Xây dựng đô thị vệ tinh nhìn từ thực tiễn thành phố HCM

Phạm Ngọc Hòa

 

Thành phố Hồ Chí Minh có tuổi đời hơn 300 năm, từ những bến đò, xóm nhỏ ven sông trở thành đô thị buôn bán trên bến dưới thuyền… Thành phố đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển khác nhau về điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội. Và ngày nay thành phố là một “siêu đô thị” với gần 10 triệu dân sinh sống, có nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ phát triển bậc nhất của cả nước. Trước xu thế phát triển của đô thị hiện đại trên thế giới và để giải quyết những vấn đề bất cập của đô thị  như: ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường… thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung xây dựng đô thị vệ tinh nhằm hướng tới xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh – Thành phố Anh hùng.

  1. Xây dựng đô thị vệ tinh - Xu hướng phát triển của các nước trên thế giới                         

            Phát triển đô thị vệ tinh là vấn đề đã được nhiều quốc gia thực hiện từ khoảng nửa thế kỷ nay. Ở Việt Nam, với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, hạ tầng tại nhiều khu vực đô thị lõi rơi vào tình trạng quá tải, nên phát triển đô thị vệ tinh là xu hướng chung mà các đô thị lớn của Việt Nam đang hướng tới. Việc phát triển đô thị vệ tinh sẽ giải quyết được những áp lực đô thị trung tâm như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, đặc biệt tạo ra sự đồng đều trong quá trình phát triển giữa các khu vực. TP HCM đang đứng trước những áp lực về gia tăng dân số, ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường…, cho nên việc xây dựng các đô thị vệ tinh được xem là vấn đề tất yếu, tạo ra sự giãn nở cho hệ thống hạ tầng và phân bố lại lượng dân cư cho thành phố.

            Khái niệm “đô thị vệ tinh” ra đời từ ý tưởng của nhà quy hoạch đô thị nổi tiếng người Anh E-be-ne-dơ Hô-uốt năm 1898 với tên gọi “thành phố vườn”. E-be-ne-dơ Hô-uốt chủ trương xây dựng một thành phố nhỏ - tức “thành phố vườn” hay “thành phố công viên” có phong cảnh tươi đẹp ở khu vực nông thôn. Đến năm 1918, lần đầu tiên thuật ngữ đô thị vệ tinh được đưa vào sử dụng. Năm 1922, kiến trúc sư người Anh Ray-môn Ăn-uyn (Raymond Unwin) đưa ra mô hình đô thị vệ tinh. Dựa trên mô hình của E. Hô-uốt, nhưng mô hình này bố trí rõ ràng hơn các chức năng của đô thị ở khu trung tâm và các vệ tinh nằm xung quanh[1]. Tuy nhiên, mô hình này vẫn lặp lại cấu trúc của mô hình đô thị đồng tâm truyền thống, với các chức năng chính nằm kẹt ở trung tâm, làm hạn chế khả năng phát triển của đô thị trong tương lai. Vấn đề giao thông cũng chưa được đặt ra một cách rõ ràng. Năm 1924, Hội nghị quốc tế về thành phố được tổ chức tại Am-xtec-đam (Hà Lan) đã đưa ra ý tưởng xây dựng đô thị vệ tinh và được các nước nhiệt tình hưởng ứng. Đến năm 1956, Nhật Bản công bố Luật xây dựng vùng thủ đô, nhấn mạnh phát triển đô thị vệ tinh với quy mô lớn cách Tô-ky-ô 100 km. Giữa thập kỷ 50 của thế kỷ XX, Liên Xô đẩy mạnh xây dựng hệ thống đô thị vệ tinh quanh thủ đô Mát-xcơ-va để khống chế dân số thành phố. Tương tự như vậy, để hạn chế tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường.., Chính phủ Pháp đã xây dựng một số đô thị vệ tinh quanh thủ đô Paris. Năm thành phố xây dựng quanh Paris được phát triển mạnh giao thông công cộng như tàu điện ngầm, metro, tàu mặt đất… kết nối khu trung tâm. Đặc biệt quanh các trạm metro sẽ phát triển mạnh đô thị, bất động sản để thu hút đầu tư. Một kinh nghiệm khác trong xây dựng đô thị vệ tinh đó là Thượng Hải (Trung Quốc) – nơi đây đã xây dựng được một phố Đông trở thành trung tâm tài chính của thế giới. Để làm được điều này, chính quyền Trung Quốc đã lập ra một công ty quản lý, thành phố chỉ bỏ ra 10% tiền ngân sách, còn lại là vốn từ đất. Đất được cầm ở ngân hàng để lấy tiền giải phóng mặt bằng. Sau khi có đất sạch, đem đấu giá. Tiền thuế thu được thời gian đầu được để lại cùng với tiền bán đất dùng để xây dựng thành phố[2]. Hiện nay với dân số lên đến khoảng 24 triệu người nhưng nơi đây vẫn ít xảy ra tình trạng kẹt xe, ngập nước nhờ hạ tầng được quy hoạch và phát triển bài bản ngay từ đầu và áp dụng công nghệ vào quản lý, vận hành thành phố.

