Xây dựng đô thị thông minh, phát triển bền vững

Thực hiện Đề án “Phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 950 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các ngành, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ của từng ngành phải gắn với việc từng bước xây dựng ĐTTM.

Xây dựng đô thị thông minh- xây dựng môi trường đô thị ngày càng đáng sống hơn.Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

Đồng thời, căn cứ vào đề án cụ thể hóa các nội dung theo từng ngành, từng lĩnh vực, lựa chọn các giải pháp ứng dụng TM của đề án cho phù hợp.

Theo ThS.KTS Nguyễn Thị Ngọc Toàn- Phân viện Cán bộ quản lý xây dựng và ĐT miền Nam tại TP Hồ Chí Minh, từ năm 2010 đến nay, thành phố TM là sự kết hợp giữa hạ tầng cứng (công nghệ thông tin và các tiến bộ công nghệ) và hạ tầng phần mềm, hướng đến việc cung cấp một cách bền vững cuộc sống chất lượng cao cho cư dân và dịch vụ/môi trường kinh doanh chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tiến- Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trước những thách thức mà các ĐT phải đối mặt, xu hướng phát triển ĐT trên thế giới cũng như Việt Nam đã và đang trải qua nhiều giai đoạn phát triển từ mô hình thành phố vườn, ĐT nén, ĐT theo mô hình giao thông công cộng TOD, ĐT phức hợp đa chức năng và hiện đang chuyển sang xu hướng ĐT tăng trưởng xanh, phát thải thấp và đặc biệt tận dụng những thế mạnh của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển theo hướng “ĐTTM bền vững”.

Theo ông Tiến, hiện có rất nhiều khái niệm và cách hiểu khác nhau về ĐTTM, tuy nhiên về tổng quan một ĐTTM đòi hỏi hội tụ 3 yếu tố là: hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện; và dựa trên 6 tiêu chí là nền kinh tế TM, di chuyển TM, công dân TM, môi trường TM, quản lý điều hành TM và cuộc sống TM.

Nhằm thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước theo kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Long, phiên bản 2.0, Sở Thông tin-TT đã trình UBND tỉnh ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Vĩnh Long.

Theo đó, Sở Xây dựng đăng ký cung cấp dữ liệu thông tin về các hồ sơ quy hoạch xây dựng và quy hoạch ĐT được duyệt bao gồm thuyết minh, văn bản pháp lý và bản vẽ (file pdf) được phê duyệt và chia sẻ bằng hình thức dữ liệu mở.

Hiện tỉnh chưa triển khai ứng dụng GIS và dự án quy hoạch ĐTTM. Thời gian qua, Sở Xây dựng đã phối hợp với Học viện Quản lý cán bộ xây dựng và ĐT tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng trong triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM (tháng 6/2022); phối hợp với Phân viện Miền Nam tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên sâu về quy hoạch và phát triển ĐTTM bền vững (tháng 9/2023).

Về tình hình thu hút đầu tư và quản lý phát triển hạ tầng ĐTTM, tỉnh đã triển khai vận hành thử nghiệm 2 điểm ĐT lớn gồm TP Vĩnh Long và TX Bình Minh. Cụ thể, nâng cấp, cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn led và hệ thống hẹn giờ tự động nhằm tiết kiệm điện và tiện lợi cho việc quản lý, sử dụng.

Bên cạnh, cải tạo hệ thống báo cháy tự động tại Trung tâm Hành chính tỉnh và Trung tâm Hành chính TX Bình Minh nhằm phát hiện, cảnh báo kịp thời khi có các sự cố cháy nổ. Cùng với đó, lắp đặt hệ thống camera an ninh trên một số tuyến đường chính nội thị cũng như đầu tư hệ thống wifi công cộng tại quảng trường trung tâm và các điểm của TP Vĩnh Long, TX Bình Minh.

Đồng thời, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển ĐTTM gồm: trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM; các phòng điều hành và trang thiết bị công nghệ thông tin (phần cứng, phần mềm); thiết bị dành cho lãnh đạo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; hệ thống họp TM, các nền tảng phục vụ người dân, doanh nghiệp (Smart Vĩnh Long), hệ thống chỉ tiêu báo cáo kinh tế- xã hội… bước đầu đã được trang bị.

Hiện tỉnh đã thực hiện triển khai và vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành ĐTTM tỉnh Vĩnh Long. Việc triển khai vận hành thử nghiệm trung tâm giám sát, điều hành dịch vụ ĐTTM đáp ứng yêu cầu của các đơn vị phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Hệ thống xây dựng theo hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với mô hình trung tâm điều hành dịch vụ ĐTTM của Bộ Thông tin-TT cũng như mô hình kiến trúc ĐTTM của tỉnh.

Các chức năng trong giai đoạn vận hành thí điểm đã hoàn thiện và phát huy hiệu quả thực tế như hệ thống họp TM, họp trực tuyến, hệ thống giám sát hành chính công, tiếp công dân… sử dụng hệ thống camera, hệ thống chỉ đạo điều hành và tương tác nội bộ… Hệ thống triển khai theo hướng nền tảng cho phép triển khai mở rộng không giới hạn đến các lĩnh vực khác theo yêu cầu quản lý, điều hành của các đơn vị.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Xây dựng, các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương cùng tham gia đào tạo, bồi dưỡng về phát triển ĐTTM, trao đổi, học tập kinh nghiệm.

Tháng 9/2023, Sở Thông tin-TT đã chủ trì phối hợp Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh tổ chức học tập kinh nghiệm tại Bình Phước. Sở Xây dựng cũng xây dựng dự thảo Đề án Tổng thể phát triển ĐTTM bền vững tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 theo Quyết định số 950 của Thủ tướng để trình UBND tỉnh.

Tuy nhiên, do hệ thống dữ liệu ĐT phân tán ở nhiều ngành, chưa có quy định về sự phối hợp liên ngành trong thực hiện quy hoạch và dịch vụ ĐTTM. Phần mềm chưa phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nên mất nhiều thời gian để cấu hình lại, cán bộ kỹ thuật mất nhiều thời gian để tiếp cận.

Theo Sở Xây dựng, cần có quy định cụ thể của ngành xây dựng về ĐTTM, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho địa phương việc lồng ghép chính sách quy hoạch, quản lý và phát triển ĐTTM theo Quyết định 950; tổ chức các khóa đào tạo về phát triển ĐTTM, cụ thể về nội dung xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để các địa phương được trang bị thêm kiến thức và có phương pháp thực hiện phù hợp.

(Nguồn:baovinhlong.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website