Tháo điểm nghẽn về quy hoạch, đầu tư, đấu thầu

Ngày 30/10, thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội góp ý hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi 4 luật để tháo gỡ những vướng mắc, tạo thông thoáng trong thực thi các quy định về quy hoạch, đầu tư và đấu thầu.

Thảo luận tại tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (một luật sửa đổi 4 luật), các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh mỗi loại quy hoạch có chức năng khác nhau, nhưng để tránh sự chồng chéo, trùng lặp, lần sửa đổi này phải phân định rõ ràng, tránh trùng lặp giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Đóng góp ý kiến về việc điều chỉnh một số quy định trong Luật Quy hoạch, đại biểu nhấn mạnh, cần bảo đảm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục, hài hoà trong các quy hoạch, tạo không gian phát triển. Cho rằng quy hoạch luôn phải đi trước một bước, đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất để quy hoạch có tính ổn định, lâu dài hơn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, phát biểu: "Tôi cho rằng, chúng ta cần phải điều chỉnh ngay một số vướng mắc. Điển hình như thẩm quyền là phải giảm. Như Hà Nội, quy hoạch Thủ đô có thời gian phê duyệt nhiệm vụ mất khoảng 2 năm. Sau đó đến xây dựng quy hoạch, chúng ta mất tổng cộng 2 năm. Như vậy, nguyên nhiệm vụ đó mất mấy năm rồi bởi còn trực thuộc Thủ tướng. Tôi cho rằng, phải thay đổi thẩm quyền này".

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu một luật sửa 4 luật vừa phải tháo gỡ được các vướng mắc cấp bách trước mắt đặt ra trong thực tiễn, vừa phải đảm bảo đồng bộ khi điều chỉnh luật trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đấu thầu để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam trong thời gian tới.

Một số ý kiến cho rằng, nếu sửa toàn diện các luật thì tốt hơn, bởi một luật sửa nhiều luật sẽ ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, vì tính cấp bách và sự cần thiết nên sử dụng phương án này để xử lý các vấn đề trước mắt. Chủ tịch Quốc hội đề nghị bám sát quy định tại các Điều 12, Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

(Nguồn:hanoionline.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website