Các đại biểu khởi công xây dựng các công trình trọng điểm ở thành phố Thanh Hóa.
Thời gian qua thành phố Thanh Hóa được tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị nhưng thực tiễn đòi hỏi cần nguồn lực lớn để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhiệm kỳ này, thành phố Thanh Hóa là một trong 4 địa phương được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng một số cơ chế, chính sách đặc thù, tạo thêm nguồn lực cho thành phố đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm.
Theo đó, thành phố Thanh Hóa huy động hơn 1.650 tỷ đồng để mở rộng trục đại lộ Lê Lợi, đoạn từ Ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống, xây dựng Cầu vượt đường sắt trên đại lộ đông-tây, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố đi Cảng hàng không Thọ Xuân, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Thêm nữa, thiết chế văn hóa, thể thao ở thành phố Thanh Hóa tiếp tục được bố trí hơn 424 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo Công viên Hội An và đầu tư xây dựng Cung Văn hóa thiếu nhi, Trung tâm thể dục thể thao.
Qua đó phát huy tối đa giá trị văn hóa của công viên, hoàn thiện thiết chế giáo dục ngoài nhà trường, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục, học tập, vui chơi, giải trí.
Các công trình có ý nghĩa đặc biệt, tiêu biểu, đặc sắc về kiến trúc cảnh quan, mang đặc trưng Thanh Hóa và đại diện các nhà thầu cam kết huy động mọi nguồn lực thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm nhấn mạnh: Các phòng, ban của thành phố, chính quyền các phường cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công; cùng các ngành, đơn vị liên quan chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, ưu tiên bố trí kế hoạch vốn cho các dự án, đảm bảo tiến độ thực hiện.
Chủ đầu tư, nhà thầu thi công, giám sát cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ theo quy định về đầu tư xây dựng, tổ chức thi công bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, tiến độ, an toàn vệ sinh môi trường, an toàn lao động.
Các dự án triển khai, thi công trong khu vực nội thành sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân nên càng phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường, nhất là dự án mở rộng trục đại lộ Lê Lợi vừa thi công, vừa sử dụng phải bảo đảm an toàn giao thông cho người, phương tiện lưu thông trên tuyến.
Được biết, các công trình trọng điểm nêu trên tiếp tục thực hiện Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tạo đà phát triển đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa, tăng khả năng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.