“Ðộng lực” thúc đẩy hiện thực hóa quy hoạch sông Hồng

Đại diện cơ quan quản lý và các chuyên gia đồng tình nhìn nhận, ở một góc độ, có thể xem cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây mưa lũ lịch sử vừa qua là “động lực” thúc đẩy quá trình hiện thực hóa định hướng quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

Những bước đi nhỏ hướng tới mục tiêu lớn

Theo KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, 25 năm qua (1998 - 2023), trong bối cảnh có sự lúng túng về giải pháp quản lý, các khu dân cư bên sông Hồng tiếp tục phát triển tự phát. Năm 2007, một đối tác Hàn Quốc đã đề xuất dự án “thành phố sông Hồng” dự kiến di dời 42.000 hộ dân với 170.000 người, thì đến năm 2022, dân cư tại đây đã tăng gần gấp đôi với khoảng 290.000 người. Rất nhiều nhà cấp 4 khi đó nay đã thành nhà bê tông cao tầng. Chính quyền các địa phương ven sông phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp.

Riêng tại địa bàn quận Hoàn Kiếm có 2 phường Phúc Tân và Chương Dương tồn tại nhiều khu dân cư có từ trước năm 1954, nhưng phát triển nhanh chóng từ đầu những năm 2000. Từ năm 1996, quận đã chủ động xây tường ngăn để chặn việc lấn chiếm hành lang thoát lũ, nhiều lần phải ra quân giải tỏa số hộ dân lấn chiếm tự phát. Đáng lưu ý, các không gian công cộng từ trong phố lan ra bờ vở sông Hồng đã được quận Hoàn Kiếm thực hiện bền bỉ. Đó là các dự án cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, chủ động phòng ngừa lấn chiếm đất công trong hành lang thoát lũ, dọn phế thải, cắt tỉa cây cỏ tự nhiên kết hợp phát triển không gian xanh, sạch tại khu dân cư ven sông phường Phúc Tân.

Cộng đồng dân cư, các tổ chức tình nguyện đã dọn vệ sinh, phát triển công viên cây xanh và mở rộng không gian xanh cho bãi giữa sông Hồng trở thành nơi vui chơi giải trí an toàn trong mùa cạn, nước sông thoát nhanh trong mùa lũ. Theo KTS Trần Huy Ánh, đây là những “bước đi nhỏ” phù hợp hướng tới mục tiêu hiện thực hóa quy hoạch khu vực.

Về định hướng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND thành phố phê duyệt năm 2022, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến cho biết, khu vực bãi nổi (bãi giữa) sông Hồng được định hướng trở thành một yếu tố cảnh quan quan trọng của Thủ đô nói chung, khu vực sông Hồng nói riêng.

Sau trận lụt lịch sử vừa qua, Hà Nội sẽ không chỉ tiến hành rà soát các nội dung trong đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, mà còn tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh cả nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội đến năm 2035 để đảm bảo sự an toàn cho người dân, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp.

Do đó, cơn bão số 3 lịch sử cần được nhìn nhận là “động lực” chứ không phải là rào cản của quá trình hiện thực hóa quy hoạch sông Hồng theo hướng hiện đại nhưng mang đậm giá trị đặc trưng của các vùng. Đây là cơ hội để khảo sát thực tế, bổ sung đề xuất khung cơ bản cho việc xây dựng hệ thống quy hoạch không gian lãnh thổ. Các kế hoạch và biện pháp cụ thể cần được xây dựng, ban hành. Các ý tưởng, chiến lược cải cách sâu rộng, thúc đẩy chuyển đổi và phát triển dọc các tuyến sông của Vùng và Thủ đô cần được thể hiện rõ ràng, khoa học và chính xác hơn.

Riêng chủ trương và quyết định xây dựng công viên văn hóa ở bãi giữa sông Hồng cần có sự thống nhất từ văn bản pháp lý các cấp tới các đồ án quy hoạch; phải đảm bảo phù hợp với Quy hoạch vùng, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 để báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Thêm những điều cần lưu ý

Nhìn lại lịch sử đô thị thế giới, sông là điều kiện thuận lợi để hình thành những điểm dân cư nông thôn, hình thành tuyến giao thông - thương mại tiến tới phát triển các điểm dân cư đô thị. Dòng sông là cội nguồn tạo ra đô thị, đáp ứng nhu cầu cấp thoát nước, giao thông vận tải, phản ánh bản sắc và văn hóa đô thị.

