Xây dựng thị trấn Quất Lâm thành đô thị trung tâm cực phát triển phía Đông Nam tỉnh

Với định hướng xây dựng thị trấn Quất Lâm là đô thị loại IV nằm trong tam giác phát triển đô thị Ngô Đồng - Quất Lâm - Đại Đồng; trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội quan trọng phía Tây của huyện Giao Thủy và là đô thị trung tâm cực phát triển phía Đông Nam tỉnh, ngày 13/6/2024 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1261/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Quất Lâm đến năm 2030.

Hạ tầng giao thông của thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) được đầu tư xây dựng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đô thị Quất Lâm có vị trí cửa ngõ phía Tây Nam của huyện Giao Thủy, thuộc hành lang kinh tế Đông Nam tỉnh, gắn liền với các tuyến đường kết nối các huyện trong tỉnh và tuyến liên vùng, liên tỉnh như tuyến Quốc lộ 37B, tỉnh lộ 489B, đặc biệt là tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường tỉnh 484 (tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển). Theo Quyết định số 1261/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đô thị Quất Lâm có quy mô dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 39 nghìn người, tổng dân số (bao gồm tăng cơ học, vãng lai) khoảng trên 50 nghìn người; tỷ lệ lao động hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm 70-80%; quy mô đất đai 2.631,78ha gồm toàn bộ diện tích tự nhiên các xã Giao Phong, Giao Thịnh và thị trấn Quất Lâm. Đô thị Quất Lâm đến năm 2030 có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tuân thủ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng (QCVN 01: 2021/BXD) và các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đối với đô thị loại IV; định hướng phát triển tương xứng với vị thế trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện Giao Thủy và trở thành đô thị nghỉ mát, du lịch - vùng phía Đông tỉnh. Đây sẽ là đô thị ven biển, phát triển bền vững theo hướng sinh thái - xanh - thông minh với cảnh quan hấp dẫn; phát triển đa ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch gắn với kinh tế biển, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hạ tầng xã hội đồng bộ...

Trên cơ sở đó, định hướng phát triển đô thị Quất Lâm chia làm 4 phân khu chức năng phát triển: khu đô thị trung tâm (trung tâm hành chính chính trị và thương mại dịch vụ của đô thị Quất Lâm, diện tích khoảng 534,45ha, chiếm 20,30% diện tích toàn đô thị); khu đô thị hỗn hợp và dịch vụ du lịch (khu vực ven biển phía Nam đô thị Quất Lâm bao gồm một phần diện tích khu vực ven biển của thị trấn Quất Lâm và xã Giao Phong với diện tích khoảng 613,56ha, chiếm 23,31% diện tích toàn đô thị); khu dân cư phía Đông Bắc (khu vực làng xóm hiện hữu phía Đông Bắc bao gồm một phần diện tích xã Giao Phong và xã Giao Thịnh, khu vực cửa ngõ có các trục giao thông chính đi qua với diện tích khoảng 700,42ha, chiếm 26,61% diện tích toàn đô thị); khu công nghiệp,  dịch vụ (phát triển các khu, cụm công nghiệp và cảng neo đậu của đô thị Quất Lâm, bao gồm một phần diện tích của thị trấn Quất Lâm và xã Giao Thịnh với diện tích khoảng 783,35ha, chiếm 29,78% diện tích toàn đô thị).

Đô thị Quất Lâm trong tương lai có 5 trục không gian chính. Trong đó trục đối ngoại gồm tuyến Quốc lộ 37B, tuyến Tô Phúc Thiện kéo dài là trục không gian cửa ngõ, đối ngoại đi huyện Hải Hậu và thị trấn Ngô Đồng, giao cắt với các trục tuyến đường tỉnh 489B, đường bộ ven biển và đường tỉnh 484; ưu tiên khai thác phát triển các công trình thương mại dịch vụ đô thị, tạo điểm nhấn tại không gian cửa ngõ; chỉnh trang tuyến phố, cải tạo hè đường, khai thác cảnh quan đặc trưng hệ thống giao thông gắn với kênh nước, tạo nên bản sắc đô thị.

Trục trung tâm gồm tuyến giao thông Nguyễn Ý - Thiện Lâm và tuyến đường đê Đặng Đức Dịch kéo dài gắn với cảnh quan hai bên bờ sông Vọng và theo trục kênh, hồ nước mới kéo dài gắn với kênh dọc đường Nguyễn Ý sẽ tập trung các công trình mới với các chức năng gồm trung tâm hành chính chính trị, thương mại dịch vụ, công trình công cộng, quảng trường, phố đi bộ, thể dục thể thao và các chức năng hỗn hợp; khai thác cảnh quan kênh đào mới từ sông Vọng qua hệ thống kênh về phía Tây Nam, kết thúc tại cửa sông Sò; khuyến khích phát triển các không gian mở, không gian xanh gắn với mặt nước góp phần phát triển du lịch.

