TS.KTS. Lê Đàm Ngọc Tú
Khoa Kiến trúc, Đại học Xây dựng Miền Trung
Tóm tắt:
Phát triển không gian ngầm đã trở thành một xu hướng tất yếu trong phát triển đô thị nhằm khai thác các lợi thế như thích ứng với khí hậu khắc nghiệt, giảm tải không gian bề mặt, tăng diện tích không gian xanh và khai thác điều kiện địa hình, địa chất. Đối với các thành phố có bề dày văn hóa, lịch sử, phát triển không gian ngầm đô thị không tránh khỏi các mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn di sản. Bài báo này giới thiệu vấn đề bảo tồn di sản trong quá trình xây dựng hệ thống tàu điện ngầm tại thành phố có bề dày lịch sử, văn hóa Athens, Hy Lạp [1]. Bài báo là một ví dụ tiêu biểu về việc thay đổi tư duy bảo tồn di sản trong quá trình phát triển đô thị.
Underground space development has become an indispensable trend in urban development to exploit advantages such as comforting to a harsh climate, expanding developable space, increasing green space, and adapting to topographic and geological conditions. For cities with a rich culture and history, underground development might lead to conflicts between spatial development and heritage conservation. This article provides a typical example of creative thinking in solving the conflict of heritage preservation and urban development in the construction of the metro system in Athens, Greece.
Từ khóa: quy hoạch không gian ngâm, phát triển đô thị, bảo tôn di sản
Trong phát triển đô thị, khai thác không gian ngầm đô thị đã trở thành một xu hướng tất yếu, đặc biệt đối với các thành phố lớn và thành phố có điều kiện khí hậu, địa hình đặc thù. Từ cuối thế kỷ VIII và đầu thế kỷ VII trước công nguyên, các kỹ sư đã xây dựng nên đường ngầm Siloam bên dưới thành phố David ở Jerusalem [2]. Ngày nay, hệ thống ngầm trở thành một phần quan trọng trong thành phố, phục vụ cho đường sắt, đường tàu điện, giao thông cao tốc, các hệ thống tiện ích và không gian đi bộ ngầm [3].
Các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM với lịch sử phát triển lâu đời đã để lại nhiều di sản đô thị. Việc đáp ứng cho dân số ngày càng gia tăng và đảm bảo các tiện ích giao thông, hạ tầng, xã hội, không gian xanh ngày càng khó khăn đòi hỏi phát triển quy hoạch không gian ngầm đô thị. Quá trình phát triển có thể nảy sinh vấn đề như mâu thuẫn với bảo tồn di sản. Bài báo này giới thiệu bài học về cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản trong xây dựng hệ thống tàu điện ngầm tại thành phố Athens, Hy Lạp.
1. Giới thiệu chung về hệ thống tàu điện ngầm (Metro) Athens
Athen là một trong những thành phố cổ nhất trên thế giới, với hơn 3.000 năm lịch sử. Quá trình xây dựng hệ thống Metro Athens đã có nhiều thách thức giữa bảo tồn di sản và xây dựng phát triển do sự dày đặc các di tích lịch sử nằm trong lòng thành phố Athens. Tuyến số 1 của hệ thống Metro hoạt động vào năm 1869 là một đường sắt hơi nước, được điện hóa vào năm 1904 và đạt tới chiều dài hiện tại (kết thúc ở Kifisia, vùng ngoại ô phía bắc của đô thị Athen) vào năm 1957.
Đầu năm 1960, dưới áp lực của các làn sóng mới về cải cách hệ thống giao thông ở Athens, chính phủ đã bắt đầu nhiều kế hoạch cho giao thông ngầm. Quy hoạch hệ thống Metro Athens được hoàn thành sau gần hai thập kỷ, vào cuối những năm 1980. Nguyên nhân là do tính chất đa ngành của dự án, trong đó đặt ra một điều kiện tiên quyết phải tiến hành các khảo sát và quy hoạch phụ trợ nhưng cần thiết để thực hiện dự án. Tuyến số 2 và số 3 được bắt đầu xây dựng vào tháng 11/1992 với hy vọng giúp giảm tắc nghẽn giao thông và cải thiện ô nhiễm không khí. Quy hoạch ban đầu dự kiến khoảng 20km đường tàu điện với 21 nhà ga. Sau nhiều lần điều chỉnh và mở rộng, hệ thống thực tế đã mở rộng đến 80km, bao gồm 65 nhà ga và phục vụ cho gần hai triệu hành khách mỗi ngày.
