Tọa đàm “Hạ tầng xanh - Thoát nước xanh”

Chiều 26/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) phối hợp cùng Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam- CTCP tổ chức buổi tọa đàm “Hạ tầng xanh - Thoát nước xanh”.

Dự và chủ trì tọa đàm có: PGS.TS. Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và phát triển hạ tầng; KTS. Trần Đức Toàn - Tổng giám đốc  Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam-CTCP; TS. Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện NCĐT&PTHT; THS. KTS. Đoàn Đức Phi - Giám đốc Văn phòng Quy hoạch hạ tầng-VNCC.

Cùng đến tham dự tọa đàm còn có các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đến từ Tổng hội Xây dựng Việt Nam; Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia; Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội; giảng viên các Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; Đại học Xây dựng Miền Tây; Đại học Kinh tế TP.HCM; lãnh đạo một số đơn vị, doanh nghiệp xây dựng.

Tọa đàm Hạ tầng xanh - thoát nước xanh là cơ hội để các đại biểu, chuyên gia và nhà khoa học có dịp thảo luận, đánh giá thực tiễn cơ sở hạ tầng thoát nước tại các đô thị hiện nay và giải pháp hiệu quả trong việc thoát nước đô thị, khơi thông dòng chảy theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ, mô hình xanh thân thiện với môi trường…

PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & Phát triển hạ tầng phát biểu khai mạc tọa đàm

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & Phát triển hạ tầng chia sẻ: Xây dựng và phát triển đô thị thông minh đang là xu hướng tất yếu của nhiều đô thị trên thế giới. Một trong những tiêu chí quan trọng của đô thị thông minh là xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông minh. Bao gồm: hệ thống giao thông, cấp thoát nước thông minh, xử lý chất thải rắn, kiểm soát ô nhiễm môi trường… Đặc biệt, cấp thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường là nội dung quan trọng trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, nhằm giảm thiểu tiêu cực do chất thải sinh hoạt đô thị, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Pháp luật điều chỉnh hoạt động thoát nước và xử lý nước thải chưa được quy định rõ trong các văn bản hiện hành. Với vai trò của nước sạch, thoát nước chống ngập, thu gom và xử lý nước thải đối với con người, cần thiết phải xây dựng, ban hành và điều chỉnh luật về thoát nước. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu rõ rệt, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, việc xây dựng hệ thống thoát nước xanh và bền vững được quan tâm, đẩy mạnh nhằm giải quyết những vấn nạn của đô thị. Để tạo một hành lang pháp lý, phát triển hạ tầng, thoát nước xanh bền vững, Chính phủ cần tập trung ưu tiên cho lĩnh vực cấp nước và thoát nước, xử lý nước thải thông qua khung pháo lý, tiêu chuẩn kỹ thuật và định hướng quốc gia.

Tại Tọa đàm, nhiều tham luận có ý nghĩa thực tiễn, lý luận được trình bày như: Thoát nước xanh từ góc nhìn pháp lý; Thoát nước mặt hướng tới thoát nước đô thị; Ứng dụng phần mềm SWMM đề xuất giải pháp kỹ thuật xanh nhằm đảm bảo thoát nước bền vững cho khu vực trung tâm thành phố Hải Phòng; Thoát nước mưa xanh – bền vững kết hợp mô hình nông nghiệp/vườn đô thị; Dự báo chất lượng nước thải để đề xuất giải pháp tổng hợp phục hồi dòng chảy sinh thái sông Tô Lịch; Kinh nghiệm phát triển thành phố bọt biển trên thế giới và đề xuất giải pháp thoát nước mưa xanh cho đô thị Việt Nam…

Tọa đàm thu hút đông đảo các chuyên gia xây dựng, quy hoạch đến tham dự.

Tại Tọa đàm, PGS.TS Lưu Đức Hải cũng thông tin thêm về Chuỗi 8 buổi tọa đàm về 8 thành phần chính của hạ tầng xanh bao gồm: Giao thông xanh; Thoát nước xanh; Cấp nước xanh; Chiếu sáng xanh; Công viên xanh; Quản lý chất thải rắn xanh; Nghĩa trang và an táng xanh; Môi trường xanh. Mục tiêu của Chuỗi 8 buổi tọa đàm nhằm hệ thống hóa cơ sở lý luận về hạ tầng xanh, thành phần của hạ tầng xanh, từ đó gợi mở những nghiên cứu khoa học, và đưa hạ tầng xanh vào các văn bản pháp quy như Luật Đô thị, Luật Quy hoạch trong tương lai. Toàn bộ các bài tham luận sẽ được tổng hợp, biên soạn… và xuất bản trong cuốn sách Hạ tầng xanh trong đô thị dự kiến phát hành và tháng 11/2024.

Các đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.

(Nguồn:Tạp chí Quy hoạch xây dựng)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website