Ưu tiên thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống

Nhiều đại biểu quốc hội đánh giá cao nội dung phân quyền cho thành phố tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống…

Chiều 28/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước với sông Hồng

Góp ý kiến về Điều 17 Quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, Điều 18 về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) đồng tình với nội dung Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố; bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các địa phương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô và cả nước.

Sông Hồng là nguồn lực về cảnh quan, sinh thái và du lịch của Thủ đô Hà Nội. Ảnh internet

Trong đó, Điểm 2, Điều 17 phân quyền cho Thành phố tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cho phép xây dựng các tuyến đê mới dọc theo hành lang thoát lũ để khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng.

Trong khu vực hành lang thoát lũ, được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới với tỉ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ được duyệt. Các công trình xây dựng mới trong khu vực hành lang thoát lũ bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy, không tôn cao bãi sông và chỉ dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng và các công trình được phép xây dựng ngoài bãi sông theo pháp luật về đê điều. Quy định này bảo đảm tính chặt chẽ, tạo điều kiện về mặt thời gian và quy trình để Hà Nội giải quyết nhu cầu của người dân về không gian cảnh quan sông Hồng, phù hợp với định hướng Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.

Về quản lý sử dụng không gian ngầm được quy định tại Điều 19, theo đại biểu, quy định của dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, giúp phát triển nguồn tài nguyên của Hà Nội.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nên sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi, năng lực để triển khai quy hoạch về không gian ngầm.

Phát huy vai trò tự chủ, tự quản của chính quyền Thủ đô

Góp ý về biên chế tại khoản 4 Điều 9 của dự thảo Luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) cho rằng, theo tinh thần chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò tự chủ, tự quản của chính quyền Thủ đô. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội nên đẩy mạnh phân cấp, quản lý về biên chế, giao cho Hà Nội được quyền quyết định về biên chế cán bộ công chức, viên chức, đi liền với đó phải có cơ chế báo cáo, kiểm tra, kiểm soát của Trung ương trong quá trình thực hiện.

Về phân cấp, ủy quyền tại Điều 14 của dự thảo, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị, Dự thảo Luật chú ý tập trung vào những quy định liên quan đến vấn đề phân cấp, ủy quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền Thủ đô. Qua đó, giúp chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền để chủ động, linh hoạt, năng động trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.

Việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền Thủ đô là thuộc nội bộ điều hành của chính quyền Thủ đô, thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu cho rằng, Quốc hội không nên phân cấp gộp cho Thủ đô việc này.

Góp ý về danh hiệu công dân ưu tú Thủ đô quy định tại Điều 7, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị nên quy định đồng bộ cho cả người Việt Nam trong nước và nước ngoài.

Cần thiết giao quyền chủ động cho TP. Hà Nội

Tán thành giao thẩm quyền quyết định tổ chức bộ máy, tổ chức thuộc UBND TP. Hà Nội, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn TP. Đà Nẵng) cho rằng, Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước, khối lượng công việc về quản lý đầu tư phát triển rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao.

Ngoài việc bảo đảm nhiệm vụ của một địa phương cấp tỉnh, Hà Nội còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ chính trị, đặc biệt yêu cầu cao hơn về đô thị, môi trường, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, đối ngoại với vai trò là Thủ đô của đất nước. Đồng thời, với vị trí Thủ đô là đô thị đặc biệt có tốc độ phát triển nhanh, quy mô kinh tế lớn, hoạt động thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế, văn hóa, thể thao diễn ra sôi động, đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn.

Do đó, quy định việc giao quyền chủ động cho Hà Nội trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền thành phố và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết.

Theo đại biểu Trần Chí Cường, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này đã tiếp thu, chỉnh lý tương đối phù hợp, đưa ra các nguyên tắc, điều kiện để thành lập, tổ chức lại các cơ quan theo yêu cầu quản lý của từng giai đoạn theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội.

Đồng thời, có sự giới hạn về số lượng khi thành lập thêm tổ chức đối với cấp thành phố không vượt quá 15% (tương đương khoảng 3 cơ quan) và đối với cấp huyện thì không có vượt quá 10% (tương đương với 1 cơ quan) theo khung quy định của Chính phủ.

Như vậy, bảo đảm cho thành phố chủ động sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Mặt khác, cũng giới hạn trong việc không phát sinh việc thành lập quá nhiều cơ quan, đơn vị.

Cần có giải pháp, chế tài mạnh mẽ để ngăn chặn sai phạm

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Hải (Đoàn Đồng Nai) thể hiện sự tán thành với nội dung được quy định tại Điểm 2, Điều 33 dự thảo Luật về trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với một số loại công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Hải, cách tiếp cận như dự thảo Luật là phù hợp, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính phức tạp, lại có tác dụng ngăn chặn các hành vi vi phạm trong trường hợp thật cần thiết.

Qua một số vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng vừa xảy ra trên địa bàn thành phố, nếu không có giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sai phạm thì khó có thể kiểm soát được thiệt hại có thể sẽ tiếp tục xảy ra. Đây không phải là biện pháp mạnh mẽ nhất nhưng với yêu cầu cao về bảo đảm trật tự xây dựng tại Thủ đô, quy định trên là cần thiết và sẽ chỉ được áp dụng trong trường hợp thực sự cần thiết.

Trước ý kiến của một đại biểu Quốc hội cho rằng, các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước như quy định tại Điểm 2, Điều 33 có thể gây ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của một số cá nhân, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, tự do kinh doanh là một trong những quyền của con người, được hiến định. Tuy nhiên, quyền này được giới hạn bởi các lý do bảo đảm an ninh trật tự.

"Qua các vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản vừa xảy ra tại Hà Nội, có thể thấy quy định như vậy là phù hợp nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phù hợp với Hiến pháp", đại biểu Tô Văn Tám nêu.

(Nguồn:chinhphu.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website