Hy vọng gì vào một nền quy hoạch mới

Nguyễn Xuân Anh

VIUP

 

1.Dẫn nhập

Hệ thống quy hoạch - kế hoạch của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau một quá trình phát triển khoảng 70 năm đã đạt đến tình trạng “trăm hoa đua nở” cả về số lượng lẫn loại hình quy hoạch - kế hoạch - chương trình, trong đó mỗi loại hình đều đã được ngành quản lý trau dồi, nâng cấp, trở nên chuyên biệt. Quy hoạch của mỗi ngành đều có cách làm riêng, cách thống kê dự báo riêng, thuật ngữ riêng, công cụ quản lý riêng... đến nỗi khó có thể nhận thức được tính đồng bộ của toàn hệ thống. Điều này không khác nào trong cùng một quốc gia lại sử dụng nhiều hệ tiêu chuẩn cân đong, đo đạc khác nhau, khiến cho mỗi lúc cần hiểu một vấn đề đều phải thông qua quy đồng, phiên dịch (mà đôi khi bất lực để hiểu bởi không thể quy đồng, phiên dịch). Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận hệ thống đã xây dựng bởi nó chứa đựng rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, chuyên môn có được nhờ trả giá lâu dài trong thực tiễn quản lý.

Chẳng hạn như quy hoạch sử dụng đất do ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý và quy hoạch sử dụng đất đô thị - nông thôn do ngành Xây dựng quản lý đều dùng chung thuật ngữ “sử dụng đất”, đều tác động lên cùng một đối tượng tài nguyên là không gian đất đai, nhưng đến nay vẫn chưa thể hợp nhất, mà vẫn do hai ngành song song quản lý. Hệ thống bản đồ, quy định, quy trình quản lý của họ là khác nhau. Có những việc đúng với quy hoạch này thì không thể đúng với quy hoạch kia. Có những chính sách dường như hiển nhiên với ngành này, lại thậm vô lý ở ngành kia.

Cho nên việc nâng cấp hệ thống quy hoạch, khiến nó trở thành một hệ thống đúng nghĩa, là một xu hướng tất yếu. Luật Quy hoạch ra đời với dụng ý đó, tích hợp tất cả quy hoạch vào một hệ thống có tính giản lược, hữu cơ, tương tác lẫn nhau. Song để thực sự đạt đến dụng ý mong đợi đó là cả một quá trình cải cách thể chế không hề đơn giản. Nó đòi hỏi bước đi ban đầu phải có nền tảng triết lý đúng đắn về quản trị nhà nước.

2.Khái niệm quy hoạch

Trước tiên, có lẽ phải cùng hiểu về khái niệm quy hoạch. Khi hình thành một quốc gia, nhà nước là một tổ chức được nhân dân tạo ra, trước hết để đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, toàn vẹn lãnh thổ, để nhân dân có thể sinh sống lâu dài, bình an phát triển trên lãnh thổ đó. Đổi lại, nhà nước được nhân dân ủy quyền phân bổ phần lớn tài nguyên trên lãnh thổ. Để thực hiện công việc này, nhà nước phải đưa ra các kế hoạch phân bổ tài nguyên. Khái niệm quy hoạch vì vậy mà ra đời. Đó là bản khế ước được nhà nước và nhân dân đồng thuận với nhau về tương lai sử dụng của các tài nguyên cho các mục đích chung, riêng.

Bởi vậy, tuy hình thức khác nhau, tựu chung các quy hoạch nói đến việc phân bổ tài nguyên, tầm nhìn, mục tiêu, kế hoạch sử dụng tài nguyên, những cam kết thực hiện theo khế ước ban đầu, những công cụ pháp lý để quản lý kiểm soát việc thực hiện. Quy hoạch là một phần của hệ thống quy phạm pháp luật. So với các loại công cụ pháp luật khác thì đồng dạng ở chỗ nó đều là những điều ước giữa nhà nước và nhân dân. Về diện mạo thì nó có cách biểu đạt riêng để đảm bảo những thuộc tính của nó.

Cái khó là ở khái niệm tài nguyên. Tài nguyên có khi tồn tại ở dạng phi vật thể như an ninh quốc phòng, di sản, năng lượng, du lịch, nguồn nhân lực, năng lực quản trị, trình độ dân trí... Tài nguyên cũng tồn tại ở dạng vật thể như đất đai, công trình xây dựng, cầu đường, rừng núi, khoáng sản... Cái vật thể và cái phi vật thể liên quan mật thiết, không thể tách rời nhau. Cho nên quản lý nhà nước trong quy hoạch, trước hết phải xác định họ nắm bắt tài nguyên nào, gián tiếp chi phối tài nguyên nào. Cái có thể nắm bắt chỉ là tài nguyên vật thể.