2. Các nghiên cứu chuyên ngành đã thực hiện
Hệ thống tàu điện Athens là dự án rất phức tạp do tính đa ngành của dự án và khối lượng di tích khảo cổ khổng lồ ở thành phố. Để thực hiện dự án, nhiều khảo sát, quy hoạch chuyên ngành hỗ trợ đã được thực hiện. Các nghiên cứu và quy hoạch này thuộc 3 thể loại lớn như sau:
Quy hoạch tổng thể giao thông cho hệ thống tàu điện Athens: liên quan đến xác định tuyến đường tối ưu của hệ thống Metro để phục vụ tối đa số lượng hành khách hàng ngày. Một số khảo sát đã được thực hiện như:
Nghiên cứu về địa chất và thủy lực: bao gồm nghiên cứu khảo sát hoạt động địa chấn của khu vực và nghiên cứu kỹ thuật địa chất được tiến hành trước khi xây dựng – bao gồm khoan thăm dò hơn 350 lỗ với chiều sâu khoảng 20-30m. Một số khảo sát quan trọng như:
Nghiên cứu địa hình: được bắt đầu ngay sau các khảo sát trên để quyết định vị trí của đường hầm và các vị trí các trạm tàu điện.
Sau khi các nghiên cứu và quy hoạch trên hoàn thành, việc xây dựng metro mới thực sự được bắt đầu. Trong quá trình đó, việc khám phá kho báu khảo cổ của Athens đã nhiều lần làm đình trệ công tác xây dựng hệ thống tàu điện cũng như tạo ra các thách thức mới trong việc giữ gìn và bảo tồn di sản.
3. Kho báu khảo cổ chưa được khám phá của Athens
Do lịch sử lâu đời ở Athens, dự kiến một khối lượng khổng lồ các cổ vật sẽ được tìm thấy trong lòng đất. Việc bắt đầu xây dựng đường tàu điện ngầm (vào tháng 11/1992) cũng là sự bắt đầu cuộc khai quật khảo cổ đồ sộ ở trung tâm Hy Lạp. Để tránh việc va đụng hoặc phá hủy các cổ vật trong quá trình xây dựng, các hoạt động khai quật để mở các đường hầm diễn ra ở độ sâu 15m và sâu hơn, được coi là mức thấp hơn nhiều so với độ sâu thường gặp phải cổ vật, thường từ 0,5 đến 7,0m.
Hơn 20 cuộc khai quật được tiến hành ở các nhà ga và trục thông gió. Các cổ vật phát lộ được lưu trữ chi tiết và bảo quản, sử dụng các kỹ thuật hiện đại. Do sự hiện hữu khổng lồ không chỉ các vật khảo cổ mà còn các công trình cổ đại (các đối tượng không di chuyển được), trường hợp của hệ thống Metro Athens là động lực cho Bộ Văn hóa thay đổi nhận thức liên quan đến các thực hành tốt nhất để bảo quản cổ vật. Nhờ đó, các công trình cổ đại và một số vật thể (bản thực hoặc bản sao) được tìm thấy trong quá trình khai quật cho đường tàu điện được bảo tồn tại chỗ (tại các nhà ga tàu điện). Một số được trưng bày ở khuôn viên trường Đại học Zografou (trong không gian trưng bày mở khoảng 2.000m2 và một bảo tàng nhỏ), trong khi phần lớn được giữ trong nhà lưu giữ của Bộ Văn hóa cho các trưng bày trong tương lai.
4. Biến các nhà ga tàu điện thành bảo tàng và không gian văn hóa mở cửa tự do
Việc xây dựng hệ thống tàu điện Athens là động lực thúc đẩy khái niệm mới về cách cư xử với các khám phá khảo cổ. Thay vì di chuyển tất cả các vật thể được tìm thấy, Bộ Văn hóa quyết định trưng bày tại chỗ nhiều di tích. Sáu nhà ga Metro bao gồm các triễn lãm cổ vật hoặc các bản sao của chúng được tìm thấy trong quá trình xây dựng. Những triển lãm này được mở tự do đến công chúng và là một phần của các kho báu khảo cổ và tưởng niệm ở trung tâm lịch sử Athens.
