M. Renganathan
Giới thiệu
Số lượng người sống ở các đô thị không ngừng tăng lên khi ngày càng có nhiều người chuyển đến các đô thị. Dự báo đến năm 2050, tỷ lệ người dân sống ở các đô thị là 70% (Lierow 2014, UN 2015). Điều này tạo ra thách thức cho các chính phủ trong việc cải thiện điều kiện sống. Vì vậy, các chính phủ cố gắng sử dụng các nguồn lực khan hiếm để tạo ra các thành phố thông minh nhằm giảm thiểu vấn đề. Trong bài viết này, tôi sẽ đề cập đến kinh nghiệm của Singapore.
Singapore là một hòn đảo nhỏ với diện tích 721,5 km2. Dân số hiện nay là 5,69 triệu người với mật độ dân số là 8,358 người/km2 khiến Singapore trở thành một trong những thành phố đông đúc nhất trên thế giới. Singapore là quốc gia không có tài nguyên thiên nhiên ngoại trừ con người. Điều này khiến chính phủ phải phát triển một thành phố thông minh để cải thiện cuộc sống của người dân.
Quy hoạch đô thị ở Singapore
Quy hoạch đô thị ở Singapore nhằm mục đích tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên đất khan hiếm của quốc gia cho các nhu cầu khác nhau của cả thế hệ hôm nay và mai sau. Điều này liên quan đến việc phân bổ đất cho các mục đích sử dụng khác nhau như nhà ở, công nghiệp, thương mại, giao thông, công viên, giải trí, quốc phòng và xác định mật độ phát triển cho nhiều địa điểm khác nhau. Quốc gia thông minh Singapore ngày nay là kết quả từ việc thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển đô thị - Quy hoạch Ý tưởng và Quy hoạch Tổng thể.
Quy hoạch Ý tưởng là một quy hoạch chiến lược sử dụng đất và giao thông nhằm cung cấp những định hướng chính cho sự phát triển vật thể của Singapore trong 40 - 50 năm tới. Để đảm bảo có đủ đất khi gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế lâu dài và duy trì một môi trường sống tốt. Quy hoạch này được rà soát đánh giá lại 10 năm một lần. Quy hoạch ý tưởng đầu tiên được lập vào năm 1971, đặt nền tảng cho sự phát triển của Singapore để giúp người dân có chất lượng sống tốt hơn với các khu đô thị mới, cơ sở hạ tầng giao thông và khả năng tiếp cận các hoạt động giải trí. Việc rà soát, đánh giá Quy hoạch Ý tưởng năm 2011 bắt đầu vào năm 2009. Quy hoạch xem xét phản hồi của người dân do Ban Dân số và Nhân tài Quốc gia thu thập nhằm xây dựng dân số bền vững cho Singapore.
Quy hoạch Tổng thể, ban hành lần đầu tiên vào năm 1958, là quy hoạch sử dụng đất để định hướng phát triển vật thể của Singapore trong vòng 10 - 15 năm tới. Các chiến lược dài hạn của Quy hoạch Ý tưởng được đưa vào trong Quy hoạch Tổng thể. Cả Quy hoạch Ý tưởng và Quy hoạch Tổng thể đều đóng vai trò quan trọng giúp cân đối nhu cầu sử dụng đất như nhà ở, thương mại, công nghiệp, giao thông, công viên và giải trí, tiện ích cộng đồng và quốc phòng. Quy hoạch Tổng thể 2014 với tầm nhìn hướng tới một quốc gia đáng sống, sôi động về kinh tế và xanh cho tất cả người dân Singapore. Có sáu trọng tâm chính gồm:
1. Nhà ở. Nâng cao khả năng đáng sống của Singapore ở mọi nơi và cung cấp nhiều lựa chọn nhà ở với các tiện ích hỗ trợ để phục vụ người dân ở mọi lứa tuổi.
2. Kinh tế. Tăng cường phát triển khu vực đô thị và các trung tâm việc làm khác, phân bố việc làm và tạo ra các trung tâm mới cho các doanh nghiệp.