Theo lẽ đó, hệ thống quy hoạch cũng phân thành hai thể loại âm, dương là quy hoạch vật thể và kế hoạch phi vật thể. Gọi là quy hoạch vật thể bởi nó có thể dựa trên sự ổn định của không gian vật thể để lập ra các khế ước lâu dài. Gọi là kế hoạch phi vật thể bởi nó là dạng kế sách, lưu hành chủ yếu trong giới quản trị. Điều này ở Việt Nam trước nay, tuy không đặt tên như vậy, nhưng cũng không xa rời bản chất đó.

Hệ thống quy hoạch - kế hoạch kinh tế xã hội của Việt Nam là phi vật thể. Tuy có dùng bản đồ để miêu tả song đó chỉ là các sơ đồ chiến lược. Các quy hoạch không gian, ngược lại, đã trở thành một công cụ phổ quát trong công tác lập quy hoạch. Bởi nó liên quan trực tiếp đến sự biến đổi giá trị của đất đai, liên quan đến thăng trầm của kinh tế bất động sản, và từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Nếu chính quyền không thể làm chủ được tài nguyên đất đai thông qua việc nhìn thấy trước tương lai sử dụng đất đai, thì sự bất ổn sẽ ập đến ngay lập tức. Chính bởi lý do đó, cái đáng gọi là “quy hoạch” phải là quy hoạch không gian vật thể.

Đa số các nước phát triển đã bỏ hẳn kết hoạch kinh tế, thay vào đó bằng các nghiên cứu kinh tế nhằm hỗ trợ công tác chính sách. Chỉ còn quy hoạch không gian được gọi là quy hoạch, và quy hoạch này cũng có tính tích hợp đa ngành, song lấy không gian lãnh thổ làm yếu tố nền tảng để xác định chính sách, nhằm tránh sự mông lung không thể cầm nắm của cái phi vật thể.

3.Khái niệm tích hợp

Có nhiều cách để giải thích phát triển tích hợp là gì, hoặc nên là gì. Một trong những cách đó là đưa ra các ví dụ phản đề, tức là về các giải pháp không tích hợp. Ở đây xin đưa ra ba ví dụ.

Ví dụ 1: Phối hợp vì mục tiêu xoá bỏ nghèo nàn

Một khu định cư container ở rìa Belgrade được xây lắp để tái định cư cho một nhóm các gia đình Roma, những người đang sống bất hợp pháp trong các lán tạm thành phố dưới một cây cầu gần trung tâm. Mặc dù tình trạng nhà ở của họ có thể xem là đã được cải thiện đôi chút, nhưng thực tế họ đã bị trục xuất khỏi nội thành, nơi cho họ một số khả năng để kiếm sống, đến vùng ngoại ô xa xôi.

Một trường hợp ngược lại đã xảy ra ở ngôi làng nhỏ Sirok - Hungary, nơi có các gia đình Roma đang sống trong các hang động ở rìa làng. Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về xoá nghèo, một cách tiếp cận toàn diện hơn đã được thử nghiệm. Người ta đã mua một số ngôi nhà trong làng để các gia đình kia chuyển từ các hang động sang nhà ở bình thường trong một môi trường bình thường hơn. Bên cạnh việc thay đổi hoàn toàn các điều kiện nhà ở, chương trình còn bao gồm các yếu tố mềm như đào tạo và giúp kiếm việc làm, hướng trẻ em vào các lớp học không phân biệt đối xử, thành lập các hiệp hội Roma để hội nhập thường xuyên. Các yếu tố chính của sự thành công trong dự án này là Chương trình quốc gia đảm bảo phải tiếp cận tích hợp giữa các khía cạnh vật chất và phi vật chất, nhất là phải gắn liền với sự cung cấp tài chính không theo kiểu “một cục” mà đúng lúc và đúng chỗ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã tìm kiếm được sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ nhiệt tình trong quá trình thực hiện.

Ví dụ 2: Phối hợp để ứng phó già hoá dân số

Thách thức của sự già hóa dân số có thể được xử lý bằng các can thiệp trực tiếp, một chiều, chẳng hạn như việc xây dựng hàng loạt tiện ích và phúc lợi đô thị cho người già, như việc xây dựng thang cuốn trên phố chẳng hạn. Đó là một trong những biện pháp can thiệp phiến diện, mặc dù bề ngoài trông khá nhân văn, hữu ích.

