Điều chỉnh hệ thống giao thông khu phố Bùi Viện - TP.HCM bằng giải pháp công nghệ thông minh

TS. KTS. Ngô Lê Minh

Trường đại học Tôn Đức Thắng

ThS. KTS. Vũ Thiện An

Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Tổng hợp Nagecco

 

TÓM TẮT:

Khu phố Bùi Viện có vị trí tại Quận 1, trung tâm của TP.HCM, là một trong những khu dân cư có lịch sử lâu đời nhất của thành phố. Cũng chính vì có lịch sử lâu đời, nên khu vực này tập trung nhiều hoạt động du lịch và dịch vụ, đặc biệt là các tuyến phố thương mại, dịch vụ cho khách nước ngoài. Đồng thời, khu phố Bùi Viện hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển và ứng dụng công nghệ thông minh, phục vụ phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ. Nghiên cứu này đề xuất cải tạo một số không gian quy hoạch-kiến trúc của khu phố và các giải pháp điều chỉnh hệ thống giao thông khu phố Bùi Viện bằng giải pháp công nghệ thông minh.

TỪ KHÓA: Hệ thống giao thông; công nghệ thông minh; khu phố Bùi Viện; TP.HCM.

1. Giới thiệu

Hiện nay, Việt Nam là một quốc gia đang trên đà phát triển, có tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc biệt là hai đô thị lớn nhất Hà Nội và TP.HCM. Đây là nơi có các nguồn lao động đang dịch chuyển về thành phố, có khả năng ứng dụng công nghệ vào phát triển kinh tế, du lịch dịch vụ và môi trường sống. Việc tìm hiểu và phân tích một khu vực sầm uất nổi tiếng của TP.HCM sẽ giúp đưa ra định hướng phát triển và một vài giải pháp cụ thể cho TP.HCM thông minh, nơi đang quyết tâm tạo sự bứt phá để phát triển trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

Bùi Viện (1839 - 1878) là nhà ngoại giao của nhà Nguyễn. Ông nổi tiếng với chuyến đi sứ Hoa Kỳ để tìm đồng minh hòa hiếu dưới thời Tự Đức. Ông có công đầu trong việc việc xây dựng cảng Hải Phòng và lập ra lực lượng hải quân thường trực gồm 200 chiến thuyền và 2.000 thủy quân thiện chiến để trấn giữ vùng biển miền Bắc. Ngày nay, đường Bùi Viện thuộc Quận 1, TP.HCM có chiều dài 1.400m, với khoảng 20 con hẻm thông qua các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu... (Hình 1). 

Tháng 7/2017, phố đi bộ Bùi Viện được chính quyền thành phố khai trương, phạm vi gồm các đường Đề Thám, Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Đỗ Quang Đẩu của Quận 1 (Hình 2 & 3). Phố đi bộ hoạt động từ 19h đến 2h sáng vào hai ngày cuối tuần Thứ Bảy và Chủ Nhật. Đây là phố đi bộ thứ hai ở TP.HCM, sau phố đi bộ Nguyễn Huệ. Khu phố đi bộ Bùi Viện có đặc điểm nổi bật là một khu phố Tây, được nhiều khách du lịch nước ngoài lựa chọn, thường là khách du lịch không có nhiều tiền. Họ cần một chỗ lưu trú thuận tiện, gần trung tâm và giá không đắt như những khách sạn gắn sao tại khu vực trung tâm thành phố. Ban ngày khách du lịch đi tham quan các điểm du lịch, tối lại về nghỉ ngơi và khám phá Sài Gòn về đêm và ngồi ở một góc phố để cảm nhận hơi thở cuộc sống của người dân bản địa. Bùi Viện gần đây còn được coi là khu phố đa quốc gia, đa văn hóa bởi đối tượng đến Phố Tây không chỉ là người phương Tây mà còn là các du khách châu Á và khách trong nước. Học sinh, sinh viên các trường muốn giao lưu tiếng Anh, dẫn bạn bè đến uống bia tán gẫu, kết bạn mới và hướng dẫn viên du lịch tìm kiếm thông tin. Theo Sở Du lịch TP.HCM, khu phố đi bộ Bùi Viện mỗi ngày có 600-700 khách nước ngoài đi qua lại, buổi tối có thêm hàng ngàn khách Việt, những lúc cao điểm con số có thể đến 2.000 người/ngày.

