Ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật và cơ chế chính sách
Theo đó, về lĩnh vực tài nguyên nước, sau khi Luật Tài nguyên nước năm 2012 được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo thẩm quyền 70 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật, trong đó có 14 Nghị định (5 sửa đổi, bổ sung), 21 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 35 Thông tư; ở địa phương ban hành 445 văn bản quy định chi tiết để triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước ở địa phương.
Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Căn cứ Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 01/02/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước (thay thế Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013), trong đó bỏ quy định đối với giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và một số nội dung liên quan, các yêu cầu về bảo vệ môi trường khi xả nước thải vào nguồn nước được đưa vào giấy phép môi trường theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Công tác lập và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch
Quy hoạch tài nguyên nước gồm 3 loại quy hoạch: quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch lưu vực sông liên tỉnh, quy hoạch tài nguyên nước cấp tỉnh. Từ năm 2013 đến năm 2019 đã có 52 quy hoạch tài nguyên nước cấp tỉnh được ban hành để phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước cấp tỉnh. Từ năm 2019, theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) thì quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh được tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, do đó lĩnh vực tài nguyên nước còn: quy hoạch tài nguyên nước quốc gia (là quy hoạch ngành quốc gia); quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh (là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch vùng và được lập cho thời kỳ 10 năm, tầm nhìn là từ 20 năm đến 30 năm).
Đến nay, ở cấp Trung ương đã có 07/15 quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; quy hoạch tài nguyên nước; 05 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San, Srê pốk, Hồng - Thái Bình, Cửu Long). Dự kiến sẽ tiếp tục xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 08 quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông liên tỉnh còn lại (Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba và Đồng Nai).
Ở cấp địa phương, trước khi Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực (ngày 01/01/2019), thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012, công tác lập quy hoạch tài nguyên nước đã được Ủy ban nhân dân các tỉnh quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến cuối năm 2018, cả nước đã có 52/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy hoạch tài nguyên nước (tùy thuộc vào điều kiện, đặc điểm tài nguyên nước và nguồn lực thực tế của từng địa phương, việc lập quy hoạch tài nguyên nước chủ yếu theo từng nội dung: phân bổ nguồn nước; bảo vệ nguồn nước hoặc thực hiện đồng thời cả hai nội dung nêu trên; riêng nội dung quy hoạch về phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra hầu như chưa được thực hiện). Sau khi Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực, quy hoạch tài nguyên nước cấp tỉnh được chuyển thành phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh.
Quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Về Bảo vệ tài nguyên nước, đối với việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước: Đã cụ thể hoá quy định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước tại Điều 31 Luật Tài nguyên nước năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Theo quy định của Nghị định số 43/2015/NĐ-CP, việc phê duyệt, công bố Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ phải được các địa phương hoàn thành trong thời hạn không quá 02 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, làm cơ sở cho việc cắm mốc và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đạt tỷ lệ 68%) đã phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ.
Đối với việc bảo vệ nước dưới đất: Trước tình trạng khai thác, sử dụng quá mức dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất và tăng nguy cơ gây sụt lún đất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Theo đó, quy định rõ việc khoanh vùng và áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác trong từng cấp vùng hạn chế. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm khoanh định, phê duyệt và công bố Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh trước ngày 10/02/2022 (thời hạn không quá 03 năm kể từ ngày Nghị định số 167/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành). Tính đến nay, mới chỉ có 27/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đạt tỷ lệ 41,3%) thực hiện phê duyệt, công bố theo quy định.
Đối với việc bảo đảm lưu thông dòng chảy: Căn cứ quy định tại các Điều 30 và Điều 63 Luật Tài nguyên nước, việc bảo đảm lưu thông dòng chảy, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông được cụ thể hoá tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các Thông tư về việc xác định dòng chảy tối thiểu (bao gồm: Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017 quy định về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng; Thông tư số 65/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017 quy định kỹ thuật xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa). Trên cơ sở đó, ngày 20/7/2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 1609/QĐ-BTNMT về việc công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện kèm theo Danh mục giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu 642 hồ chứa, đập dâng của 582 công trình thủy lợi, thủy điện (trong đó, 609 hồ chứa, đập dâng của 551 công trình thủy điện và 33 hồ chứa, đập dâng của 31 công trình thủy lợi).
Việc xác định, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt được thực hiện theo quy định tại các Điều 3, Điều 32, Điều 71 Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 09/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Trên cơ sở đề xuất vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của chủ đầu tư và hiện trạng sử dụng đất tại khu vực có công trình khai thác nước, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xác định phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình (theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT) và Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thông báo bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình khai thác nước sau khi có quyết định phê duyệt (theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT). Theo thống kê, đến nay có 33/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đạt tỷ lệ 52,4%) đã thực hiện việc phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt cho các công trình thuộc đối tượng trên địa bàn.
Quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng nước: Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định mọi tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước cho các mục đích đều phải được cấp phép (trừ các trường hợp không phải đăng ký, cấp phép).
Hiện nay, đã có khoảng hơn 24.000 công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước đã được quản lý từ Trung ương đến địa phương thông qua công cụ cấp phép. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất; xử lý các vi phạm của các cơ sở có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép và không chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên nước.