Vấn đề chỉ có thể giải quyết bởi các giải pháp tích hợp. Chẳng hạn như ý tưởng về các khu nhà ở đa thế hệ, nơi người già sống cùng với người trẻ để giúp đỡ lẫn nhau. Giải pháp này giúp tạo một nền tảng tốt quản lý rủi ro liên quan đến lão hóa. Các chương trình nhà ở giữa các thế hệ có thể giúp quá trình lão hóa diễn ra lâu hơn, lành mạnh hơn và độc lập hơn cho mỗi cá nhân, đồng thời cũng có tác động tích cực đến giảm chi phí của các chính sách chăm sóc sức khỏe cho cả ngân sách gia đình lẫn chính quyền.

Ví dụ 3: Phối hợp để phát triển kinh tế tri thức

Như một hệ quả của toàn cầu hóa, khả năng cạnh tranh kinh tế không ngừng đòi hỏi các thành phố phải thu hút công nghệ và tài năng tiên tiến nhất. Trong những thập kỷ qua, giải pháp của các thành phố để phát triển kinh tế tri thức thường là việc xây dựng thêm các công viên khoa học, dưới dạng các thực thể đô thị nằm ở ngoại ô rộng rãi. Các công viên khoa học tách biệt như vậy thực ra chỉ đang giam những nhà nghiên cứu và sinh viên có trình độ cao từ khu vực nội đô ồn ào vào một trại sáng tác yên tĩnh, làm giảm sự đa dạng xã hội của đô thị, và tạo ra nhu cầu đi lại lớn hơn trước.

Với cách tiếp cận tích hợp trong trường hợp này, người ta nghĩ đến sự phát triển của các khu vực tri ​​thức ngay trong trung tâm đô thị - hoặc có liên kết gần với các phần đã phát triển đô thị, và dưới dạng các khu vực sử dụng hỗn hợp. Điều này đã được chứng minh tại Arabianranta, một khu hỗn hợp của Helsinki. Có nhiều chức năng khác nhau có thể được tìm thấy trong phạm vi đô thị rất nhỏ: không gian làm việc chung, các khu nghiên cứu, các khu tài chính, câu lạc bộ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, quán cà phê, quán bar, nhà hàng. Cuộc sống sôi động suốt 24 giờ. Người ta có thể tiếp cận dễ dàng tới mọi địa điểm bằng đi bộ, đi xe đạp, xe điện (nhưng ít đỗ xe riêng). Khu vực này cư trú khoảng 10.000 người, nơi làm việc cho 5.000 người và khuôn viên cho 6.000 sinh viên và các chuyên gia cao cấp. Là một khu dân cư cung cấp đa dạng các loại nhà ở khác nhau: nhà cao tầng hiện đại, biệt thự thành phố, nhà cho các nhóm có nhu cầu đặc biệt như nhà ở cộng đồng cho người già năng động và cả người tự kỷ.

Từ ba ví dụ này có thể thấy rằng nếu tiếp cận đơn tuyến, đơn ngành, giải pháp thường chỉ chạm đến hiện tượng, nằm xa bên ngoài nguyên nhân. Hậu quả của kiểu giải pháp này đôi khi rất nghiêm trọng, nếu quan sát từ các chiều kích khác.

Không có gì ngạc nhiên khi vấn đề phát triển tích hợp đã đi đầu trong thập kỷ qua. Một sự hiểu biết chính xác hơn về phát triển tích hợp đã được đề cập, phân biệt ba khía cạnh khác nhau của tích hợp:

  • Phối hợp ngang: hợp tác giữa các cơ quan và chính sách ngành khác nhau (ví dụ như cơ sở hạ tầng, nhà ở, giáo dục, các vấn đề xã hội, văn hóa, môi trường) để cùng nhau giải quyết một chủ đề thách thức cụ thể; tất cả các quyết định của ngành cần được kiểm soát về tác động của chúng đối với các ngành khác, nhận ra rằng phát triển tích hợp có thể yêu cầu các giải pháp tối ưu theo từng chiều để đạt được sự cân bằng tốt giữa tất cả các chiều.
  • Phối hợp dọc: hợp tác giữa các cấp chính quyền khác nhau, tức là giữa các chuỗi liên kết dọc của chính phủ để đảm bảo sự gắn kết; các cấp chính quyền cao hơn có thể ảnh hưởng đến kết quả ở cấp thấp hơn, trong khi các thành phố có thể đạt được nhiều hơn với sự hỗ trợ của các khuôn khổ khu vực và quốc gia.
  • Phối hợp vùng: hợp tác giữa các địa phương lân cận để đảm bảo rằng các tác dụng phụ tiêu cực không được truyền qua biên giới hành chính, khiến vấn đề được giải quyết ở nơi này lại chồi lên ở nơi khác.