Một số nhà ga có các triển làm khảo cổ và văn hóa như ga Syntagma, ga trung chuyển trung tâm và bận rộn nhất của hệ thống tàu điện. Nhà ga có không gian ngầm rộng lớn, được chọn làm nơi tổ chức các cuộc triển làm cổ vật và các phát lộ từ quá trình xây dựng đường tàu điện. Nhà ga này còn bao gồm các hội trường rộng rãi được thiết kế để tổ chức các sự kiện văn hóa đặc biệt.
Ga Acropolis là trạm ngừng chính cho du khách đến trung tâm di sản thế giới UNESCO Acropolis và Parthenon. Các khai quật đã mở rộng đến hơn 2.500m2. Không gian ngầm chính kết hợp một số mẫu vật được tìm thấy tại chỗ, được tách ra và đặt trong một không gian triển lãm mở cho công chúng. Ngoài ra còn có chương trình nghệ thuật giới thiệu sự song hành các khám phá khảo cổ đặc thù và các tác phẩm của các nghệ sĩ Hy Lạp đương đại. Việc kết hợp trưng bày các cổ vật tìm thấy và nghệ thuật hiện đại đã góp phần khẳng định bản sắc và sự giàu có về mặt văn hóa của thành phố Athens.
5. Vai trò của các nhà quy hoạch đô thị trong xây dựng hệ thống tàu điện Athens
Do tính chất phức tạp đa ngành của hệ thống tàu điện ngầm, dự án chủ yếu được thực thi bởi các kỹ sư và các nhà khảo cổ học. Trong quá trình xây dựng, vai trò các nhà quy hoạch đô thị chủ yếu ở việc phê duyệt bản quy hoạch liên quan đến việc định vị tuyến ngầm Metro. Văn phòng quản lý quy hoạch chịu trách nhiệm chứng nhận các công trình hiện hữu trong vùng đệm 30m từ hai bên của tuyến tàu điện (50m từ hai bên của các nhà ga) không có tầng ngầm vượt đến độ sâu của các đường ngầm. Văn phòng cũng chịu trách nhiệm thực hiện các đo đạc và điều chỉnh cần thiết trong trường hợp các công trình hiện hữu nằm trên tuyến đường ngầm không chịu được độ rung lắc từ các máy khoan đường ngầm khổng lồ. Đồng thời, các nhà quy hoạch cũng chịu trách nhiệm cho chỉnh trang thành phố tại các nhà ga tàu điện và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho các khu vực xung quanh.
6. Kết luận: Bài học cho quy hoạch không gian ngầm ở TP.HCM, Hà Nội và các địa phương khác
Trường hợp nghiên cứu về hệ thống tàu điện ngầm Athens tiêu biểu cho việc hài hòa và tích hợp giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Làm thế nào xây dựng hệ thống ngầm đô thị mà không phá hủy các giá trị khảo cổ được chôn vùi trong lòng đất thành phố, đồng thời tích hợp khai thác không gian ngầm để mang lại hiệu quả cao về mặt giao thông, văn hóa, lịch sử. Từ trường hợp này, có thể rút ra một số bài học cho việc xây dựng không gian ngầm ở thành phố lớn vốn có bề dày lịch sử ở nước ta hiện nay:
Thay đổi tư duy trong cư xử với di sản đô thị và tích hợp trong khai thác không gian ngầm: Việc xây dựng hệ thống tàu điện Athens đã thúc đẩy tư duy mới trong việc cư xử với các báu vật được tìm thấy trong lòng đất. Kết quả là Athens ngày nay đang sở hữu một trong những hệ thống đường tàu điện ngầm thú vị và đáng ngưỡng mộ nhất trên thế giới, không chỉ phục vụ cho nhu cầu đi lại hàng ngày của công chúng mà còn nâng cao bản sắc văn hóa lịch sử độc đáo của thành phố. Trong phát triển hệ thống không gian ngầm, cần nghiên cứu về ảnh hưởng đến các di sản đô thị, khả năng khai quật các di sản văn hóa trong lòng đất và cách ứng xử với các di sản, di tích để có các phương án khai thác sử dụng và tích hợp không gian văn hóa vào hạ tầng phát triển. Sự thay đổi tư duy trong cách tiếp cận với di sản và sử dụng không gian đa mục đích là điều cần thiết.