Hiện nay, trên thế giới, phố đi bộ tại một số thành phố lớn thể hiện một số đặc điểm sau:

  • Đã hình thành từ lâu, có quy mô, được quy hoạch hoàn chỉnh;
  • Có các công trình kiến trúc mang tính lịch sử bao quanh;
  • Hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đường được lát đá, đầy đủ các yếu tố về kiến trúc cảnh quan đô thị;
  • Có hệ thống giao thông công cộng phục vụ cho phố đi bộ;
  • Có các hoạt động thương mại, kinh doanh nhà hàng ẩm thực, café, bia, đồ lưu niệm,… tại các nhà phố dọc tuyến phố và cả dưới vỉa hè;
  • Các hoạt động văn hoá, biểu diễn nghệ thuật, là nơi tổ chức các sự kiện lớn của thành phố, hay quốc gia,…

2. Thực trạng và tiềm năng phát triển khu phố đi bộ

Hiện nay, chức năng chính của khu phố Bùi Viện là hoạt động dịch vụ, buôn bán, du lịch lữ hành, quán bar, bia bệt, café, cửa hàng lưu niệm, phòng triển lãm tranh, massage,… Tất cả các dịch vụ dành cho du khách chủ yếu tập trung dọc theo tuyến phố Bùi Viện, với hai bên hè phố san sát nhà cửa. Tại khu vực này thường tổ chức các hoạt động ẩm thực với các món ăn đậm chất Việt Nam như bánh xèo, hủ tíu, các món nướng..., đi kèm còn có các dịch vụ nghỉ ngơi bình dân phục vụ cho đối tượng khách trung lưu, sinh viên, học sinh. Tuy nhiên, cho đến nay không gian khu phố đi bộ vẫn phát triển theo kiểu tự phát và thiếu tính đồng bộ, thiếu tính tổ chức chung. Khu vực luôn tập trung đông người, mất trật tự, giao thông khu vực tắc nghẽn, không an toàn và nhiều tệ nạn xã hội [9].

Thực trạng thiếu không gian giao lưu văn hóa, khả năng hạn chế trong việc tuyên truyền giới thiệu văn hóa và con người Việt Nam. Do đó, thành phố cũng như cộng đồng người dân mong muốn những giải pháp cụ thể nhằm tạo thêm nhiều không gian chức năng hấp dẫn khách du lịch, đồng thời phục vụ nhu cầu vui chơi, nghỉ ngơi thư giãn cho cả du khách và người dân sống trong khu vực (Hình 7). Từ đó, tạo cơ hội tăng thêm thu nhập, tạo nét văn hóa riêng cho con đường và người dân ở khu vực này. Những vấn đề cần giải quyết về lâu dài cho khu phố đi bộ Bùi Viện [9] là:

  • Triển khai việc mở rộng khu phố Bùi Viện ra các trục đường kế cận để đáp ứng đầy đủ chức năng của một phố đi bộ, với hai bên hè phố tập trung dân cư mật độ cao (Hình 8);
  • Chỉnh trang đô thị, thiết kế cảnh quan quy hoạch - kiến trúc hệ thống các công trình dịch vụ phục vụ công cộng, thương mại, tham quan, giải trí như các văn phòng, cửa hàng, phòng tranh, nhà hàng, cafe bar, nhà vệ sinh, điểm trình diễn nghệ thuật đường phố;
  • Cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị như: Giao thông vỉa hè, quảng cáo, chỉ dẫn, chiếu sáng, thoát nước, cây xanh mặt nước,... phù hợp với giao thông đi bộ;
  • Tổ chức bãi đậu xe, các điểm trung chuyển. Tổ chức các hệ thống giao thông tầng bậc trên không và dưới đất, tận dụng phát triển các không gian mở phía trên các toà nhà;

Phân tích, đánh giá các công trình thuộc diện bảo tồn, nhằm gia tăng giá trị về văn hoá lịch sử cho khu phố. Đề xuất chỉnh trang về phần cảnh quan, thẩm mỹ bộ mặt đô thị, chỉnh trang một số khu vực cần thiết phải giữ lại để lưu giữ lại một phần quá khứ.