            Hiện nay, đô thị vệ tinh có nhiều chức năng khác nhau nhưng các nhà khoa học, nhà đô thị học đã thống nhất với nhau ở ba chức năng cơ bản: (1) - Đô thị có chức năng công nghiệp; (2) - Đô thị để sinh sống; (3) - Đô thị có chức năng phát triển nghiên cứu khoa học, văn hóa giáo dục. Nếu xét về vị trí, đô thị vệ tinh có thể chia thành vòng trong và vòng ngoài. Nếu dựa vào mối liên hệ với đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh có thể chia thành ba loại: mô hình hoàn toàn phụ thuộc; mô hình nửa độc lập và mô hình hoàn toàn độc lập.

  1. Thực tiễn phát triển đô thị vệ tinh ở TP HCM

   TP HCM hiện có 24 quận, huyện, với dân số gần 10 triệu người. Là một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ; đầu mối giao lưu khu vực và quốc tế lớn của cả nước. Trong những năm qua, thành phố luôn giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của khu vực Nam Bộ và cả nước. Đặc biệt qua 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, TP HCM đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Trong đó, kết cấu hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư thích đáng tạo chuyển biến rõ nét. Nhiều công trình giao thông, cấp nước, thoát nước trọng điểm được đưa vào khai thác, sử dụng làm tăng khả năng kết nối, phát triển về phía Đông, Tây và Nam, tạo điều kiện để thành phố có các mối liên kết vùng, phát triển mạnh mẽ hơn[3]. Bên cạnh đó, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kĩ thuật đô thị đang từng bước được đầu tư, hoàn chỉnh. Đặc biệt, thành phố đã xuất hiện nhiều công trình điểm nhấn có giá trị được đầu tư xây dựng, góp phần tạo nên hình ảnh của một thành phố hiện đại, có đặc tính riêng… Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thế nhưng trong quá trình phát triển, TP HCM  đang phải đối mặt trước sức ép về qui mô dân số, lao động, việc làm, nhà ở, dịch vụ hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường suy giảm, di sản kiến trúc đô thị có nguy cơ bị xâm hại, xuống cấp… Đặc biệt, thành phố cũng đang phải đối mặt với các xu hướng mang tính toàn cầu như cạnh tranh đô thị và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Hiện nay, nhiều khu vực đã bắt đầu bị ảnh hưởng như quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh[4]. Nhưng có lẽ thách thức lớn nhất chính là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa không gian đô thị hóa với dân số. Cụ thể là vùng nội đô đã bị quá tải về sức chứa dân số, kéo theo hàng loạt mặt quá tải khác, trong đó có những mặt đã trở thành vấn nạn, ảnh hưởng đến đời sống của tất cả cư dân đô thị như ách tắc giao thông nhiều điểm, ngập nước nhiều nơi (kể cả lúc không mưa) và tệ nạn xã hội khó kiểm soát. Trước thực trạng đó, TP HCM đã và đang triển khai những quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh bao quanh vùng đô thị lõi[5]. Mục đích xây dựng đô thị vệ tinh là nhằm đưa TP HCM trở thành thành phố đa trung tâm, đa phân khu chức năng để dãn dân ở khu lõi trung tâm nhằm khắc phục các vấn nạn xã hội, giao thông, ô nhiễm môi trường. Bốn đô thị vệ tinh của thành phố hiện nay bao gồm:

   Thành phố Đông sẽ gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, có diện tích 211km2, dân số 890.000 người, lấy khu đô thị mới Thủ Thiêm làm trung tâm. Vì đô thị này giáp với trục cao tốc TP HCM – Long An – Dầu Giây nên được xác định có chức năng kinh tế phát triển các ngành dịch vụ cao cấp (tài chính, tín dụng), công nghệ cao, du lịch sinh thái...

