Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, An toàn hạt nhân và Bảo vệ người tiêu dùng, Cộng Hoà Liên Bang Đức tài trợ, thông qua WWF-Việt Nam, được tiếp nhận bởi Bộ Tài Nguyên và Môi trường, giao cho Cục biển và Hải đảo, là cơ quan chủ quản phía Việt Nam. Dự án được triển khai ở cấp trung ương và 10 địa bàn trong đó thành phố Đồng Hới - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Bình.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đồng Hới phát biểu tại Hội thảo “Chia sẻ kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa và Lễ ký cam kết tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa”.
Trong những năm qua, trên địa bàn thành phố Đồng Hới, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; du lịch phục hồi; thu ngân sách tăng cao; các giải pháp cải cách hành chính, thực hiện đô thị thông minh và nếp sống văn minh đô thị được triển khai tích cực và quyết liệt tạo nên nhiều chuyển biến trong đời sống kinh tế chính trị của địa phương. Cùng với sự phát triển của kinh tế và du lịch là việc gia tăng khối lượng rác thải tại địa phương gây gánh nặng cho vấn đề thu gom và xử lý. Mặc dù tỷ lệ thu gom rác thải ở thành phố Đồng Hới rất cao 95,5% (2019) - tiến tới năm 2025 đạt 98,5% cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương và các bên liên quan khác, ô nhiễm rác thải nhựa vẫn đang là một vấn đề môi trường ở một số lưu vực sông hồ các khu chợ gần sông, bãi biển công cộng… Điều này có tác động tiêu cực đến các lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế, bao gồm du lịch, vận tải biển, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
Theo kết quả đánh giá ban đầu của các nhóm tư vấn trong khuôn khổ thực hiện dự án (Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, 2021) về hệ thống quản lý chất thải rắn ở thành phố Đồng Hới nói chung và rác thải nhựa nói riêng cho thấy, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở thành phố Đồng Hới khoảng 100,4 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm khoảng 11,7%, đứng thứ hai sau thành phần rác hữu cơ. Các nguồn phát thải nhiều rác thải nhựa nhất là: 1. Hộ gia đình (47,3%); 2. Nhà hàng (25,9%) và 3. Chợ (19,2%). Ước tính lượng rác thải nhựa thất thoát vào môi trường là khoảng 3,36%. Tuy nhiên, sau khi đánh giá những rủi ro liên quan tới lối sống, địa hình và hệ thống quản lý chất thải rắn, tỷ lệ này có thể lên tới khoảng 8,08% trong tổng khối lượng rác thải nhựa phát sinh.
Trong tháng 5 năm 2024, thành phố Đồng Hới tuyên bố tham gia chương trình Đô thị Giảm Nhựa với mục tiêu giảm thiểu đến mức thấp nhất ô nhiễm rác thải nhựa ngoài môi trường thiên nhiên trên địa bàn thành phố thông qua các nỗ lực về truyền thông và thí điểm các hoạt động can thiệp để cắt giảm phát thải nhựa từ đầu nguồn, tăng cường các biện pháp xử lý - tái chế theo hướng kinh tế tuần hoàn; thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn, kiểm soát ô nhiễm để giảm tối đa thất thoát rác nhựa ra môi trường. Đô thị Giảm Nhựa là một sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch cùng hành động chống lại ô nhiễm nhựa. Thông qua chương trình, WWF nâng cao năng lực cho các địa phương nhằm đạt được mục tiêu không rác nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.
Đây là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra trong Hội thảo “Chia sẻ kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa và Lễ ký cam kết tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa” tổ chức ngày vào tháng 5/2024. Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đồng Hới cho biết “Chúng tôi tin rằng việc tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa sẽ giúp thành phố Đồng Hới huy động thêm nguồn lực triển khai các hoạt động nhằm cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn và giảm thiểu rác thải nhựa cũng như có cơ hội được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đô thị, thành phố khác trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cũng góp phần giúp xây dựng hình ảnh thành phố Đồng Hới trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế.”
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý - Giám đốc Chương trình Giảm nhựa WWF-Việt Nam cũng nhận định “Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực từ các địa phương trong công tác giảm thiểu và quản lý rác thải, nhưng trên thực tế ô nhiễm rác thải nhựa vẫn là một vấn đề rất được quan tâm. Chúng tôi hy vọng thành phố Đồng Hới có thể giải quyết vấn đề này thông qua việc tham gia vào mạng lưới Đô thị Giảm nhựa toàn cầu do WWF khởi xướng. WWF cam kết nỗ lực hỗ trợ thành phố Đồng Hới thực hiện Chương trình này bằng cách khuyến khích, tạo điều kiện tham gia và nâng cao năng lực cho các bên liên quan, cung cấp các hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ nguồn lực, nhằm đạt được mục tiêu không còn rác thải nhựa ngoài môi trường tự nhiên vào năm 2030.”/.