Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới

Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 3/10/2024 Ban TVTU Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 162-KH/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

Theo đó, Ban TVTU yêu cầu: Quán triệt nghiêm túc, tuyên truyền sâu rộng các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Chỉ thị số 34-CT/TW nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW. Các cấp, các ngành cần xác định các nội dung trọng tâm đề ra tại Chỉ thị số 34-CT/TW, cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và những chủ trương, định hướng được thông qua tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ, nghiêm túc, hiệu quả;...

Để hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch số 162-KH/TU, Ban TVTU đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác phát triển nhà ở xã hội. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 34-CT/TW và các văn bản hướng dẫn thực hiện bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phát triển nhà ở xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... Thường xuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hướng tới mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành chỉ tiêu 9.800 căn nhà ở xã hội theo Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu, nhất là đối với người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, hộ nghèo tại khu vực nông thôn; bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở.

Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Nghiên cứu, sửa đổi hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi trong công tác phát triển nhà ở xã hội. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương được giao tại các luật liên quan (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Các tổ chức tín dụng). Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển KT-XH 5 năm và hàng năm của tỉnh. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới cần lưu ý việc kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở... Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận dễ dàng với nhà ở xã hội.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội. Nghiên cứu phát triển nhà ở xã hội cho thuê tại khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước từ địa phương tương xứng, kịp thời để bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở xã hội. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội.

Đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong phát triển nhà ở xã hội, đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại đúng mục đích...

Ban TVTU yêu cầu: Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 34-CT/TW và Kế hoạch số 162-KH/TU bằng hình thức phù hợp... MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác giám sát việc thực hiện chính sách về phát triển nhà ở xã hội...

(Nguồn:baonamdinh.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website