3. Giải trí. Bảo vệ đất đai cho các khu bảo tồn thiên nhiên, công viên, không gian mới cho thể thao và cải tạo các không gian hiện có phục vụ nhu cầu của cộng đồng.
4. Bản sắc. Thực hiện Dự án di sản và ký ức xã hội của Singapore bằng cách cải tạo các khu vực hiện hữu có bản sắc riêng biệt và nuôi dưỡng những khu vực mới theo cách tập trung hướng vào cộng đồng.
5. Giao thông. Mở rộng mạng lưới giao thông, tập trung vào các phương thức giao thông xanh và bền vững.
6. Các không gian công cộng. Tạo ra những không gian cộng đồng được thiết kế tốt.
Thành phố thông minh
Singapore được xếp hạng thành phố thông minh số một do Viện Phát triển Quản lý bình chọn vào năm 2020. Việc xếp hạng dựa trên nhận thức của người dân về tác động của công nghệ đối với chất lượng cuộc sống của họ cũng như dữ liệu về kinh tế và công nghệ. Năm nay, dữ liệu bao gồm những phát hiện chính về vai trò của công nghệ trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Chỉ số cho thấy các thành phố có công nghệ tốt hơn đang đối phó với đại dịch tốt hơn.
Vậy điều gì tạo nên một thành phố thông minh? Có nhiều cách hiểu về thành phố thông minh. Ủy ban Châu Âu định nghĩa thành phố thông minh là một “... nơi ở đó các mạng lưới và dịch vụ truyền thống được thực hiện hiệu quả hơn với việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số và viễn thông vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp”. Mục đích của một thành phố thông minh là nhằm nâng cao điều kiện sống và làm việc của người dân. Cách tiếp cận của Singapore lấy con người làm trung tâm vì có sự tham gia toàn diện của các bên liên quan chính - người dân thành phố, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ - tham gia vào tất cả các giai đoạn phát triển của thành phố thông minh.
Bốn trụ cột của thành phố thông minh
Để đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của người dân, các nhà quy hoạch đô thị đặt mục tiêu phát triển toàn bộ hệ thống sinh thái đô thị, được thể hiện bằng bốn trụ cột phát triển toàn diện - thể chế, thể chất, xã hội và kinh tế.
Dưới đây là một số cách lý giải tại sao Singapore thông minh hơn một thành phố thông thường.
1. Người dân khỏe mạnh hơn
Một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe là nơi học tập và đổi mới liên tục, xây dựng cộng đồng và cung cấp dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp đáng tin cậy. Ở Singapore, một ví dụ về sự phát triển này là Healthcity Novena - một kế hoạch tổng thể chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, nơi có các cơ sở hạ tầng như lối đi dành cho người đi bộ, bãi đỗ xe ngầm và không gian xanh ngoài trời để tạo điều kiện và cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân.
Các bệnh viện được trang bị cơ sở vật chất mới nhất để cung cấp dịch vụ điều trị hàng đầu cho bệnh nhân. Việc áp dụng công nghệ làm giảm các thủ tục khám và điều trị do đó giảm thời gian lấy kết quả cho bệnh nhân.
2. Sống thông minh
Sống thông minh tập trung vào việc cải thiện sự hòa nhập xã hội và kỹ thuật số, ví dụ như việc sử dụng các dịch vụ điện tử, kết nối và các nền tảng xã hội, nhằm cải thiện việc chăm sóc sức khỏe và chăm sóc người cao tuổi, an toàn, điều kiện nhà ở và các tòa nhà thông minh. Ở Singapore, hơn 80% dân số sống trong nhà ở công cộng, bao gồm các căn hộ cao tầng, do đó việc cung cấp và quản lý nhà ở trở nên đặc biệt quan trọng đối với một thành phố thông minh như Singapore. Chính phủ đã tạo ra các cộng đồng nhà ở được gọi là các Khu dân cư địa phương (heartlands). Đó là những khu đô thị nhỏ khép kín, được xây dựng với đầy đủ mọi tiện ích cho người dân - cơ sở y tế, trung tâm thương mại, cửa hàng ăn uống, giao thông, tổ chức tài chính, công viên giải trí và văn phòng cơ quan chính quyền để người dân thực hiện các giao dịch của mình. Ngoài ra còn có các mạng lưới lối đi được kết nối để mọi người chạy bộ hoặc đạp xe nâng cao sức khỏe. Để giúp đỡ người cao tuổi đi lại, cầu đi bộ trên cao được lắp thang máy và thang cuốn. Tất cả những điều này mang lại một môi trường sống tốt.
