Quốc lộ 22 qua huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: Hữu Chánh
Cần 10 tỉ USD phát triển hạ tầng 5 huyện
Theo hồ sơ quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND TPHCM thông qua, hệ thống đô thị của thành phố bao gồm: Khu vực trung tâm (các quận nội thành đạt tiêu chuẩn của đô thị đặc biệt), TP Thủ Đức (đô thị loại I) và 5 đô thị vệ tinh kiểu mới gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ - đô thị loại III (đây sẽ là cơ sở để nâng cấp lên thành phố).
5 đô thị vệ tinh kiểu mới có tính chất độc lập tương đối về cơ sở kinh tế - kỹ thuật, nhằm cân bằng lao động tại chỗ, hạn chế giao thông con lắc (dân đi từ ngoại ô vào thành phố và ngược lại đều đặn sáng, tối).
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, đến năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng ở 5 huyện dự kiến lên đến 242.000 tỉ đồng (khoảng 10 tỉ USD), nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị để đáp ứng sự gia tăng dân số, với dự báo tăng thêm 1,4 triệu người. Tuy nhiên, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cơ hội thu lại giá trị gia tăng từ đất có thể đạt khoảng 528.000 tỉ đồng trong thời gian tới nếu khai thác tốt. Do vậy, TPHCM cần ưu tiên đầu tư các dự án, đề án mang tính động lực trước, làm đòn bẩy để phát triển lan tỏa ra các khu vực khác trên địa bàn 5 huyện ngoại thành.
Tại 5 huyện có các dự án giao thông lớn đi qua như: cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Vành đai 3, Vành đai 4, tuyến Metro số 2 (dự kiến kéo dài về phía khu đô thị Tây Bắc Củ Chi),… Nếu các địa phương khai thác tốt quỹ đất dọc các dự án sẽ tạo ra nguồn lực lớn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để phát triển các cụm TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng sức chở lớn).
Điều này sẽ cho phép 5 huyện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, kết hợp với việc huy động vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng kết nối nhanh cũng như công trình công cộng, phục vụ việc xây dựng những khu trung tâm đô thị mới với quy mô đầu tư lớn.
Cần tạo đột phá về hạ tầng và việc làm
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên về quy hoạch đô thị, điểm mấu chốt để biến 5 huyện thành 5 đô thị vệ tinh là TPHCM phải có những đột phá mới lúc trước không làm được như đột phá về hạ tầng, công ăn việc làm, đời sống người dân tốt hơn.
“Khu nội thành có nhà hát, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, tòa nhà cao tầng cho thuê, bệnh viện, trường đại học,… thì đô thị vệ tinh sẽ có y như vậy. Khi đó, sẽ giảm lưu lượng giao thông không cần thiết đi vào nội thành giúp giảm kẹt xe. Đô thị vệ tinh cũng tạo nên nguồn công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, người dân có cơ hội đi làm ở gần nhà mà không phải đi rất xa. Đô thị vệ tinh sẽ tạo ra bản sắc, giá trị riêng phù hợp với nhu cầu của người dân” - ông Sơn nói.
Tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho rằng, điều mà người dân các huyện quan tâm nhất khi phát triển thành đô thị vệ tinh là đời sống của họ sẽ thay đổi ra sao, được hưởng lợi gì từ sự đổi thay đó. Theo ông Cương, chính quyền địa phương cần quan tâm “sửa sai” cho những yếu kém trong quản lý đô thị của giai đoạn trước bằng cách quy hoạch và cải tạo lại các khu dân cư hiện hữu cho đúng tiêu chuẩn đô thị, tránh phát triển tự phát tiếp diễn.
Để có nguồn lực phát triển các đô thị vệ tinh, ông Võ Kim Cương nhấn mạnh mấu chốt phải là phát triển hạ tầng, tạo cơ chế huy động nguồn lực từ đất đai. Nếu TPHCM có các chính sách về đất đai đúng đắn thì sẽ hỗ trợ cho phát triển hạ tầng, bởi nếu chỉ trông chờ từ ngân sách thì mức độ nâng cấp đô thị sẽ không theo kịp sự gia tăng dân số.
“Một chính quyền mạnh không chỉ quản lý hành chính tốt, mà còn phải biết tổ chức, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng” - ông Cương nói.