Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Bá Thước là huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, nằm trên các hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 217 và Quốc lộ 15. Huyện có vai trò bảo tồn giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên (như thác Muốn, thác Hiêu, Son - Bá - Mười...), và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, nông nghiệp. Đây là vùng bảo vệ sinh thái thượng nguồn sông Mã, Khu bảo tồn Pù Luông, phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp, dược liệu và chăn nuôi. Huyện cũng là điểm kết nối giao thông quan trọng giữa Trung du và miền núi phía Tây tỉnh với vùng Tây Bắc.
Phạm vi ranh giới, quy mô lập điều chỉnh quy hoạch, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Bá Thước (20 xã và 1 thị trấn), phía Bắc giáp tỉnh Hòa Bình; phía Đông giáp huyện Cẩm Thủy và huyện Thạch Thành; phía Nam giáp huyện Lang Chánh và Ngọc Lặc; phía Tây giáp huyện Quan Hóa và huyện Quan Sơn. Quy mô diện tích lập điều chỉnh quy hoạch vùng huyện Bá Thước khoảng 777,57km² và dân số hiện trạng năm 2022 khoảng 103.000 người.
Mục tiêu lập quy hoạch là cụ thể hóa các định hướng của Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII. Tổ chức không gian phát triển của huyện Bá Thước đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa huyện Bá Thước với các huyện trong vùng liên huyện số 5, nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của huyện và phát triển bền vững, giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045.
Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 115.000 người (mật độ trung bình 148 người/km2); đến năm 2045 khoảng 135.000 người (mật độ trung bình 174 người/km2). Dự báo nhu cầu đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 1.448,6 ha - 1.787,5ha; đến năm 2045 khoảng 2.700ha - 3.300ha.
Các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội áp dụng theo Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ Xây dựng, về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng và Thông tư số 01/2017/TTBTNMT ngày 9/02/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về định mức sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa; y tế, giáo dục và đào tạo; cơ sở thể dục thể thao (áp dụng công trình cấp huyện miền núi, vùng Bắc Trung bộ).
Đánh giá tình hình phát triển đô thị gồm: thị trấn Cành Nàng, đô thị Điền Lư, các khu vực quy hoạch như Đồng Tâm, Phố Đoàn; các điểm dân cư nông thôn, tỷ lệ đô thị hóa, thực trạng quản lý đô thị và các cơ sở kinh tế chủ lực (công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, dịch vụ, du lịch...). Đồng thời, đánh giá hệ thống hạ tầng xã hội để xác định cơ cấu phát triển không gian.
Ngoài ra, cần đánh giá hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường như giao thông, chuẩn bị kỹ thuật, thoát nước, xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang, lưới điện, môi trường tự nhiên (nước, không khí, đất...) cùng các yêu cầu khác.