Xây dựng những ngôi nhà thông minh và bền vững với ổ cắm điện thông minh được gắn sẵn và đèn có trang bị cảm biến ở các khu vực chung. Chủ sở hữu những ngôi nhà thông minh này sẽ có thể kiểm soát bất kỳ thiết bị nào được kết nối với nguồn điện chỉ với một ứng dụng di động. Trong khuôn viên nhà, ánh sáng thông minh sẽ dựa vào các cảm biến để tự động sáng lên hoặc mờ đi dựa trên việc đi lại của con người để tiết kiệm năng lượng về lâu dài.
Đến năm 2030, cuộc sống đô thị ở Singapore sẽ xanh hơn với nhiệt độ mát hơn. Hầu hết các tòa nhà thương mại có mặt ngoài được phủ bởi lớp vỏ bảo vệ của tự nhiên. Singapore đang có kế hoạch trồng thêm một triệu cây xanh, giúp không gian ngoài trời mát mẻ hơn. Nhiệt độ trong nhà cũng sẽ dễ chịu hơn với thiết kế tòa nhà được cải tiến, cửa sổ bố trí ở nơi có thể thông gió tự nhiên hiệu quả nhất.
3. Kinh tế số
Chính phủ Singapore đặt mục tiêu số hóa nền kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài và mang lại cơ hội cho người dân Singapore. Điều này đòi hỏi quốc gia phải có sự chuẩn bị xử lý những gián đoạn và xáo trộn do quá trình số hóa gây ra. Vào tháng 5 năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố các kế hoạch số hóa mọi doanh nghiệp và mọi ngành nghề nhằm tăng năng suất. Ngành truyền thông thông tin (Infocomm Media - ICM) cũng sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số của Singapore. Chính phủ cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp để tiến tới kỹ thuật số.
4. Di chuyển thông minh
Di chuyển Thông minh tập trung vào việc tăng hiệu quả và chất lượng dịch vụ của giao thông đô thị nhằm tăng cường sử dụng và áp dụng các giải pháp di chuyển mới cũng như tăng cường di chuyển của người dân thông qua quản lý di chuyển hiệu quả và cơ sở hạ tầng có mục tiêu.
Giao thông quyết định phần lớn chất lượng cuộc sống của cư dân trong một thành phố thông minh. Để đạt được điều này, Singapore đã triển khai Hệ thống Giao thông Thông minh (ITS) rất tinh vi, nhằm đạt được hiệu quả giao thông bằng cách giảm thiểu các vấn đề giao thông. ITS sử dụng các cảm biến, hệ thống kiểm soát giao thông và phân tích dữ liệu để tối đa hóa hiệu quả mạng lưới đường bộ, giám sát và quản lý luồng giao thông và khiến cho đường an toàn hơn. Nó kết hợp một loạt công nghệ giao thông “thông minh” bao gồm Hệ thống thu phí đường bộ điện tử (Electronic Road Pricing Systems - ERP) đầu tiên trên thế giới, với thông tin giao thông theo thời gian thực được cung cấp thông qua taxi được hỗ trợ định vị GPS và cấu trúc giao thông công cộng tích hợp. Hệ thống ITS giúp Singapore trở thành một trong những thành phố lớn ít tắc nghẽn giao thông nhất với tốc độ ô tô trung bình là 27km/h trên các tuyến đường chính so với tốc độ trung bình 16km/h ở London và 5km/h ở Jakarta.