   Thành phố Tây gồm toàn bộ quận Bình Tân hiện nay, một phần phường 7, phường 16 của quận 8 và bốn xã An Phú Tây, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh, có diện tích 109 km2, dân số 810.000 người, trung tâm là khu đô thị xã Tân Kiên, giáp quốc lộ 1. Thành phố Tây chủ yếu phát triển các ngành dịch vụ, khu công nghiệp và khu dân cư nhằm tái bố trí dân cư từ các quận 11, quận 6, Tân Bình.

   Thành phố Nam gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè, một phần diện tích phường 7 của quận 8 (phần phía Nam rạch Bà Tàng) và hai xã Bình Hưng, Phong Phú thuộc huyện Bình Chánh, có diện tích 169 km2 với quy mô dân số 470.000 người, lấy khu đô thị Nam Sài Gòn làm trung tâm phát triển (có khu đô thị Phú Mỹ Hưng), thị trấn Nhà Bè và đặc biệt là khu đô thị cảng Hiệp Phước với chức năng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng.

   Thành phố Bắc gồm toàn bộ quận 12, huyện Hóc Môn có diện tích 162 km2, có dân số 860.000 người, trung tâm phát triển là xã Tân Thới Nhì với hành lang phát triển là quốc lộ 22, có chức năng phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao và phát triển các khu dân cư phục vụ việc giãn dân, chỉnh trang đô thị quận Gò Vấp, Tân Bình.

   TP HCM xây dựng đô thị vệ tinh tập trung vào 2 hướng chính là phía Đông và phía Nam, hướng phụ là Tây Bắc và Tây Nam. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết nối trong nội vi với nhau, thực tiễn cho thấy các đô thị vệ tinh này cần điều chỉnh nhằm kết nối với các vùng, tỉnh thành khác trong cả nước. Theo đó, ưu tiên phát triển theo định hướng giao thông công cộng, điều tiết dân số, phân bố dân cư và nhà ở. Khi điều chỉnh quy hoạch chung sẽ tích hợp quản lý rủi ro ngập lụt, phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

   Các đô thị vệ tinh ở thành phố đang dựa trên các lợi thế, nguồn lực tự thân và sự tác động của cấu trúc không gian vùng TP HCM và các mối quan hệ quốc gia, quốc tế có liên quan. Đô thị vệ tinh ở thành phố chủ yếu phát triển theo mô hình đa trung tâm dựa trên cơ sở phát triển hệ thống khung giao thông vận tải vùng và giao thông công cộng, đảm bảo việc kết nối các tỉnh, thành phố, các vùng chức năng, các trung tâm động lực chính trong vùng và phụ cận, đảm bảo việc đi lại thuận tiện, an toàn, văn minh cho người dân trong thành phố và vùng phụ cận. Với tư cách là đô thị trung tâm vùng, cấu trúc không gian TP HCM được lấy cảm hứng từ việc khai thác tốt lợi thế điều kiện tự nhiên với yếu tố mặt nước (sông, kênh, rạch, biển) làm điểm tựa, hướng tới cấu trúc thành phố sông – nước. Trong đó lấy sông Sài Gòn, sông Nhà Bè làm trục không gian mặt nước chính. Đây là trục không gian đặc thù sông nước/kênh rạch, gắn trung tâm thành phố cũ, trung tâm thành phố mới (khu vực Thủ Thiêm) với các trung tâm khu vực (các quận) và các khu vực cảnh quan sinh thái (Thủ Đức, Thủ Thiêm, Cần Giờ…) và trục không gian hướng biển (trục hành lang Đông – Tây) gắn các cửa ngõ giao lưu quốc tế về đường bộ, đường hàng không và đường biển[6]. Như vậy, không gian đô thị vệ tinh của thành phố bao gồm: Thứ nhất, vùng phát triển đô thị (trong đó gồm khu nội thành cũ, khu nội thành phát triển, các khu đô thị mới…). Thứ hai, vùng phát triển công nghiệp. Thứ ba, vùng sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vùng nông nghiệp, vùng bảo tồn thiên nhiên. Các vùng phát triển này được kết nối với nhau thông qua hệ khung giao thông chính, các trục không gian đặc thù sông nước (kênh rạch) và trục không gian hướng biển… Với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp vùng, cấp thành phố tại bốn hướng phát triển.