Để tăng cường công tác giám sát khai thác, sử dụng nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT ngày 14/10/2021 quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước (thay thế Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07/11/2017). Việc lắp đặt thiết bị do chủ công trình khai thác, sử dụng nước tự chịu trách nhiệm và kết nối về hệ thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến nay, khoảng 656 công trình do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép đã hoàn thành việc kết nối giám sát trực tuyến. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu việc kết nối hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các địa phương trên cả nước.
Cơ sở dữ liệu nguồn nước
Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên nằm trong 106 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước với tổng diện tích lưu vực khoảng 1.168.420 km2, trong đó 837.430 km2 (chiếm 71,7%) nằm ở nước ngoài, chỉ có 330.990 km2 (chiếm 28,3%) diện tích lưu vực nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Trong tổng số 106 lưu vực sông có 33 lưu vực sông lớn, liên tỉnh, với 3.140 sông (chiếm 91% số lượng sông của cả nước), tổng diện tích lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta khoảng 306.440 km2 (bằng 92,6% diện tích đất liền của Việt Nam). Trong đó, có 13 lưu vực sông lớn và quan trọng, gồm: lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srê Pốk, Đồng Nai, Cửu Long. Trong đó, Việt Nam ở đầu nguồn của 3 hệ thống sông lớn, gồm: sông Bằng Giang - Kỳ Cùng (11.200 km2) có 3,3% diện tích thuộc Trung Quốc; sông Sê San (11.500 km2) và sông Srê Pốk (18.300 km2) có 28% diện tích thuộc Campuchia và Lào.
Tài nguyên nước mặt của Việt Nam phân bố rất không đều cả về không gian và thời gian. Mùa khô kéo dài khoảng 9 tháng tại các sông Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh và khoảng 8 tháng trên lưu vực sông Bắc Trung Bộ, các lưu vực sông còn lại có mùa khô kéo dài từ 6-7 tháng. Tổng lượng nước mùa khô đã được tăng lên đáng kể do hầu hết các lưu vực sông đều đã có các hồ chứa phục vụ mục đích tưới, phát điện và phòng chống lũ. Trung bình lượng nước mùa khô chiếm 20-30% tổng lượng nước cả năm của lưu vực. Khi có thêm dung tích trữ hữu ích trong các hồ thì lượng nước mùa khô tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy nếu quản lý khai thác tốt các hồ chứa thì tình trạng thiếu nước sẽ giảm rõ rệt. Trên nhiều lưu vực, lượng nước mùa khô tăng lên gần 50% do việc xây dựng và nhận lượng nước chuyển từ lưu vực khác như sông Cái Ninh Hòa, sông Đồng Nai, sông Ba và các sông Đông Nam Bộ.
Theo thống kê sơ bộ, tổng lượng khai thác nước dưới đất trên toàn quốc ước tính khoảng 10,5 triệu m3/ngày (chiếm khoảng 17,2% trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác), trong đó có nhiều thành phố, đô thị lớn chủ yếu khai thác nguồn nước dưới đất (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Mỹ Tho (Tiền Giang), Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột ...). Nguồn nước dưới đất được khai thác để cấp nước cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó chủ yếu cấp nước sinh hoạt, sản xuất, ngoài ra còn khai thác để phục vụ cho một số mục đích khác (tưới cà phê, cây công nghiệp ở Tây Nguyên; nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm trên cát ở ven biển miền Trung, bán đảo Cà Mau ...). Theo số liệu quan trắc từ năm 1990 đến nay, tài nguyên nước dưới đất ở nước ta đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng: mực nước dưới đất bị hạ thấp sâu, liên tục theo thời gian tại đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên, đặc biệt là tại một số đô thị lớn tập trung khai thác nguồn nước dưới đất. Việc khai thác nước tập trung quy mô lớn ngoài việc dẫn đến hạ thấp mực nước sâu còn là nguyên nhân gây ra tình trạng xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước (vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven biển miền Trung) và có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún bề mặt đất (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long).
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Bảo vệ môi trường và xử lý nước thải
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 03 quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất lượng nước (gồm: QCVN 08:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt; QCVN 09:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất; QCVN 10:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển) và 14 quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về nước thải (gồm: QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp; QCVN 14:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt; QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế; QCVN 01-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên; QCVN 11-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp chế biến thủy sản; QCVN 12-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy; QCVN 13-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm; QCVN 25:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của bãi chôn lấp chất thải rắn; QCVN 29:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của kho và cửa hàng xăng dầu; QCVN 35:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước khai thác thải từ các công trình dầu khí trên biển; QCVN 52:2017/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất thép; QCVN 60-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sản xuất cồn nhiên liệu; QCVN 62-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi; QCVN 63:2017/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến tinh bột sắn).
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức rà soát, điều chỉnh hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia đối với nước thải và nghiên cứu, xây dựng nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường về công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Qua tổng kết tình hình thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, Bộ TN&MT kiến nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xây dựng nội dung quy định liên quan về đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước thải khu đô thị, khu dân cư, làng nghề và khu vực nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy việc xây dựng hệ thống hạ tầng thu gom, thoát nước thải, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải trong các khu dân cư, làng nghề và khu vực nông thôn. Bộ sẽ tiếp tục có ý kiến góp ý cụ thể trong giai đoạn tiếp theo của Dự án Luật điều chỉnh về Cấp, thoát nước.