Việc lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển Thủ đô, mà còn là đề xuất các định hướng phát triển mang tính dẫn dắt, lan tỏa cho cả vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước với nhiều mục tiêu thể hiện khát vọng phát triển ở phía trước.
Bên cạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm, quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng; Tổ chức không gian phát triển Thủ đô Hà Nội với 5 trục động lực; Phát triển hạ tầng giao thông kết nối 4 phương thức vận tải và 5 kết nối vùng.
Một trong những điểm được đánh giá cao trong quy hoạch Thủ đô lần này, đó là phát triển đô thị hiện đại gắn với gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, tạo sự phát triển bền vững và thông minh. Từ nhiều năm nay, với Hà Nội, văn hóa và con người luôn được xác định là những nguồn lực đặc biệt, có tiềm năng vô cùng to lớn.
Bản quy hoạch sau khi hoàn thiện thể hiện những định hướng lớn cho phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.
Bản quy hoạch sau khi hoàn thiện vừa mang tính khái quát, thể hiện những định hướng lớn cho phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới; đồng thời, làm rõ hơn những nội dung cụ thể để Thủ đô Hà Nội thực hiện tốt vai trò cực tăng trưởng, động lực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Và nếu được thông qua, đây sẽ là tiền đề lớn để Hà Nội vươn tầm, đồng nghĩa với việc tăng sức mạnh cho cực tăng trưởng vùng.
Quy hoạch không phải là một sản phẩm mà là một quá trình. Đây là quan điểm được người đứng đầu Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh. Theo đó, khi quy hoạch được thông qua, sẽ gợi mở, định hướng cho thành phố những tầm nhìn mới, tư duy mới. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cùng với Luật Thủ đô (sửa đổi), đó sẽ là những căn cứ quan trọng để thành phố Hà Nội triển khai xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển gắn với việc khai thác, huy động và sử dụng các nguồn lực trong thời kỳ mới.