3. Khả năng ứng dụng công nghệ thông minh

Ngày nay, với hệ thống đô thị ngày càng phức tạp và qui mô gia tăng liên tục, công nghệ thông tin có thể coi như một nền tảng quan trọng để vượt qua những thách thức và tận dụng các cơ hội mới, hướng tới sự phát triển thông minh và bền vững. Theo đó, thành phố thông minh bền vững là một thành phố sáng tạo, có sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động và dịch vụ đô thị, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của hiện tại cũng như tương lai về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường [4]. Mục tiêu chính của một đô thị thông minh là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên nhiều khía cạnh và qui mô khác nhau, thông qua việc cung cấp và tiếp cận với các nguồn tài nguyên nước, năng lượng, hệ thống giao thông đô thị, giáo dục, y tế, môi trường, quản lý chất thải, nhà ở, công ăn việc làm, và sử dụng công nghệ thông tin [2].

Trong lĩnh vực quản lý giao thông đô thị, hệ thống điều khiển đèn giao thông được sử dụng rộng rãi để giám sát và kiểm soát luồng xe cơ giới qua các điểm giao cắt của nhiều tuyến đường. Ngày nay, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin thúc đẩy hệ thống giao thông đô thị phát triển một cách trơn tru và thông minh hơn (Hình 9 & 10). Công nghệ thông tin giúp cho hệ thống điều khiển giao thông đô thị nhận biết nhanh chóng và chính xác chuyển động của các phương tiện cơ giới trên các tuyến đường [1]. Tuy nhiên, việc đồng bộ nhiều hệ thống đèn giao thông tại các nút giao liền kề là một vấn đề phức tạp, do có nhiều thông số liên quan. Đó là sự giao thoa lẫn nhau giữa các hệ thống đèn giao thông liền kề, sự chênh lệch của dòng xe theo thời gian, các vụ tai nạn, phần vượt xe ưu tiên (cấp cứu, cứu hỏa, công an,…) và phần đường dành cho người đi bộ không được thực hiện trong hệ thống giao thông hiện có (Hình 11). Điều này dẫn đến tình trạng kẹt xe và ùn tắc, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm. Trên thế giới hiện nay đã có những nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng những hệ thống dựa trên vi điều khiển máy tính thông minh (PIC - Programmable Intelligent Computer), có khả năng đánh giá mật độ lưu lượng phương tiện bằng cách sử dụng cảm biến hồng ngoại (Infrared sensor) và tự điều chỉnh các khoảng thời gian linh động cho hệ thống đèn báo giao thông [1]. 

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng sẽ khiến môi trường sống bị thay đổi và tương lai trái đất sẽ phụ thuộc vào tài xoay xở của các nhà quản lý và quy hoạch đô thị. Đồng thời, quá trình đô thị hóa tất yếu như thế sẽ làm xuất hiện nhiều hơn các thành phố quy mô trên 1 triệu dân và các "siêu thành phố" quy mô trên 10 triệu dân [3]. Do vậy, việc phát triển đô thị thông minh là phù hợp với xu thế chung của thế giới và có ảnh hưởng lớn tới tương lai bền vững của nhân loại trong tương lai.

Tỉ lệ đô thị hóa tăng dần cũng đang đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải cung cấp các dịch vụ thiết yếu như giao thông, y tế, giáo dục và an ninh công cộng ngày càng cao. Bên cạnh đó, con người luôn hướng tới một xã hội văn minh, một môi trường sống hiện đại, bền vững cũng đặt ra nhiều thách thức cho những cơ sở hạ tầng đô thị hiện có. Để thay thế những cơ sở hạ tầng đô thị như hiện nay là không hề đơn giản và dễ dàng vì thời gian và chi phí [6]. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, của công nghệ, chúng ta có thể thúc đẩy sự phát triển các yếu tố cơ sở hạ tầng dịch vụ và kỹ thuật. Thậm chí, việc xuất hiện bệnh dịch Covid-19 đã trở thành một động lực quan trọng để nghiên cứu và phát triển các phương tiện giao thông thông minh, có thể chia sẻ thông tin mọi lúc mọi nơi (Hình 12).

