Kinh nghiệm quốc tế xây dựng hạ tầng khung để phát triển các đô thị vệ tinh

PGS.TS. Vũ Thị Vinh

Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam

 

Theo quy hoạch, không gian đô thị Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Phú Minh và Sóc Sơn) và các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có kết nối với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia

Kết nối đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm

Hà Nội sau khi mở rộng đã có diện tích hơn 3.344km2, trở thành một trong 17 thủ đô có diện tích rộng nhất trên thế giới và là một trong 12 đô thị lịch sử có hàng ngàn năm tuổi. Với bản quy hoạch khẳng định thêm lần nữa sự lựa chọn mô hình cấu trúc mới: chùm đô thị, các nhà quy hoạch muốn tạo điều kiện để Hà Nội có tiềm năng phát triển hạ tầng kỹ thuật và môi trường.

Tuy nhiên, ngay trong sự lựa chọn mô hình chùm đô thị này cũng “tiềm ẩn” đầy rẫy những thách thức rất lớn cho Hà Nội. Đó là hệ thống cơ sở hạ tầng để kết nối giữa đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm. Một thách thức nữa là vấn đề về dân số và phân bố dân cư của Hà Nội trong tương lai. Sau khi Hà Nội mở rộng đến nay có khoảng 6,6 triệu dân (số liệu tính đến hết năm 2010), dự kiến đến 2020 có khoảng 7,9 triệu và 2030 là khoảng 9,2 triệu. Với dân số như trên và việc phát triển theo chùm đô thị thì thách thức lớn nhất là việc phân bổ dân số. Bởi vì trong nội thành đô thị trung tâm từ nay đến năm 2030 sẽ là 4,5 triệu dân, còn lại là phát triển dân cư các đô thị vệ tinh. Nhiều đô thị dân số sẽ tăng gấp 10 lần hiện nay, vậy thì làm thế nào để kết nối đô thị vệ tinh với trung tâm, làm thế nào để tạo sức hút để tăng dân số ở đô thị vệ tinh và sinh thái chứ không quá tập trung ở đô thị trung tâm?

Phải lựa chọn cái gì để tạo được tốc độ phát triển cho Hà Nội, cả giai đoạn từ năm 2006 đến nay tốc độ phát triển gần 11%, nhưng quy hoạch phải đảm bảo Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước, đạt từ 11-12%. Để đạt được mục tiêu đó Hà Nội phải dựa vào kinh tế trí thức, khu công nghệ cao bố trí thế nào… đây là những bài toán khó”.

Theo các chuyên gia kinh tế, muốn thu hút nhà đầu tư đến các KĐT vệ tinh thì cần phải có hệ thống giao thông thuận lợi.

Hiện nay, phát triển thành phố vệ tinh là một xu hướng chung mà các đô thị lớn nước ta đang hướng tới. Xét về một khía cạnh, nó có thể giải quyết rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, hay nói cách khác là hậu quả tất yếu của quá trình đô thị hóa.

Mô hình phát triển đô thị vệ tinh được hiểu trong học thuật về đô thị của phương Tây là việc phát triển các thành phố nhỏ và trung bình xung quanh một thành phố trung tâm và chúng được liên kết với thành phố trung tâm này bằng một hệ thống giao thông công cộng hoàn thiện. Hệ thống giao thông này sẽ cho phép nhiều người dân sống tại các đô thị vệ tinh có thể di chuyển vào đô thị trung tâm hằng ngày dễ dàng.

Giữa thành phố trung tâm và các đô thị vệ tinh thường là các vành đai xanh. Các thành phố trung tâm theo mô hình đô thị vệ tinh thường bị giới hạn khu vực phát triển (không thể mở rộng hơn) để không biến thành một đại đô thị khổng lồ. Mô hình đô thị vệ tinh có thể nói ra đời vào cuối thế kỷ 19 cùng với ý tưởng “thành phố vườn” của Ebenezer Howard. Tác giả, một nhà hoạt động xã hội, nhận thấy cuộc sống tại các thành phố công nghiệp của nước Anh trở nên tồi tệ do ô nhiễm và mật độ dân số cao. Ông đề xuất xây dựng các thành phố chỉ khoảng 30 ngàn dân nằm trên các trục đường sắt nối với thành phố trung tâm và cách ly với các thành phố này bởi vành đai xanh. Ý tưởng này đã có ảnh hưởng trên thế giới trong lĩnh vực phát triển đô thị. Dù vậy thì cũng chỉ có 2 “thành phố vườn” thực sự được xây dựng tại nước Anh.