Dưới đây là một số tính năng của Thông tin giao thông tích hợp, theo thời gian thực.
1. Nền tảng giao thông thông minh (I-Transport)
Tất cả dữ liệu ITS được kết nối với i-Transport, một nền tảng tích hợp và thống nhất, truyền thông tin giám sát giao thông và quản lý sự cố nằm trong Trung tâm Kiểm soát Vận hành ITS. Nó là một hệ thống giao thông dự phòng thông minh và quy mô lớn. Nó tích hợp toàn bộ ITS hiện có, đồng thời cho phép mở rộng để bổ sung các ITS mới. I-Transport có khả năng kết hợp dữ liệu giao thông thô, được thu thập từ các cảm biến mặt đất và chuyển đổi chúng thành thông tin giao thông có liên quan để sử dụng cho việc phân tích và lập quy hoạch giao thông cũng như thông tin tốt hơn các chính sách giao thông.
2. Trung tâm Kiểm soát Hoạt động ITS (OCC)
Trung tâm Kiểm soát Hoạt động ITS làm việc 24/7 để giám sát giao thông và quản lý các sự cố trên đường cao tốc và hầm đường bộ thông qua i-Transport và các ITS khác nhau. Nó triển khai đội phục hồi mặt đất và cảnh sát giao thông để hỗ trợ người lái xe ô tô bị tai nạn và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan như Lực lượng Cảnh sát Singapore và Lực lượng Phòng vệ Singapore để khắc phục sự cố nhanh nhất có thể
LTA chia sẻ dữ liệu lưu lượng giao thông theo thời gian thực cho các ngành nghề và công chúng thông qua:
• Hình ảnh webcam dọc theo đường cao tốc và đường lớn.
• Thông tin giao thông về các sự cố giao thông, hiển thị tốc độ lưu thông, thời gian di chuyển ước tính trên đường cao tốc, vị trí các công trình đang thi công trên đường, tín hiệu đèn giao thông bị lỗi, thông báo của Hệ thống Tư vấn Giám sát Đường cao tốc (EMAS) và giá cước Hệ thống thu phí đường bộ điện tử (ERP).
• Hệ thống hướng dẫn đỗ xe, thông tin chỗ trống trong bãi đỗ xe cho các trung tâm thương mại lớn và bãi đỗ xe công cộng chính.
3. Kênh Thông báo Giao thông (TMC)
Tầm nhìn, các chiến lược chính và các lĩnh vực trọng tâm của ITS được đề ra trong quy hoạch tổng thể Di chuyển Thông minh 2030, một lộ trình do Cơ quan Giao thông Vận tải Singapore (LTA) và Hiệp hội Giao thông thông minh cùng phát triển. Mục tiêu của quy hoạch này là đáp ứng các thách thức về giao thông một cách có hệ thống và phối hợp để di chuyển đô thị thông minh hơn.
TMC cung cấp thông tin giao thông thời gian thực cho những người lái xe có thể sử dụng các thiết bị phù hợp với TMC như điện thoại di động, thiết bị định vị cầm tay (PNDs) và hệ thống định vị cho phương tiện xe để điều hướng tuyến đường động.
TMC sử dụng băng thông hẹp, vì vậy thông tin có thể được truyền qua sóng radio FM, phát thanh số Digital Broadcasting hoặc radio vệ tinh.
TMC sử dụng cơ sở dữ liệu mã vị trí cho toàn bộ mạng lưới đường của một quốc gia. Các mã vị trí được lưu trữ hoặc Bảng vị trí TMC (TMC-LT) có thể được sử dụng bởi các nhà cung cấp bản đồ là những người tích hợp mã vị trí trực tiếp vào hệ thống định vị, điện thoại di động và thiết bị định vị cầm tay PND của họ. TMC-LT sẽ mã hóa các tin nhắn TMC và phát thông tin giao thông để các thiết bị được hỗ trợ TMC nhận thông báo.
