Các đại biểu nhấn nút khai trương Công viên Logistics Viettel.
Ngày 11/12, tại Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) tổ chức khai trương Công viên Logistics Viettel.
Đây là dự án trọng điểm, đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển hạ tầng logistics quốc gia của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel nói chung và Viettel Post nói riêng.
Công viên Logistics Viettel có diện tích 143,7ha, tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, có khả năng xử lý 1.500 xe thông quan mỗi ngày (tăng 2 lần hiệu suất thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn hiện nay).
Với cơ sở hạ tầng đồng bộ, đây là trung tâm logistics đầu tiên tại Việt Nam cung cấp chuỗi dịch vụ logistics xuất nhập khẩu toàn trình từ thông quan, kiểm dịch, kiểm hóa, sang tải, lưu kho đến vận tải xuyên biên giới.
Hệ thống dữ liệu tại công viên cũng sẽ được chuẩn hóa và kết nối trực tiếp với dữ liệu hải quan Việt Nam và Trung Quốc, bảo đảm tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thời gian xử lý thông quan từ 4-5 ngày xuống dưới 24 giờ, giảm chi phí thông quan 30-40%, tăng hiệu quả xe container lạnh vận tải trái cây từ 2,5 chuyến/tháng lên 4-5 chuyến/tháng.
Thượng tá Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết: Công viên Logistics Viettel được xây dựng theo các tiêu chuẩn cao nhất về công nghệ như IoT, 5G, AI, Big Data và Digital Twins (bản sao số) hay tự động hóa (xe tự hành, robot tự hành chia chọn tự động).
Các công nghệ và giải pháp tự động hóa này được ứng dụng để tối ưu hóa các quy trình vận hành, từ quản lý kho bãi, đến vận chuyển hàng hóa và thông quan sẽ tối ưu hóa quy trình giao nhận, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 40% chi phí logistics.
Đặc biệt, đây cũng là nơi đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng theo tiêu chuẩn LEED (tiêu chuẩn của Mỹ dành cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng và tự động hóa), tích hợp nhiều mảng xanh (hơn 3.000 cây xanh) cũng như áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và nhiều công nghệ tự động hóa, tiết kiệm năng lượng.
Khi đi vào hoạt động, công viên sẽ trở thành một trung tâm logistics khu vực, mở rộng khả năng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ logistics toàn cầu.
Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đánh giá: Viettel là một trong những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh logistics, bưu chính và viễn thông, sở hữu hạ tầng viễn thông hiện đại, mạng lưới 5G tiên tiến và các giải pháp công nghệ thông tin toàn diện.
Viettel còn có hệ thống logistics rộng khắp, tích lũy nhiều kinh nghiệm triển khai dự án trong và ngoài nước. Việc Viettel tham gia đầu tư và đồng hành triển khai Công viên Logistics tại Lạng Sơn sẽ là đòn bẩy quan trọng, hứa hẹn mang lại hiệu quả tối ưu cho vận tải hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, giải quyết tình trạng quá tải tại các cửa khẩu, rút ngắn thời gian thông quan, góp phần đưa Lạng Sơn trở thành nền tảng cho hạ tầng logistics quốc gia.
Hiện nay, dự án Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 với diện tích khoảng 58ha, trong khi giai đoạn 2 đang triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện toàn bộ dự án để đưa vào hoạt động hiệu quả, đồng chí Hồ Tiến Thiệu đề nghị nhà đầu tư cùng các nhà thầu đề cao trách nhiệm, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn tất các thủ tục nhằm bảo đảm việc triển khai mô hình Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn tuân thủ các quy định pháp luật.
Tỉnh Lạng Sơn cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tích cực phối hợp, đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ đề ra, sớm đưa Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn vào hoạt động hiệu quả.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng cho biết: Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, nơi logistics không chỉ là hoạt động vận chuyển hàng hóa mà đã trở thành một ngành công nghiệp then chốt, quyết định sức cạnh tranh của các quốc gia trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Tại Việt Nam, logistics hiện đóng góp khoảng 5-6% GDP và đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đối mặt với những thách thức lớn như chi phí logistics cao, hạ tầng chưa đồng bộ hay thiếu sự liên kết giữa các phương thức vận tải.
Trong bối cảnh đó, hạ tầng logistics mà Viettel Post đang kiến tạo sẽ có sứ mệnh là nền tảng để hình thành mạng lưới logistics hiện đại, đồng bộ, giúp kết nối hàng hóa của Việt Nam từ sản xuất, tiêu thụ nội địa đến xuất nhập khẩu quốc tế; từ đó, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics, biến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Công viên Logistics Viettel được khai trương tại Lạng Sơn hôm nay mới chỉ là bước đi đầu tiên trong lộ trình này. Tiếp theo đây, Viettel Post sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới các trung tâm logistics trên toàn quốc, phục vụ các khu vực kinh tế trọng điểm với 5 định hướng: Cửa khẩu thông minh; trung tâm logistics nông sản; trung tâm logistics trong khu công nghiệp; hạ tầng chuỗi cung ứng và mạng lưới vận tải đa phương thức; từ đó, tạo ra hệ sinh thái logistics thông minh, tự động hóa, kết nối đa phương thức, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng không.
Chiến lược này sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics quan trọng của khu vực, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh về vai trò của hạ tầng logistics trong việc kết nối và nâng cao hiệu quả nền kinh tế.
Cũng theo ông Tào Đức Thắng, Viettel đã hình thành những nền tảng quan trọng của nền kinh tế số. Nền tảng viễn thông được ví như hệ thần kinh; nền tảng tài chính số như mạch máu; nền tảng an ninh mạng như hệ miễn dịch; nền tảng logistics như hệ tuần hoàn và các ứng dụng số như các cơ quan, giác quan chuyên biệt.
Khi kết hợp cả các yếu tố này, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ trở thành một cơ thể sống động, hoạt động hiệu quả, kiến tạo một nền kinh tế số hiện đại, bền vững và toàn diện.
Với tầm nhìn xây dựng một nền kinh tế số mạnh mẽ và bền vững, Viettel Post cần tiếp tục tăng cường tích hợp công nghệ và tự động hóa toàn diện: ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất, giúp tối ưu hóa quy trình vận hành nhằm mục tiêu liên tục tối ưu về thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, Viettel Post cần cung cấp các giải pháp logistics phù hợp với chi phí cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường toàn cầu; áp dụng các giải pháp logistics xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường và góp phần vào các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Mục tiêu đến năm 2030, ViettelPost sẽ trở thành thương hiệu logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á.