao. Do vậy, TP.Hồ Chí Minh phải là địa phương thực hiện các chỉ tiêu này trước nhất, thậm chí thực hiện vượt để cân đối cho mục tiêu quốc gia.
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, để thực hiện được, phải có quyết tâm chính trị lớn, đi kèm đó là các kế hoạch cụ thể huy động lực lượng để phát triển. Hiện nay dịch vụ đang chiếm khoảng 65%, công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 22% cơ cấu kinh tế Thành phố.
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho biết, tại quy hoạch lần này, Thành phố đưa công nghiệp xây dựng lên 27%, tiệm cận 30% sau năm 2030, để khu vực công nghiệp xây dựng tiếp tục có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế Thành phố giai đoạn năm 2045. Như vậy, tỷ lệ dịch vụ có thể kéo lùi lại nhưng không dưới 60% và phát triển dịch vụ hiện đại, giá trị gia tăng cao, như trung tâm tài chính quốc tế, dịch vụ phục vụ công nghiệp, dịch vụ pháp lý… sẽ được tập trung để phát triển.
Trong quy hoạch từ nay đến năm 2030, TP.Hồ Chí Minh giữ đơn vị hành chính, đô thị như hiện nay. Giai đoạn này, Thành phố thực hiện các nhiệm vụ lớn, là gia tăng nội lực của các đô thị này, định hình rõ nét Thành phố trong Thành phố đối với TP Thủ Đức. Đối với 5 huyện, TP.Hồ Chí Minh sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để 5 huyện này đạt được các tiêu chuẩn đô thị, ít nhất là phải đạt được đô thị loại 3.
Đến giai đoạn 2030 - 2040, TP.Hồ Chí Minh sẽ tổ chức thành 5 vùng đô thị gồm đô thị trung tâm; TP Thủ Đức; vùng đô thị khu Nam (Quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh); khu Tây Bắc gồm huyện Củ Chi, một số vùng có liên quan của Hóc Môn, Bình Chánh; Khu Tây Nam gồm một phần huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 12. Còn riêng huyện Cần Giờ sẽ nghiên cứu tiếp. Đồng thời, TP.Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu mô hình “Thành phố trong làng, làng trong Thành phố” theo gợi ý của Thủ tướng để cụ thể hóa trong quy hoạch này.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã thống nhất thông qua Nghị quyết về hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch TP.Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.