4. Hệ thống mắt thần J-Eyes
Hệ thống Mắt thần Junction Electronic Eyes (J-Eyes) là một mạng lưới gồm khoảng 400 camera giám sát tại các nút giao thông chính. Chúng giám sát tình trạng giao thông và xác minh các sự cố trong thời gian thực để giúp LTA đưa ra các quyết định sáng suốt nhằm triển khai các kế hoạch phù hợp và hiệu quả để quản lý sự cố. Các camera thường được gắn trên cột đèn giao thông, cột đèn đường và cột đặc biệt có thể nghiêng và thu phóng hình ảnh. Hình ảnh video về tình trạng giao thông cũng được gửi lại theo thời gian thực tới Trung tâm Kiểm soát Hoạt động của LTA. Ngoài ra, các camera bắn tốc độ được lắp đặt dọc các tuyến đường chính và các nút giao thông để ngăn chặn tình trạng xe chạy quá tốc độ. Hình ảnh chiếc ô tô chạy quá tốc độ sẽ được chụp lại và chuyển cho cảnh sát giao thông để xử lý.
5. Hệ thống Xác định liên kết đèn xanh GLIDE
Hệ thống Xác định Liên kết đèn xanh (Green Link Determining - GLIDE) kiểm soát tất cả các tín hiệu giao thông bằng cách điều chỉnh thời gian xanh khi luồng giao thông thay đổi. GLIDE cũng liên kết các tín hiệu giao thông liền kề để cho phép các phương tiện đi từ đường giao nhau này sang đường giao nhau khác với số điểm dừng tối thiểu. Hệ thống sử dụng bộ phát hiện kiểu vòng lặp để phát hiện sự hiện diện của phương tiện giao thông và người đi bộ và thực hiện các điều chỉnh tín hiệu giao thông để:
• Phân bổ thời gian đèn xanh cho người lái xe ô tô và người đi bộ dựa trên nhu cầu.
• Cung cấp liên kết “làn sóng đèn xanh” giữa các nút giao liền kề để giảm thiểu số lượng phương tiện dừng lại.
• Cho phép nhanh chóng khắc phục các lỗi tín hiệu giao thông
6. Hệ thống hướng dẫn đỗ xe
Hệ thống Hướng dẫn Đỗ xe (PGS) cung cấp thông tin qua 29 bảng thông tin điện tử bên đường để người lái xe có thể xem tình trạng chỗ trống sẵn có của bãi đậu xe ngay cả khi đang lái xe. Thông tin thời gian thực làm giảm lượng giao thông lưu thông khi tìm kiếm các bãi đậu xe có trong khu thương mại ở trung tâm và các vành đai mua sắm lớn. Thông tin này cũng có sẵn thông qua các nền tảng kỹ thuật số khác nhau như One Motoring và ứng dụng di động myTransport.sg. Điều này giúp người lái xe đưa ra quyết định đỗ xe sáng suốt và tối ưu hóa việc sử dụng các bãi đỗ xe hiện có.
7. Hệ thống Tư vấn và Giám sát đường cao tốc (EMAS)
Hệ thống Tư vấn và Giám sát Đường cao tốc (EMAS) là một công cụ quản lý sự cố thông minh giúp quản lý giao thông dọc theo đường cao tốc. Nó phát hiện kịp thời các tai nạn, phương tiện bị hỏng hóc và các sự cố khác, đảm bảo phản ứng nhanh chóng để khôi phục lại lưu thông bình thường. Hệ thống cũng cung cấp thông tin thời gian thực về các biển báo trước khi đi vào và dọc theo đường cao tốc. Để giúp lái xe xác định tuyến đường đi tốt nhất, những biển báo điện tử này hiển thị thông báo, đồ họa, thông tin mã hóa bằng màu sắc về tình hình giao thông ở phía trước và thời gian di chuyển tới các điểm đến.