Thử xem một vài ví dụ ở Canada, thành phố Toronto với 5 triệu dân thực ra là một vùng đô thị gồm có 5 thành phố, trong đó bản thân Toronto chỉ có 2 triệu dân.

Thành phố Vancouver với 2 triệu dân thực ra là một vùng đô thị có 10 thành phố độc lập, trong đó bản thân Vancouver chỉ có 500 ngàn dân.

New York, Tokyo hay Manila đều là những vùng đô thị như vậy.

Trở lại mô hình đô thị vệ tinh, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng ở Mỹ chỉ có 1 vùng đô thị duy nhất thực hiện mô hình này (và thành công) là Portland tại bang Oregon.

Tại Canada thì có thể nói Vancouver và Ottawa đi theo mô hình này. Mặc dù những thành phố tôi vừa nêu tên đều trở thành những tấm gương trong quy hoạch đô thị ở Bắc Mỹ, chúng có những điều kiện nhất định cũng như phải trả giá đắt cho mô hình mà chúng theo đuổi để thành công. Vancouver và Portland là những nơi mà người dân đặc biệt trân trọng vấn đề bảo vệ môi trường và dễ dàng hơn các nơi khác trong việc hy sinh các quyền lợi kinh tế để đạt được một môi trường sống tốt hơn. Ottawa là thủ đô của Canada và có một tỉ lệ lớn văn phòng và người lao động liên quan đến chính phủ liên bang, tức là họ “dễ bảo” hơn trong việc thực thi một mô hình và dễ chấp nhận hy sinh quyền lợi kinh tế.

 Chi phí hạ tầng (xây hệ thống giao thông công cộng cấp vùng) và giá đất tăng. Thử tưởng tượng mà xem, người ta sẽ đặt ra ranh giới phát triển cho các thành phố trung tâm (growth boundary) khiến cho diện tích đô thị không thể mở rộng, khiến giá đất tăng và cuộc sống trở nên đắt đỏ hơn, rồi thành phố trở nên kém hấp dẫn đối với người dân và doanh nghiệp để kết quả cuối cùng là phát triển kinh tế bị tác động.

Chi phí để xây dựng hệ thống tàu điện/metro nối các thành phố vệ tinh với thành phố trung tâm là rất tốn kém và các hệ thống này kém hiệu quả do phải chạy qua các vành đai xanh vốn không có hoặc không có nhiều người sinh sống (tức là có những đoạn đường không ra tiền trực tiếp).

Chưa kể mô hình đô thị vệ tinh cần có một khung pháp lý để quản lí toàn bộ vùng đô thị này và đảm bảo các thành phố vệ tinh không mâu thuẫn với nhau hay với đô thị trung tâm về quyền lợi.

Về lý thuyết, có thể nói, đây là mô hình rất tốt. Tuy nhiên, mô hình đô thị vệ tinh, cũng như mọi mô hình quy hoạch khác, không hoàn hảo và không dễ dàng để thành hiện thực. Trước hết, mô hình đô thị vệ tinh đặt ra một giới hạn phát triển (growth boundary) bằng vành đai xanh đối với đô thị trung tâm.

Khi đó, sẽ dẫn đến một loạt phát sinh như gia tăng áp lực giá đất trong đô thị trung tâm chẳng hạn, dẫn đến tăng chi phí cho các nhà đầu tư, giảm năng lực cạnh tranh, nhưng lại tăng gánh nặng cho cư dân trong xây cất nhà ở.

Tiếp theo, các đô thị vệ tinh khi phát triển ra ngoại vi của thành phố trung tâm và cách ly với thành phố trung tâm bởi một mảng xanh sẽ dẫn đến chi phí hạ tầng rất lớn để kết nối trung tâm với vệ tinh.