   Để xây dựng đô thị vệ tinh, TP HCM bắt đầu nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị và đã đề xuất mô hình tập trung quản lý ở cấp thành phố (người đứng đầu chính quyền đô thị có toàn quyền quyết định với các vấn đề quan trọng của đô thị). Theo đó, mô hình chính quyền đô thị ở TP HCM có hai cấp: chính quyền thành phố (gồm 13 quận nội thành là đô thị trung tâm) và chính quyền cơ sở (gồm bốn đô thị vệ tinh là các thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc và 3 thị trấn, 35 xã khu vực nông thôn)[7]. Tất nhiên, để xây dựng được mô hình chính quyền đô thị như thành phố đề xuất thì các Nghị định hướng dẫn Luật tổ chức chính quyền địa phương cần trao cho địa phương quyền tự chủ nhiều hơn nữa (trong mọi lĩnh vực quản lý).

            Nhìn lại quy hoạch bốn khu đô thị vệ tinh của thành phố thời gian qua chúng ta thấy, so với khái niệm “đô thị vệ tinh” (đã lạc hậu) cũng không đúng vì cả bốn khu vực vẫn nằm trong các quận, huyện của TP HCM và quá gần trung tâm nên hầu như không có chức năng “vệ tinh”. Tóm lại các khu đó không phải là đô thị vệ tinh mà thực chất là mở rộng không gian đô thị về bốn hướng, tức là đô thị hoá các vùng nông thôn còn lại và thành phố sẽ trở thành “siêu đô thị” cả về quy mô và dân số. Tuy nhiên, mô hình này đã bộc lộ quá nhiều nhược điểm vì nó không tránh được sự quá tải toàn diện, nên xu hướng của thế giới ngày nay là tránh trở thành “siêu đô thị”[8]. Do vậy, việc tìm ra giải pháp phù hợp cho đô thị vệ tinh ở TP HCM hiện nay rất quan trọng.

  1. Một số giải pháp nhằm phát triển đô thị vệ tinh ở TP HCM theo hướng bền vững

            Trước hết, chính quyền thành phố cần có một tầm nhìn chiến lược trong tái cấu trúc mô hình tăng trưởng kinh tế, cũng như cần có một ý tưởng đột phá trong quy hoạch tổ chức không gian. Bên cạnh đó, thành phố cần khai thác tích cực các lợi thế về vị trí, vai trò, vị thế trong mối quan hệ vùng, các đặc điểm nổi bật về điều kiện tự nhiên, hạ tầng kinh tế, kĩ thuật, xã hội, cơ chế chính sách để đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các lợi thế về đầu mối giao lưu quốc tế với những cửa ngõ đường hàng không, đường biển, dịch vụ, công nghệ, thương mại, tài chính, ngân hàng, giáo dục, đào tạo; các lợi thế so sánh và cạnh tranh quốc gia, khu vực Đông Nam Á và quốc tế trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa…

Hai là, trong quy hoạch kiến trúc cảnh quan, thành phố cần đề cao các yếu tố đặc thù thể hiện tính hiện đại, dân tộc, trên cơ sở khai thác có hiệu quả các yếu tố lịch sử văn hóa, tinh hoa kiến trúc truyền thống có giá trị, kết hợp hài hòa có chọn lọc với tinh hoa kiến trúc đương đại. Bên cạnh đó, khi xây dựng các khu vực đô thị vệ tinh mới, kiến trúc công trình phải phát triển theo xu hướng kiến trúc hiện đại phù hợp với khí hậu nhiệt đới, kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, hài hòa với thiên nhiên nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng không gian sống của người dân đô thị.

Ba là, cần tiếp tục hoàn thiện, phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm, để đưa đô thị này trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Phát triển đô thị thông minh, sáng tạo ở quận Thủ Đức - nơi cung cấp nguồn nhân lực, quận 9 phát triển khu công nghệ cao, quận 2 là môi trường để phát triển thương mại. Phát triển đô thị sinh thái ở huyện Cần Giờ, đô thị cảng ở quận 9, quận 2 và huyện Nhà Bè. Phát triển đô thị giáo dục ở Tây Bắc[9]. Mặt khác, thành phố cần đồng hành cùng doanh nghiệp, sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hoàn thiện chính quyền điện tử để giảm phiền hà, chi phí cho người dân và nhà đầu tư.