8. Quét lưu lượng phương tiện lưu thông (Trafficscan)
TrafficScan tận dụng số lượng lớn xe taxi di chuyển trên đường thu thập thông tin giao thông trên đường. Hệ thống sử dụng dữ liệu của Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) từ xe taxi để tính toán tốc độ lưu thông trung bình trên đường.
9. Thu phí đường bộ điện tử
12% diện tích đất ở Singapore là đường bộ. Tiếp tục mở rộng mạng lưới đường bộ để giải quyết nhu cầu giao thông ngày càng tăng không phải là một lựa chọn bền vững ở Singapore là nơi khan hiếm đất. Chính phủ đã thực hiện các chính sách khác để đảm bảo giao thông thông suốt, không bị ùn tắc. Để kiểm soát số lượng người dân có xe ô tô và việc sử dụng phương tiện đảm bảo thuận lợi, chính phủ đã triển khai hệ thống hạn ngạch mua xe và Hệ thống thu phí đường bộ Điện tử (ERP). Hệ thống hạn ngạch liên quan đến việc giới hạn số lượng xe được phép bán hàng tháng. Điều này được thực hiện thông qua việc bán Giấy Chứng nhận Quyền (COE). ERP tính phí tài xế khi sử dụng một số con đường nhất định trong giờ cao điểm. Chính phủ cũng đã xây dựng một hệ thống mạng lưới đường sắt vận tải khối lượng lớn (MRT) để giảm bớt nhu cầu về đường bộ. Các tuyến đường sắt này chạy khắp hòn đảo. Hầu hết chúng nằm ngầm dưới lòng đất. MRT được kết nối tốt với các dịch vụ xe buýt công cộng để giúp việc đi lại hiệu quả và nhanh chóng.
Cơ quan Giao thông Đường bộ Singapore (LTA) đã đưa ra các sáng kiến và dự án nhằm cải thiện tính an toàn và tính toàn diện của mạng lưới giao thông của đất nước. Chúng gồm:
1. Khả năng tiếp cận
LTA đã phát triển ứng dụng di động “MAVIS” (Hỗ trợ Di chuyển cho Người khiếm thị và Người đặc biệt) cho người ngồi xe lăn và người khiếm thị. Ứng dụng này hướng dẫn và hỗ trợ việc đi lại được cá nhân hóa như thời gian đến dự kiến và thông báo lên hoặc xuống xe buýt.
2. Khoang ưu tiên
Theo sáng kiến này, hai khoang (cabin) trung tâm trên tàu MRT được chỉ định là cabin ưu tiên cho những hành khách dễ bị tổn thương như người già, phụ nữ mang thai, người ngồi xe lăn, người khuyết tật và cha mẹ có con nhỏ đi cùng.
3. Đi xe đạp
LTA đã xây dựng mạng lưới đường đi xe đạp và cơ sở hạ tầng di chuyển tích cực trên khắp Singapore trong khuôn khổ Chương trình Mạng lưới đường đi xe đạp trên đảo (ICN). Đến năm 2023, mọi khu dân cư sẽ có đường đi xe đạp. Đến năm 2030, mạng lưới đường đi xe đạp sẽ tăng lên 1.320 km, kết nối toàn diện cho tất cả mọi người sử dụng phương tiện di chuyển tích cực.
Những tiến bộ công nghệ giúp Singapore trở thành một thành phố thông minh
1. Xe ô tô không người lái. Đã có kế hoạch giới thiệu xe ô tô không người lái mà mọi người có thể đặt mua trước bằng điện thoại thông minh của mình. Bên cạnh đó, chính phủ dự kiến sẽ đưa vào sử dụng xe buýt không người lái trong năm 2022. Những phương tiện này sẽ trở thành một phần vốn có của đường phố. Tàu MRT đã không có người lái.