Về lý thuyết, tất cả các khía cạnh của tích hợp cần được áp dụng đồng thời hài hòa với nhau. Tất nhiên điều này là không thể. Các kiểu tích hợp đề cập trên đây tuy chủ yếu áp dụng trong quy hoạch, song cũng không hề sai đối với chương trình hoặc dự án.

4.Luật Quy hoạch năm 2017

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Luật quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; quản lý nhà nước trong hoạt động quy hoạch. Theo đó, nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch là bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường; bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất…

Hệ thống quy hoạch quốc gia chia làm 4 tầng bậc: Quy hoạch cấp quốc gia; Quy hoạch vùng; Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch đô thị, nông thôn. Quy hoạch cấp quốc gia, với Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia. Các quy hoạch tầng dưới có tính đồng dạng và phải đảm bảo tuân thủ các quy hoạch tầng trên.

Theo khoản 10, Điều 3 Luật Quy hoạch, “tích hợp quy hoạch là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch trên một phạm vi lãnh thổ xác định nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững”. Nội dung “tiếp cận tổng hợp” đã được quan niệm là sự tổng hợp của nhiều nội dung quy hoạch ngành, lĩnh vực khác nhau trước đây được lập đơn lẻ. Từ đây, một vùng, một tỉnh chỉ còn một quy hoạch được lập thay cho hàng chục quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Có 5 loại cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình soạn thảo nội dung quy hoạch là: cơ quan lập quy hoạch, cơ quan tổ chức lập quy hoạch, cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch, cơ quan lập hợp phần quy hoạch và tổ chức tư vấn lập quy hoạch.

Nhiều loại quy hoạch trước đây được hạ cấp xuống thành Hợp phần quy hoạch, để đưa vào nội dung quy hoạch tích hợp, hoặc để tham chiếu cho nội dung mà quy hoạch tích hợp không đề cập hết.

Theo những gì hướng dẫn bởi Luật Quy hoạch (2017), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch (2018), Nghị định 37/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch (2019) thì có thể hình dung đại khái về nền quy hoạch đổi mới từ nay như sau: Sẽ không còn quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, thay vào đó bằng một quy hoạch tích hợp (cấp quốc gia, vùng, tỉnh), bao hàm cả quản trị tài nguyên vật thể và phi vật thể. Về phần vật thể, nội dung của nó không khác mấy với quy hoạch xây dựng. Về phần phi vật thể, dường như đã hoàn toàn buông bỏ bản chất ban đầu của quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội. Nói cách khác, một biến thể của quy hoạch xây dựng được nâng cấp thành quy hoạch tích hợp sẽ được dùng để lãnh đạo hệ thống quy hoạch. Theo thời gian, chắc chắn rằng phương pháp này sẽ dần được hoàn thiện.

5.Những vấn đề chưa được giải quyết

5.1.Nâng cao năng lực quản lý quan trọng hơn sự đồng thuận bề ngoài

Như trên đã phân tích, có thể hiểu đơn giản quy hoạch là công việc phân bổ tài nguyên, quản lý sử dụng tài nguyên ở các cấp độ lãnh thổ.

Nếu như xét vấn đề cần giải quyết là tình trạng phân bổ tài nguyên bừa bãi, sử dụng tài nguyên lãng phí trên phạm vi toàn quốc, thì giải pháp tích hợp trong quy hoạch mới là một bước đi nhỏ, chạm đến lớp vỏ ngoài của nan đề này. Đối với một đất nước đang phát triển có trình độ quản trị chưa cao, có quá nhiều kẽ hở trong hệ thống quản trị khiến tài nguyên quốc gia bị tranh thủ chiếm trước, hoặc sử dụng cho lợi ích vị kỷ, ngắn hạn. Những dải bờ biển nhanh chóng được biến thành những khu du lịch trên giấy. Những khu vực dự trữ sinh thái sớm biến thành khu đô thị hoặc công nghiệp, cũng trên giấy. Những tuyến đường lớn được xây dựng xuyên rừng, hoặc cắt ngang các lưu vực, không đếm xỉa đến những hậu quả môi trường lâu dài. Những thành phố quy hoạch bởi ý chí chứ không bởi nội lực kinh tế, không biết bao giờ mới trở thành hiện thực nhưng vẫn được xây dựng dở dang… Với cách thức và tốc độ sử dụng tài nguyên như vậy, phải chăng thế hệ sau sẽ kế thừa một mảnh đất kiệt quệ. Vậy nên, chìa khoá để vượt qua tình trạng này là nâng cao năng lực quản lý. Nói cách khác, phải cải cách để các cấp bậc trong hệ thống quản lý làm việc hiệu quả hơn.