Từ xuất phát điểm trên, theo bà Trần Thị Thanh Ý, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, trong hiện thực hóa quy hoạch cần khai thác các lợi thế về văn hóa, lịch sử; phải tôn trọng tối đa tính thuận thiên, thuận theo dòng chảy của sông Hồng, hạn chế bê tông hóa và không chất tải hạ tầng quá lớn ở hai bên bờ sông. Chuỗi công viên, vườn hoa phải là không gian mở để người dân dễ dàng tiếp cận và kết nối thân thiện, phát triển thành phố theo hướng “quay mặt tiền ra sông” thay vì “quay lưng” với dòng sông.

Về nguyên tắc quản lý ngoài bãi sông Hồng, phải tuân thủ Quy hoạch về đê điều, phòng chống lũ và Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1259 (đang điều chỉnh). Đồng thời, nên có một ban quản lý về các đô thị sông Hồng và phải có một kiến trúc sư trưởng hàng đầu để cùng với các sở, ban, ngành quản lý toàn bộ sự phát triển ở khu vực này.

Bài toán quan trọng cần giải quyết trong quy hoạch đô thị ven sông Hồng là việc kết nối giao thông, hạ tầng với xung quanh. Trục cảnh quan sông Hồng sẽ là trục cảnh quan chính, mang yếu tố quyết định cho trục cảnh quan chung về giao thông cũng như sự phát triển ở hai bên sông trong thời gian tới. Việc khai thác trục cảnh quan sông Hồng phải phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang được rà soát, điều chỉnh. Các quy hoạch chung sẽ là cơ sở để khớp nối, gắn kết và phân chức năng cho từng khu vực trong khai thác tiềm năng của sông Hồng” - bà Trần Thị Thanh Ý nêu.

Đồng tình với quan điểm trên, KTS Bùi Xuân Tùng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng thành phố thực hiện quy hoạch phân khu đô thị hai bên bờ sông Hồng với mục tiêu phát triển bên vững thì phải bảo đảm hài hòa, không có sự tách biệt giữa khu vực dân cư ngoài và bên trong đê về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

“Phát triển đô thị bền vững hai bên sông sẽ không dừng lại ở những đoạn như quy hoạch phân khu đã định hướng. Ngay bản thân khu vực đã phát triển, đoạn từ cầu Thăng Long đến Thanh Trì hiện đang thiếu nhiều yếu tố mà một đô thị bền vững phải có như các công viên, công trình công cộng, khu vui chơi giải trí... Về phát triển du lịch dọc sông Hồng, thành phố cũng đang thiếu hệ thống cảng du lịch. Ngoài ra, về kết nối giữa bên tả và hữu đê thì hiện nay các cây cầu của thành phố đơn thuần chỉ giải quyết mục đích về giao thông, thiếu sự kết nối với các khu vực dự kiến phát triển hai bên sông và chưa trở thành những công trình biểu tượng kiến trúc đặc trưng của thành phố” - KTS Bùi Xuân Tùng lưu ý.

“Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được thành phố phê duyệt là cơ sở để hình thành các dự án. Các dự án này cần được phân chia thành 3 loại. Loại thứ nhất, có khả năng sinh lời và thu hồi vốn, sẽ được tổ chức đấu thầu và đấu giá theo đúng quy định hiện hành, là nguồn lực xã hội hóa giúp quy hoạch trở thành hiện thực. Những dự án này cần sớm công khai để nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu. Loại thứ hai là các dự án không có khả năng thu hồi vốn và sinh lời, cần phải lập kế hoạch trung và dài hạn để thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Thứ ba, là các dự án nhà nước và người dân cùng kết hợp thực hiện” - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến chia sẻ.

Đánh giá quy hoạch phân khu sông Hồng là một trong những bước tiến lớn của Hà Nội, ông Đỗ Viết Chiến cho rằng, quy hoạch cần phải được tổ chức triển khai ngay bởi nếu không, quỹ đất ven sông, nguồn lực để nuôi đô thị sẽ bị triệt tiêu.

(Nguồn:hanoimoi.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website