2. Hệ thống bãi đậu xe thông minh không có rào thu phí. Hệ thống này đã được áp dụng tại bãi đậu xe của Đại học Công nghệ Nanyang vào năm nay. Sau khi đăng ký trên một ứng dụng, lái xe không còn phải bận tâm về nơi đến trả tiền phí đỗ xe nữa. Không cần rào chắn, biển số xe của họ sẽ được ghi lại khi ra vào bãi đậu xe bằng công nghệ video. Phí đỗ xe chính xác sau đó sẽ tự động tính toán và tính vào thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ. Ứng dụng này cũng cung cấp thông tin về các bãi đậu xe gần nhất và mức phí.
Ngoài việc tăng tính tiện lợi, hệ thống còn giúp giảm chi phí vận hành và bảo trì. Ứng dụng có thể xác định thiết bị trong bãi đậu xe cần bảo trì dự phòng. Hệ thống cũng được trang bị để thu thập dữ liệu có thể được phân tích để cho các nhà điều hành bãi đỗ xe hiểu rõ hơn về cách vận hành các bãi đỗ xe và liệu có cần nâng cấp chúng hay không.
3. Cảnh sát người máy. Lực lượng Cảnh sát Singapore đang sử dụng thiết bị bay không người lái để thực hiện các cuộc tìm kiếm trên không. Thiết bị bay không người lái Quadcopters có thể đạt đến độ cao 60 mét. Các kỹ sư đã trang bị cho chúng những chiếc còi báo động và đèn rọi có công suất gấp mười lần đèn pha. Hơn nữa, không gian mặt đất cũng được robot tuần tra trong các sự kiện đặc biệt. Chúng được trang bị camera và điều này cho phép giám sát từ xa.
4. Đường phố thông minh. Singapore hiện đang hướng tới mục tiêu làm cho đường phố của mình thông minh hơn bằng cách lắp đặt các trụ đèn có thể chiếu sáng đường. Các loại đèn này được trang bị cảm biến và hệ thống phân tích. Với sự trợ giúp của các cảm biến, trụ đèn có thể theo dõi những thay đổi của môi trường, chẳng hạn như nhiệt độ, lượng mưa và độ ẩm. Bên cạnh đó, sẽ có cảm biến tiếng ồn có thể phản ứng với tiếng động lớn như ai đó la hét hoặc một vụ va chạm xe hơi.
5. Robot tại nơi làm việc. Singapore đã đưa robot vào lực lượng lao động. Có 488 robot trên 10.000 nhân viên. Robot công nghiệp thường thực hiện các nhiệm vụ nhỏ như lấy và mang trả lại các vật dụng. Robot được phát triển và sử dụng để rèn luyện thể chất cho người già. Robot được sử dụng trong các khu ẩm thực để dọn dẹp vật dụng. Điều này góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong lĩnh vực này. Robot cũng được sử dụng trong ngành y tế. Chúng giúp phát thuốc, làm cho quá trình này nhanh hơn và giảm thời gian chờ đợi tại các hiệu thuốc.
6. Thanh toán không dùng tiền mặt. Sống thông minh là nói đến sự thoải mái tiện nghi trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Vì vậy, Singapore đang tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt. Người tiêu dùng có thể chi trả bất cứ thứ gì, từ trả tiền đi taxi đến mua đồ bằng các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng từ điện thoại thông minh của mình.
Kết luận
Cần có sự phối kết hợp các tiêu chí thành phố thông minh, cụ thể là môi trường thông minh, di chuyển thông minh, sống thông minh, kinh tế thông minh và quản trị thông minh khi phát triển một thành phố thông minh nhằm giải quyết các vấn đề về hiệu quả và tính bền vững trong quản trị. Chính phủ Singapore liên tục rà soát Quy hoạch tổng thể Thành phố Thông minh để thích ứng với những thay đổi đang diễn ra, mang lại sự đổi mới và đầu tư vào người dân - nguồn lực duy nhất - và xây dựng vốn xã hội cho một cơ sở hạ tầng giao thông và liên lạc hiện đại, sẽ giúp đạt được mục tiêu về một xã hội bình đẳng, cân bằng về kinh tế, phúc lợi xã hội và môi trường.