Hàng nghìn căn nhà dọc hai bờ kênh Đôi (Quận 8) sẽ bị di dời. Ảnh: Anh Tú
Theo Sở Xây dựng, TPHCM hiện có khoảng 48.143 căn nhà nằm trên và ven sông, kênh, rạch. Trong đó, 9 dự án đã và đang triển khai, với 1.149 căn nhà đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng và 243 căn khác đang trong quá trình giải tỏa.
Tuy nhiên, còn khoảng 46.453 căn nhà chưa triển khai thực hiện di dời, chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Theo báo cáo từ các quận, huyện và TP Thủ Đức, nhu cầu nhà ở xã hội để phục vụ tái định cư cho người dân sống ven kênh rạch ước tính khoảng 8.157 căn, chiếm 17,6% tổng số nhà ven kênh rạch cần di dời.
Tuy nhiên, Sở Xây dựng TPHCM nhận định con số này chưa hoàn toàn chính xác. Chẳng hạn, tại quận Bình Thạnh, có 864/2.077 trường hợp (chiếm 41,6%) trong diện giải tỏa tại khu vực rạch Xuyên Tâm có nhu cầu nhà ở xã hội. Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi (Quận 8) cũng ghi nhận nhu cầu nhà ở xã hội cho 680/1.633 trường hợp (chiếm 41,64%).
Điều này cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội cho các dự án di dời nhà ven sông, kênh, rạch ở TPHCM dao động theo từng địa bàn, với tỉ lệ ước tính trung bình khoảng 40%. Tuy nhiên, do chưa có khảo sát xã hội học, một số quận, huyện chưa dự đoán chính xác được nhu cầu nhà ở xã hội phục vụ tái định cư.
Để hỗ trợ di dời, TPHCM dự kiến xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho hộ dân sống ven kênh rạch khi không có dự án đầu tư xây dựng hoặc cải tạo. Theo Luật Đầu tư công, đối với các dự án nhóm B và C, công tác bồi thường là một phần của dự án đầu tư xây dựng. Do đó, nếu thực hiện di dời mà không có dự án đầu tư xây dựng, UBND TPHCM cần xin ý kiến từ các cơ quan thẩm quyền.
Với các trường hợp nhà xây dựng không hợp lệ hoặc lấn chiếm hành lang bảo vệ kênh rạch, người dân sẽ không đủ điều kiện bồi thường đất nhưng có thể được hỗ trợ nhà ở theo Luật Đất đai 2024.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều đủ điều kiện nhận nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2023. Chỉ những hộ gia đình có thu nhập thấp, hộ nghèo hoặc cận nghèo tại khu vực đô thị mới đủ tiêu chuẩn hưởng chính sách này.
Sở Xây dựng đề xuất UBND TPHCM chấp thuận chủ trương xây dựng Đề án để thực hiện mục tiêu di dời toàn bộ nhà ven kênh rạch trên địa bàn TPHCM, với ba nội dung chính:
Xác định các trường hợp đủ điều kiện tái định cư: Bao gồm cả chi phí bồi thường và số căn hộ tái định cư cần chuẩn bị.
Hỗ trợ nhà ở xã hội cho các hộ không đủ điều kiện bồi thường: Đưa ra số lượng căn hộ và nguồn ngân sách dự kiến để xây dựng quỹ nhà ở xã hội.
Nguồn thu ngân sách dự kiến: Tính toán nguồn thu từ việc cho thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội và khai thác quỹ đất sau khi giải tỏa.
Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND TPHCM giao cho Sở phối hợp cùng các Sở ngành, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức để xây dựng đề án này.
Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố sẽ chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tra xã hội học, thống kê số liệu, đồng thời tham mưu về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân sống trên và ven kênh rạch.