4. Điều chỉnh hệ thống giao thông khu phố Bùi Viện

Khu phố Bùi Viện nằm tại vị trí trung tâm của TP.HCM, là một trong những khu vực có lịch sử lâu đời của thành phố, mật độ dân số rất cao, tập trung nhiều hoạt động du lịch và dịch vụ, đặc biệt là các tuyến phố thương mại, dịch vụ cho khách nước ngoài. Khu phố Bùi Viện hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và cần thiết ứng dụng công nghệ thông minh, phục vụ phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ.

Theo bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng tiết tỷ lệ 1/2000 Khu trung tâm hiện hữu TP.HCM, lộ giới đường Bùi Viện được quy hoạch với lòng đường rộng 8m, vỉa hè 3,5m, khoảng lùi 3,0m. Tổng chiều rộng lòng đường và vỉa hè là 21m. Thực tế hiện nay cho thấy số lượng người tham gia vào không gian tuyến đường này ngày càng đông, chủ yếu là khách du lịch và người dân phục vụ du lịch, với các loại dịch vụ đi kèm. Không gian công cộng chủ yếu là vỉa hè, thường bị các hộ buôn bán nhỏ lẻ lấn chiếm, không gian chưa được tổ chức và quản lý tốt, nhiều không gian bị lãng phí và chưa tận dụng hết giá trị. Một số đoạn hè phố được sửa chữa và lát đá, đường dây điện được hạ ngầm nhằm đảm bảo cho an toàn cháy nổ,… Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là bước khởi đầu cho một phố đi bộ văn minh và hiện đại của thành phố gần 10 triệu dân. Để đảm bảo phát triển bền vững thông minh cho toàn khu phố đi bộ, nâng cao khả năng phục vụ cho du khách ngày càng đông, nhóm tác giả đề xuất một số điều chỉnh hệ thống giao thông khu phố Bùi Viện, TP.HCM bằng giải pháp công nghệ thông minh.

a. Nhóm giải pháp về Quy hoạch - Kiến trúc

  • Trục phố đi bộ Bùi Viện: điều chỉnh mở rộng vỉa hè 3,5m, lòng đường dành cho người đi bộ 8m, khoảng lùi công trình 3m. Đoạn  từ ngã ba Đỗ Quang Đẩu đến Đề Thám cho phép kinh doanh vỉa hè, dọc 2 bên đường này tổ chức các sân khấu nhỏ kết hợp cảnh quan cây xanh, mặt nước nhằm tạo điểm nhấn trên trục đường và cũng để các nghệ sĩ đường phố biểu diễn. Ngoài ra, tổ chức các khu ẩm thực, thức ăn nhanh, các món ăn dân gian, được bày biện xem kẽ giữa không gian biểu diễn và không gian cho “bia bệt” vỉa hè. Mục đích của việc xem kẽ này là để không làm mất đi không khí “bia bệt” vốn dĩ đã có từ trước giờ; 
  • Đoạn đường Bùi Viện từ Đề Thám ra đường Trần Hưng Đạo: tổ chức các nhà hàng sang trọng phục vụ cho du khách cao cấp. Đoạn Bùi Viện từ ngã ba Đỗ Quang Đẩu về đến Cống Quỳnh, tổ chức các khu trưng bày, quà lưu niệm, triển lãm đường phố, các câu lạc bộ Billard, Club, phòng nhạc,…
  • Với lộ giới quy hoạch hiện nay được phê duyệt là 21m tính cả khoảng lùi của công trình, đề xuất cần tận dụng thêm không gian phía trên tầng 2 và tầng 3 của nhà dân, nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng của khu phố; 
  • Tổ chức tuyến hành lang trên không bằng vật liệu nhẹ (khung thép, gỗ, bê tông nhẹ, cemboard kết hợp với khung vì kèo thép, bắt vào mặt tiền của nhà), kết hợp bố trí các cầu thang lên xuống hai bên hành lang (Hình 13). Bắt đầu từ góc ngã ba Đỗ Quang Đẩu, bố trí ramp dốc đi lên khu hành lang này, giật cấp kéo dài đến ngã tư Đề Thám - Bùi Viện lại bố trí một ramp dốc đi xuống. Ở đoạn giữa sẽ xây dựng một cây cầu bắc ngang qua dãy nhà đối diện, nhằm liên kết các không gian trên không (Hình 14);
  • Tầng thượng của các ngôi nhà, cần khảo sát về kết cấu và độ cao, để cải tạo thành một không gian cây xanh, cảnh quan ngay trên sân thượng, giúp phủ xanh bề mặt khi nhìn từ trên xuống. Ngoài ra, các không gian này còn được tận dụng để kinh doanh café, ăn uống, thưởng ngoạn, ngắm cảnh,… phục vụ du khách (Hình 15). Những không gian này còn được liên kết bởi các cầu nối giữa những nhà sát bên nhau có cùng cao độ; 
  • Dưới các đường ramp dốc, bố trí ghế ngồi, cây xanh, mặt nước, đèn chiếu sáng nghệ thuật, các tượng điêu khắc,… tạo cảnh quan sinh động cho các hành lang treo này;
  • Các không gian ở góc ngã ba và ngã tư, được tận dụng làm sân khấu ngoài trời, cho các ban nhạc biểu diễn văn nghệ, triển lãm tranh, tượng, điêu khắc, trưng bày hoa cây cảnh,… tuỳ theo từng thời điểm (Hình 16, 17 & 18).