Hãy tưởng tượng hệ thống hạ tầng đó phải đi qua dải vành đai cây xanh dài hàng cây số, thậm chí, hàng chục km, ít người sử dụng. Hiện tượng đó được gọi là nhảy cóc (leap frog), tức là phải nhảy qua một mảng xanh để phát triển tiếp, rất kém hiệu quả về hạ tầng.

Tại Mỹ, chỉ có một trong số vài thành phố ít ỏi áp dụng mô hình này thành công là Portland, bang Oregon. Tuy nhiên, cái giá mà dân chúng ở đây phải trả là giá nhà đất tăng rất nhanh trong một thời gian ngắn. Do áp lực phát triển, vừa rồi, họ đổi luật, lùi hành lang xanh để có đủ đất cho phát triển.

Nhiều thành phố khác tại Mỹ lại cho phát triển tràn lan, thay vì mô hình đô thị vệ tinh, như Los Angeles và Houston, nhằm giảm giá đất, thu hút đầu tư và đảm bảo nhu cầu nhà ở cho dân chúng.

Có một thành phố ở Canađa là Calgary, lại đi theo hướng ngược lại, tức là không xây dựng đô thị vệ tinh. Thành phố này rất thành công trong phát triển kinh tế ở Canada thông qua mô hình thành phố đơn (uni-city concept), mà không có đô thị vệ tinh và giới hạn phát triển.

Nhờ vậy, mặc dù chỉ đứng thứ năm về dân số (một triệu dân) tại Canada, Calgary là nơi tập trung nhiều thứ hai nước này các tập đoàn lớn (chỉ sau Toronto, thành phố năm triệu dân) và có chất lượng sống hàng đầu Bắc Mỹ nhờ giảm chi phí hạ tầng, thuế thấp và giá đất rẻ.

Tại Việt Nam, mô hình thành phố vệ tinh không phải bây giờ mới đặt ra nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Và, như chúng ta đã và đang chứng kiến, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn ngày một phình to và phát triển tràn lan.

Hãy thử tưởng tượng, khi quy hoạch được phê duyệt và đi vào triển khai, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế và xã hội.

Trước hết, chúng ta sẽ phải xây dựng nhiều cây cầu vượt sông Hồng, kết nối các đô thị mới ở Gia Lâm, Đông Anh và Sóc Sơn với chi phí không dưới 200 – 300 triệu USD cho mỗi cây cầu. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc xây dựng 26 cây cầu vượt sông Hàn mà vẫn không giải quyết được ách tắc giao thông trên mỗi cây cầu.

Ngoài ra, chúng ta sẽ phải xây dựng hệ thống đường sắt kết nối đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh cách xa hàng chục km với chi phí không dưới 10 triệu USD/km.

Chúng ta sẽ phải kiểm soát quá trình đô thị hóa trong hành lang xanh của các làng nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nằm gần các trục đường giao thông chính.

Di dời những làng cổ này ra khỏi vành đai xanh sẽ là một xáo trộn quá lớn về kinh tế – xã hội, trong khi bảo tồn những làng này lại cần những chính sách đặc biệt để đảm bảo vành đai xanh không tự biến thành vành đai đô thị.

Mặc khác, nếu những đô thị vệ tinh của Hà Nội chủ yếu nằm về phía tây thành phố, dòng nhập cư chủ yếu sẽ lại đến từ những tỉnh đồng bằng sông Hồng ở phía đông, cũng như chịu áp lực phát triển các khu đô thị và công nghiệp phía đông trên những trục đường hướng ra cảng biển.

Hạ tầng khung là gì :

  •  Hạ tầng kỹ thuật khung: là hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chính cấp đô thị, bao gồm các trục giao thông, tuyến truyền tải năng lượng, tuyến truyền dẫn cấp nước, tuyến cống thoát nước, tuyến thông tin viễn thông và các công trình đầu mối kỹ thuật.[36]
(Nguồn:Tạp chí QHXD số 95+96)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website