Quy hoạch tổng thể sử dụng không gian ngầm: cần thiết phải có một tầm nhìn về sử dụng không gian ngầm đô thị và một chiến thuật quản lý việc sử dụng tài sản không gian rộng lớn này. Nếu không các phát triển sẽ dựa trên nguyên tắc “ai đến trước, phục vụ trước” (first come, first served). Điều này sẽ dẫn đến việc tắc nghẽn không gian và cạnh tranh nguồn lực. Ví dụ như nhiều thành phố đã phát triển các dự án quy mô lớn để ngầm hóa năng lượng và xây dựng các đường ống thông lớn mà chưa tính đến khả năng phát triển hệ thống giao thông ngầm. QH không gian ngầm cần tính đến các không gian có thể ngầm hóa như không gian thương mại, không gian văn hóa, bãi đậu xe, hạ tầng giao thông, năng lượng, các nhà máy tiện ích như trung chuyển rác thải, xử lý nước thải... Từ đó, phân định và quy hoạch tổng thể ở các lớp cao độ khác nhau.
Tính liên ngành trong quy hoạch xây dựng không gian ngầm: Quy hoạch xây dựng không gian ngầm đòi hỏi sự tham gia của các chuyên ngành khác nhau từ quy hoạch giao thông, kiến trúc, năng lượng, địa chất, thủy lực, thủy văn... Việc đánh giá và phân định các lớp không gian sử dụng cho các mục đích là điều cần thiết. Trong đó, có thể chia làm 3 lớp không gian: gần mặt đất cho không gian chuyển tiếp đi bộ, không gian ngầm tầng trung bình gồm các đường cáp ngầm điện, năng lượng, hạ tầng giao thông và không gian ngầm sâu gồm hạ tầng xử lý nước thải.
Tích hợp không gian ngầm và không gian trên mặt đất: Quy hoạch phát triển không gian ngầm cần thiết phải nghiên cứu tích hợp không gian ngầm và không gian trên mặt đất, tạo thành các không gian sử dụng liên tục, nhiều lớp. Đồng thời, cũng cần phải quan tâm đến việc kết nối giữa không gian ngầm chung của thành phố với các tầng ngầm của các kiến trúc lân cận để tạo nên không gian sử dụng liên tục bên trên, bên dưới, giữa công cộng và tư nhân.
Thay đổi điều lệ quản lý kiến trúc quy hoạch: trong phát triển không gian ngầm đô thị, việc bổ sung, thay đổi điều lệ quản lý kiến trúc quy hoạch là điều cần thiết để tạo ra các hướng dẫn cho phát triển không gian ngầm đô thị, cho hạ tầng xây dựng, cũng như các không gian ngầm của các tòa nhà trong khu vực phát triển.
Bài viết được lược dịch và tham khảo chính từ:
1. Papageorgiou, M., Networking underground archaeological and cultural sites: the case of the Athens Metro, in Think Deep: Planning, development and use of underground space in cities, H. Admiraal and S.N. Suri, Editors. 2015, ISOCARP & ITA/ITACUS: Netherlands.
2. Admiraal, H. and A. Cornaro, Why underground space should be included in urban planning policy – And how this will enhance an urban underground future. Tunnelling and Underground Space Technology, 2016. 55: p. 214-220.
3. ARUP, Underground Developments: A benchmarking study to explore international best practices in underground space management. 2014, Singapore.
4. Admiraal, H., & Suri, S. N. (Eds.). (2015). Think Deep: Planning, development and use of underground space in cities. Netherlands: ISOCARP & ITA/ITACUS.
5. Stones, P., & Heng, T. Y. (2016). Underground Space Development Key Planning Factors. Procedia Engineering, 165, 343-354. doi:https://doi.org/10.1016/j.proeng.2016.11.709