b. Nhóm giải pháp công nghệ thông minh

Để nâng cao khả năng quản lý và tăng tính hấp dẫn cho khu phố đi bộ, tác giả đề xuất ứng dụng công nghệ thông minh tại khu phố đi bộ Bùi Viện như sau:

  • Giải pháp bãi đỗ xe thông minh (Smart parking)

Khai thác hiệu quả nhà xe và trạm xe bus trung tâm, vị trí tại góc vườn hoa đường Phạm Ngũ Lão, TP.HCM (Hình 19). Ứng dụng công nghệ thông minh trong toàn khu vực để cung cấp thông tin chỗ đậu xe gần nhất, bãi đậu xe ngày - đêm. Ứng dụng công nghệ này sẽ tiết kiệm thời gian cho du khách, giảm lượng khí thải và hạn chế ách tắc giao thông trong khu vực. Lực lượng cảnh sát giao thông có thể dùng cảm biến hồng ngoại (IR sensor) để theo dõi và quản lý hệ thống giao thông và bãi đỗ xe trong khu vực (Hình 20). Ngoài ra, ứng dụng cảm biến nhận dạng khuôn mặt người đi phương tiện công cộng để giảm các chi phí quản lý, vé, nhân công và thuận tiện cho người sử dụng.

  • Giải pháp lắp đặt hệ thống camera và thiết bị cảm biến tự trừ tiền qua thẻ tín dụng lắp trên xe, có thể áp dụng các module có kết nối 4G và 5G với xe máy, ô tô để giúp quản lý lưu lượng xe, phòng chống mất cắp, giải quyết va chạm, tai nạn;
  • Giải pháp ứng dụng hướng dẫn thành phố: Cung cấp thông tin về bảo tàng, công viên, mốc, nghệ thuật công cộng, nhà hàng và dữ liệu lưu lượng truy cập thời gian thực, giúp công dân và khách du lịch cũng như nâng cao kinh nghiệm của họ trong thành phố;
  • Giải pháp ứng dụng hệ thống điện chiếu sáng, đèn báo hiệu thông minh:

Hệ thống dùng cảm biến để quản lý đèn đường, qua đó giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng nâng cao hiệu quả sử dụng. Đặc biệt, hệ thống này còn có thể tự động điều chỉnh sáng tối theo điều kiện thời tiết. Với các cảm biến, hệ thống sẽ đo độ sáng và điều chỉnh để đảm bảo luôn chiếu sáng đủ vào những ngày mưa giông, hay bớt sáng đi vào những ngày nắng nóng.