Bốn là, việc quản lý đô thị không chỉ dừng lại trong nội vi của thành phố, mà còn phải xem xét đến mối tương quan với các mức độ quản lý của các tỉnh, thành lân cận. TP HCM cần quan tâm thực hiện đầu tư quy hoạch đô thị theo kế hoạch đã được xác lập, nhằm giảm áp lực hiện tại cho thành phố, đồng thời tạo khả năng kết nối giao thông thuận tiện giữa đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh. Để xây dựng đô thị vệ tinh được thành công, TP HCM phải coi trọng quản lý đô thị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Duy Anh và nhóm tác giả (2013), Quy hoạch đô thị: không chỉ là bản vẽ, Hồ sơ sự kiện (Chuyên san của Tạp chí Cộng sản), số 267, ngày 22-11-2013.
  2. Tuệ An (2017), Đúng hướng để phát triển bền vững, Hồ sơ sự kiện (Chuyên san của Tạp chí Cộng sản), số 345, ngày 25-2-2017.
  3. Quang Chung (2017), Pháp luật và chính quyền đô thị, Thời báo kinh tế Sài Gòn, số 15, 13-4-2017.
  4. Nguyễn Thành Phong (2016), TP HCM phấn đấu sớm trở thành một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á, Tạp chí Cộng sản (Chuyên đề cơ sở), Số 115 (7-2016).
  5. Tường Lâm (2008), Thành phố vệ tinh: giải pháp hữu hiệu cho đô thị hiện đại, Hồ sơ sự kiện (Chuyên san của Tạp chí Cộng sản), số 45, ngày 10-10-2008.
  6. Công Minh và nhóm tác giả (2017), Di sản – Hồn đô thị, Hồ sơ sự kiện (Chuyên san của Tạp chí Cộng sản), số 345, ngày 25-2-2017.
  7. Văn Nam (2017), Giữ “vành đai xanh” cho TP HCM, Thời báo kinh tế Sài Gòn, số 29, 20-7-2017.
  8. Lê Ngân (2018), Phải đẩy mạnh cơ chế vùng để giảm áp lực cho Thành phố, Báo Công an TP HCM, số 3796, ngày 12-10-2018.
  9. Đình Sơn (2018), giảm kẹt xe, ngập bằng đô thị vệ tinh, Báo Thanh niên, số 304, ngày 31-10-2018.
  10. Trần Vĩnh Tuyến (2018), Cam kết giảm chi phí “đen” cho doanh nghiệp, Báo Thanh niên, số 304, ngày 31-10-2018.

[1] Duy Anh và nhóm tác giả (2013), Quy hoạch đô thị: không chỉ là bản vẽ, Hồ sơ sự kiện (Chuyên san của Tạp chí Cộng sản), số 267, ngày 22-11-2013, tr.7.

[2] Đình Sơn (2018), giảm kẹt xe, ngập bằng đô thị vệ tinh, Báo Thanh niên, số 304, ngày 31-10-2018, tr.6.

[3] Nguyễn Thành Phong (2016), Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu sớm trở thành một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á, Tạp chí Cộng sản (Chuyên đề cơ sở), Số 115 (7-2016), tr.37-38.

[4] Lê Ngân (2018), Phải đẩy mạnh cơ chế vùng để giảm áp lực cho Thành phố, Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, số 3796, ngày 12-10-2018, tr.3.

[5] Văn Nam (2017), Giữ “vành đai xanh” cho Thành phố Hồ Chí Minh, Thời báo kinh tế Sài Gòn, số 29, 20-7-2017, tr.59.

[6] Trương Văn Quảng (2018), Đô thị hiện đại giàu bản sắc, truy cập từ https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/phat-trien-ben-vung/thanh-pho-ho-chi-minh-thi-hien-dai-giau-ban-sac.html, [ngày cập nhật 12/10/2018].

[7] Quang Chung (2017), Pháp luật và chính quyền đô thị, Thời báo kinh tế Sài Gòn, số 15, 13-4-2017, tr.20-21.

[8] Nguyễn Hữu Nguyên (2018), Đô thị vệ tinh, nhìn lại từ khái niệm đến luận chứng, truy cập từ http://ashui.com/mag/tuongtac/phanbien/5729-do-thi-ve-tinh-nhin-lai-tu-khai-niem-den-luan-chung.html, [ngày cập nhật 09/10/2018].

[9] Trần Vĩnh Tuyến (2018), Cam kết giảm chi phí “đen” cho doanh nghiệp, Báo Thanh niên, số 304, ngày 31-10-2018, tr.6.

(Nguồn:Tạp chí QHXD số 95+96)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website