Trục không gian ven biển gồm tuyến đường Trường Sa ven biển đi huyện Hải Hậu kết nối với Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, là không gian phát triển du lịch biển, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế biển, kinh tế đêm với các chức năng của các khu đô thị du lịch, các khu du lịch, chức năng thương mại dịch vụ hỗn hợp, khai thác cảnh quan ven biển gắn với các không gian quảng trường, tuyến phố đi bộ, bãi tắm...

Trục công nghiệp dịch vụ sông Sò gồm tuyến đường tỉnh 489B và trục chính đô thị - đường sông Sò theo hướng Bắc - Nam, là không gian phát triển các khu cụm công nghiệp, cụm cảng neo đậu và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật.

Trục không gian phía Bắc gắn với tuyến đường tỉnh 484 và đường bộ ven biển sẽ phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ hỗn hợp khai thác lợi thế kết nối đối ngoại của đô thị.

Trên cơ sở các trục không gian chính, định hướng phát triển hệ thống giao thông của đô thị Quất Lâm gồm giao thông đối ngoại, đối nội và các công trình đầu mối. Giao thông đối ngoại gồm: tuyến đường tỉnh 484 đoạn qua thị trấn dài khoảng 2,5km, quy mô đường cấp I đồng bằng, mặt cắt ngang đường 100m; tuyến Quốc lộ 37B đoạn qua khu vực thị trấn quy hoạch mặt cắt ngang đường 25m; đường bộ ven biển đoạn qua xã Giao Phong quy mô đường cấp II đồng bằng, mặt cắt ngang đường 70m; đường tỉnh 489B được chỉnh trang, tu bổ mặt đường, hè đường trong giai đoạn đầu để đảm bảo mỹ quan và chất lượng đường, đoạn qua đô thị mặt cắt ngang đường 25m (đoạn qua đô thị); đường sông Sò là tuyến kết nối các đường tỉnh 484 và 489B (đoạn qua khu vực quy hoạch) tổ chức mặt cắt ngang đường 25m; tuyến đường Thiện Lâm (kết nối từ xã Giao Thiện đến thị trấn Quất Lâm đoạn qua khu vực quy hoạch đô thị đảm bảo tiêu chuẩn theo thiết kế đường đô thị).

Giao thông đối nội gồm các đường trục chính đô thị (các trục đường chính liên kết các trung tâm đô thị, liên hệ trực tiếp với tuyến Quốc lộ 37B và các đường tỉnh 484, 489B); trục Bắc - Nam (trong khu vực lập quy hoạch ngoài tuyến đường tỉnh 489B đi qua thị trấn Quất Lâm hiện nay sẽ tổ chức 2 trục đường theo hướng Bắc - Nam trên cơ sở cải tạo trục giao thông hiện có kết nối với tuyến Quốc lộ 37B vừa tạo kết nối các khu du lịch biển, khu cảng biển, khu trung tâm hành chính của thị trấn, vừa hỗ trợ giảm tải cho tuyến đường tỉnh 489B (đoạn đi giữa thị trấn Quất Lâm), quy mô mặt cắt ngang đường rộng từ 25-36m); trục Đông - Tây (ngoài tuyến Quốc lộ 37B đề xuất xây dựng 3 trục đường theo hướng Đông - Tây, quy mô mặt cắt đường từ 28-47m để kết nối các khu chức năng đô thị); đường liên khu vực là các tuyến có vai trò kết nối các khu chức năng với các trục chính đô thị, được thiết kế với mặt cắt ngang đường rộng từ 23-40m… Các công trình đầu mối giao thông gồm xây dựng 1 bến ô tô liên tỉnh Quất Lâm với quy mô 3,5ha ở vị trí phía Tây của đô thị, tại nút giao Quốc lộ 37B với đường tỉnh 489B; xây dựng 2 bến xe tải phục vụ nhu cầu vận chuyển của các khu công nghiệp mới.

Để hoàn thành các mục tiêu xây dựng đô thị Quất Lâm đến năm 2030 theo quy hoạch đã được phê duyệt, UBND tỉnh giao huyện Giao Thủy tổ chức công khai quy hoạch; quản lý chặt chẽ quỹ đất và trật tự xây dựng theo quy hoạch được duyệt và các quy định khác của pháp luật có liên quan; triển khai việc lập quy hoạch chi tiết các khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng; lập chương trình, dự án ưu tiên đầu tư hàng năm và dài hạn, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch đồng bộ với việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Sở Xây dựng theo chức năng nhiệm vụ thực hiện việc kiểm tra, giám sát, quản lý công tác xây dựng theo quy hoạch được duyệt và các quy định của pháp luật có liên quan. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện Giao Thủy và các đơn vị liên quan rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch được duyệt.

(Nguồn:baonamdinh.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website