Đề xuất ứng dụng nghệ thuật chiếu bóng trên phố đi bộ (Shadowing), thông qua hệ thống cảm biến hồng ngoại tùy biến tích hợp cho đèn đường để ghi lại bóng của những người đi bộ. Những hình bóng sau đó được chiếu trở lại thông qua đèn đường cho những người đi sau nhìn thấy. Sáng kiến nghệ thuật này không chỉ thể hiện tính sáng tạo thông minh, mà còn tạo ra những khoảnh khắc và nơi chốn thú vị, hấp dẫn với du khách (Hình 22).

Ngoài ra, có thể bố trí cây xanh theo kiểu treo dọc các tuyến hành lang trên không, bố trí cụm cây xanh, hoa trái địa phương tại các vị trí điểm nhấn, các không gian giao lưu ngã ba, ngã tư. Tất cả đều ứng dụng hệ thống tưới cây tự động, được quản lý bởi trung tâm dịch vụ kỹ thuật hạ tầng của thành phố.

KẾT LUẬN

Sự phát triển các thành phố thông minh sẽ góp phần phát triển kinh tế cho các thành phố và cả khu vực. TP.HCM đang quyết tâm tạo bước phát triển đột phá, do vậy trong số các khu vực trung tâm, khu phố Bùi Viện tại Quận 1 hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển và ứng dụng công nghệ thông minh, phục vụ phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ. Trong đó, trước tiên cần ưu tiên cải tạo một số không gian quy hoạch-kiến trúc của khu phố theo hướng gia tăng các không gian chức năng hấp dẫn khách du lịch, đồng thời phục vụ nhu cầu vui chơi, nghỉ ngơi thư giãn cho cả du khách và người dân sống trong khu vực. Tiếp đó, điều chỉnh hệ thống giao thông khu phố Bùi Viện bằng một số giải pháp công nghệ thông minh, nhằm tạo bước phát triển mới cho ngành kinh tế dịch vụ và du lịch của khu vực. Ý tưởng mới, sáng tạo kết hợp với công nghệ thông minh sẽ góp phần tạo nên những không gian độc đáo, nâng cao hiệu quả sử dụng và khai thác du lịch tại khu vực trung tâm thành phố. 

Tóm lại, hiện thực hóa được những ý tưởng tổ chức không gian và ứng dụng công nghệ thông minh nêu trên cũng có thể coi là một nhiệm vụ thành công và có ý nghĩa nhất để nâng cao đời sống cư dân TP.HCM, hướng tới một xã hội phát triển bền vững và ổn định lâu dài./.

Tài liệu tham khảo

  1. Bilal Ghazal et al (2016). Smart Traffic Light Control System. Third International Conference on Electrical, Electronics, Computer Engineering and their Applications (EECEA2016), Beirut, Lebanon
  2. Cristina Bueti, (2015). An overview of smart sustainable cities and the role of information andcommunication technologies- Focus Group Technical Report. United Nations, Telecommunication Standardization Sector
  3. Giffinger R.et al. (2007). Smart cities, ranking of European medium-sized cities, Final report from Centre of Regional Science, Vienna UT, October 2007.
  4. International Telecommunication Union (2014). An overview of smart sustainable cities and the role of information and communication technologies. Focus Group Technical Report on Smart Sustainable Cities
  5. Jackeline Rios-Torres, Andreas A. Malikopoulos (2016). A Survey on Coordination of Connected and Automated Vehicles at Intersections and Merging at Highway On-Ramps. IEEE Transactions on Intelligent Transportation Systems, 2016 (18)
  6. Smart Cities Study: International study on the situation of ICT, innovation and knowledge in cities.Azkuna,Mayor of the City of Bilbao http://www.cities-localgovernments.org/committees/cdc/Upload/formations/smartcitiesstudy_en.pdf
  7. Stefan L’ammer, Dirk Helbing (2008). Self-Control of Traffic Lights and Vehicle Flows in Urban Road Networks. Journal of Statistical Mechanics Theory and Experiment 2008 (4)
  8. Scientific American (2014), Designing the urban future: Smart Cities
  9. Vu Thien An (2018). Tổ chức không gian khu phố đi bộ Bùi Viện, TP.HCM theo hướng phục vụ phát triển du lịch bền vững. Luận văn thạc sỹ, Đại học Xây Dựng Hà Nội, 2018.
(Nguồn:Tạp chí quy hoạch xây dựng (số 107+108))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website