Đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) thường xuyên bị ngập nặng do mưa lớn. Ảnh: Hữu Chánh
Theo UBND TPHCM, Quy hoạch thoát nước TPHCM đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19 tháng 06 năm 2001 (sau đây gọi là Quy hoạch 752), đến nay Quy hoạch 752 đã hết thời hạn quy hoạch.
Mặt khác, tại thời điểm nghiên cứu lập Quy hoạch 752, phạm vi nghiên cứu chỉ tập trung trong khu vực nội thành hiện hữu với diện tích 140 km2 và khu vực lân cận với diện tích 510 km2, phạm vi quy hoạch chỉ đáp ứng khoảng 32,23% tổng diện tích toàn thành phố (650 km2/2.095 km2).
Đáng lưu ý là các thông số đầu vào để nghiên cứu, tính toán hệ thống thoát nước trong Quy hoạch 752, chưa lường hết các yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hiện tượng sụt lún đất và gia tăng lũ lụt do mực nước sông tăng.
Quy hoạch 752 đã hết thời hạn quy hoạch, trong khi Điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 hiện cũng đang thực hiện song song. Do đó, nếu phải chờ các quy hoạch nêu trên hoàn tất mới thực hiện Quy hoạch thoát nước thì một số dự án đã và đang ở giai đoạn kêu gọi đầu tư sẽ không đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục thực hiện.
Nhiều dự án đang được thực hiện tại thành phố có liên quan đến hoặc đấu nối với hệ thống thoát nước mặt đô thị, thu gom và xử lý nước thải sẽ trở nên không đồng bộ, chồng chéo, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau nếu không sớm có một Đồ án quy hoạch tổng thể, định hướng thoát nước, thu gom và xử lý nước thải cho các khu vực của thành phố.
Hơn nữa, thời gian gần đây, trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mưa lớn, triều cường cao xảy ra thường xuyên hơn, tình trạng ngập úng tại TPHCM đang ngày càng tăng. Thành phố đang đối mặt với tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường thường xuyên nên cần sớm triển khai các giải pháp chống ngập úng đồng bộ và kịp thời.
Do đó, UBND cho rằng, việc lập Quy hoạch thoát nước cho phạm vi toàn thành phố với thời hạn quy hoạch theo Điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đang được thực hiện là rất cấp thiết.
Theo quan điểm của UBND thành phố, điều chỉnh quy hoạch thoát nước TPHCM mới phải phù hợp với các quy hoạch, định hướng khác. Trong đó, đáng lưu ý là Quy hoạch thoát nước TPHCM phải hướng tới phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và nước thải từ thu gom, chuyển tải đến xử lý cho từng lưu vực.
Quy hoạch thoát nước mưa phải góp phần giảm thiểu và từng bước xóa bỏ tình trạng ngập úng tại đô thị trung tâm TPHCM và các đô thị khác trên địa bàn. Quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung cho các đô thị (đặc biệt là đô thị trung tâm) và các khu công nghiệp, định hướng cho khu vực dân cư tập trung nông thôn nhằm góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh, bảo vệ môi trường, đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội...
Vì vậy, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch thoát nước TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Nếu nhiệm vụ được phê duyệt, thành phố dự kiến mất khoảng 9 tháng lập Quy hoạch điều chỉnh quy hoạch thoát nước TPHCM.