Nhiệm vụ đi cùng trọng trách
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và kinh tế của cả nước. Với diện tích tự nhiên hơn 3.300km2, theo định hướng Quy hoạch chung, quy mô dân số Thủ đô đến năm 2050 dự kiến khoảng 13 - 13,5 triệu người. Để bảo đảm thành phố “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”, cần phải quản lý, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo xu hướng phát triển chung của các đô thị hiện đại, quy mô lớn, góp phần giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông.
Từ thực tế phát triển, Bộ Chính trị đã nêu quan điểm thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nêu bật sự cần thiết nhằm tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Thực tế cho thấy, Hà Nội là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế và đạt được nhiều thành tựu trong phát triển. Song những năm gần đây, kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Tốc độ tăng trưởng GRDP, tỷ trọng GRDP của Hà Nội cao hơn cả nước, nhưng có xu hướng thấp dần so với vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2023, tăng trưởng GRDP của Thủ đô đạt 6,27%, xếp sau Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình.
Do đó, nhiều chuyên gia và nhà khoa học cho rằng, trong Quy hoạch chung Thủ đô, việc Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước là hoàn toàn có cơ sở, nhưng cần có những ý tưởng đột phá mới đạt tăng trưởng như kỳ vọng.
Góp ý cho dự thảo Quy hoạch chung Thủ đô, Tiến sĩ Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển vùng, thành phố cho rằng, Hà Nội cần đặc biệt lưu ý vấn đề đô thị bền vững và chất lượng phát triển đô thị xứng tầm thủ đô của cả nước. Nói cách khác, cần quy hoạch Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị “hiện đại, văn minh và sinh thái”.
Cụ thể, theo Tiến sĩ Lê Văn Hùng, về không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, Hà Nội cần định hình rõ kiến trúc xây dựng đặc trưng văn hóa. Trong đó, quy định không gian, mật độ và kết nối các khu dân cư gắn với các hạ tầng dịch vụ, hạ tầng đô thị gồm giao thông công cộng, công viên, khu thể dục - thể thao, trường học, dịch vụ y tế, bãi đỗ xe, dịch vụ cho nhóm người dễ bị tổn thương, một cách nghiêm ngặt và thông minh. Chú trọng và ưu tiên giải quyết các vấn đề liên quan tới ô nhiễm môi trường đô thị, như ưu tiên đầu tư giao thông công cộng, vấn đề xử lý môi trường nước thải, rác thải.
Dự án mương thoát nước La Khê chậm tiến độ nhiều năm chưa được tháo gỡ.
Cần phải nhìn nhận, hạ tầng hiện đang là điểm nghẽn rất lớn của Hà Nội, nếu không có giải pháp đột phá, Hà Nội sẽ khó đạt được mục tiêu trở thành đô thị thông minh, hiện đại. Do đó, cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, đây phải là đột phá trong các đột phá, các đột phá tiếp theo sẽ bổ sung cho đột phá này.
Cần những giải pháp cụ thể
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Cấp nước, thoát nước đô thị, chiếu sáng đô thị, công viên, cây xanh và tiếp nhận quản lý duy tu, duy trì sau đầu tư đối với hệ thống cây xanh, chiếu sáng, thoát nước… Tuy nhiên, nhìn chung, các hoạt động này mới dùng ở mức quản lý, bảo trì hệ thống và được đảm bảo từ nguồn chi thường xuyên của Thành phố.
Tính đến nay, số lượng hợp đồng mà Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố thuộc Sở Xây dựng đã ký với UBND các quận, huyện và Thị xã Sơn Tây là 79 hợp đồng, tương ứng với các lĩnh vực quản lý hạ tầng kỹ thuật và tất cả chỉ dừng ở mức duy tu, duy trì. Việc đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng từ cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng… đều chưa đươc đồng bộ, dẫn đến việc đề xuất, triển khai đầu tư chưa bảo đảm.
Đơn cử như công tác cấp nước, mặc dù đã được quan tâm chú trọng, nhưng hệ thống nước sạch vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Tình trạng thiếu nước vẫn diễn ra trong cao điểm hè. Việc phổ cập 100% nước sạch cho người dân nông thôn vẫn chưa đạt được như Nghị quyết của HĐND Thành phố đã đề ra.
Lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải vẫn còn nhiều tồn tại do cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện lâu dài, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, việc đầu tư xã hội hóa không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia. Toàn bộ công tác quản lý, vận hành, duy trì hệ thống thoát nước đô thị và xử lý nước thải được tổ chức thực hiện đấu thầu, nhưng lại thiếu một số quy định về công tác quản lý, giám sát vận hành, duy trì và xử lý.
Đặc biệt, khung pháp lý, chính sách về thu phí thoát nước và xử lý nước thải đến nay vẫn chưa có, thiếu các luật riêng quy định đầy đủ về thoát nước và xử lý nước thải, vì vậy, không bảo đảm tính pháp lý cho nhà đầu tư. Giá thoát nước và xử lý nước thải được xây dựng từ năm 2017 đến nay đang được hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành. Hệ thống thoát nước cơ bản là hệ thống cống chung, đã được xây dựng nhiều năm, vì vậy, việc thu gom riêng nước thải để thực hiện xử lý cần vốn đầu tư lớn, đồng bộ trên diện rộng; cần tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư PPP trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải.
Lĩnh vực cây xanh cũng là một vấn đề được người dân hết sức quan tâm, nhưng cũng chẳng có quy định cụ thể. Hiện nay, các quy định của pháp luật không có loại hình “Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, và hồ”, và do đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống vườn hoa, công viên chưa hiệu quả, nếu không muốn nói là thiếu nguồn vốn đầu tư.
Với lĩnh vực chiếu sáng, do ngân sách Thành phố hạn hẹp, quá trình thực hiện các giải pháp phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị đã và đang gặp khó khăn về bố trí, sắp xếp nguồn vốn. Công tác đầu tư, phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị, kể cả thay thế đèn LED theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa có giải pháp phù hợp; công tác hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực còn hạn chế nguồn lực để thực hiện.
Từ thực tế này, để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung như đã được nêu trong Quy hoạch, nhiều ý kiến cho rằng, Thành phố cần rà soát, sửa đổi và kiến nghị các Bộ, ngành chuyên môn về việc sớm triển khai quy hoạch chuyên ngành. Trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng số để xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, tạo bước chuyển nhanh trong tăng trưởng kinh tế, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.