Luật Quy hoạch mới, có thể nói, chưa chạm đến sự cải cách đó.

5.2.Cơ chế tích hợp quan trọng hơn sản phẩm tích hợp

Nghị định 37 không giúp chúng ta hình dung cơ chế phối hợp liên ngành để tạo ra các quy hoạch tích hợp; cũng không giải thích đủ rõ ràng về phương cách để làm ra quy hoạch tích hợp.

Tích hợp có nghĩa là phối hợp liên ngành khác nhau để giải quyết cùng một chủ đề. Vậy phải có cách làm việc nào đó để phát hiện ra các chủ đề của quy hoạch, và từ đó phát hiện ra những ngành liên quan chính là ngành nào, ai sẽ là nhân vật tích cực nhất để giao cho họ việc đi thúc đẩy phối hợp liên ngành. Và trên hết, quy hoạch là phải hướng đến hành động, thay vì chỉ tạo ra sự đồng thuận trên danh nghĩa. Như vậy, khung thiết chế cho hoạt động “tích hợp” quan trọng hơn nhiều so với những quy định về sản phẩm để tích hợp.

Trong các hội nghị thẩm định quy hoạch của Việt Nam, các ngành cử chuyên viên đi nghe quy hoạch và cho nhận xét góp ý tại chỗ hoặc bằng văn bản. Các ngành không có cơ chế để đem nội dung quy hoạch đó về tham chiếu lại để sửa đổi kế hoạch ngành của mình. Cũng không có cơ chế để theo dõi xem những góp ý của mình có được thực tiếp thu. Cơ chế góp ý đó hình thức, quan liêu và ít có hiệu quả thực tế.

Hội nghị quy hoạch đúng ra là cuộc họp dài giữa giới chuyên môn, nhân dân, giới đầu tư và các nhà quản lý, có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều đợt, trong đó tất cả các bên liên quan phải cùng tham gia, bàn bạc, thảo luận trên các chủ đề chính của quy hoạch, để dẫn đến các quyết định chủ đạo. Sự tích hợp xuất phát từ chính các diễn đàn như vậy. Các cơ quan hữu quan cho cung cấp thông tin của ngành mình để làm đầu vào cho quy hoạch. Các chủ đề chính được đưa ra bàn bạc nhằm đi đến thống nhất thông qua hoặc phải điều chỉnh, hoặc phải loại bỏ. Một khi đã được thống nhất, các chủ đề này được mặc nhiên công nhận rằng các cơ quan hữu quan phải tiếp thu để điều chỉnh chiến lược của ngành mình.

Ngay trong giai đoạn lập Đề cương quy hoạch (trong tiếng Anh dùng cụm từ Term of reference - TOR - mà trong Nghị định 37 gọi là "kế hoạch lập quy hoạch") đã phải bàn đến vấn đề những ngành nào liên quan, liên quan ở mức độ nào, họ cần xuất hiện tại những thời điểm nào, để cùng bàn bạc vấn đề gì, họ cần cung cấp dữ liệu gì, họ cần thẩm thấu tinh thần của quy hoạch tích hợp về thực hiện cho quy hoạch ngành mình như thế nào. Tiếp đến, Nhiệm vụ quy hoạch sẽ đề cập cụ thể hơn sự tham gia của mỗi thành phần. Quá trình lập quy hoạch, đòi hỏi các bên liên quan phải cử cán bộ có đủ thẩm quyền quyết định cùng tham gia trong các hội nghị nhằm kịp thời ra quyết định liên ngành. Sau quy hoạch, cần sự theo dõi giám sát để mỗi ngành tôn trọng và tuân thủ những thoả thuận chung đã đạt được trong quá trình lập quy hoạch. Như vậy, tích hợp đòi hỏi cơ chế tham gia tích cực.

6.Những tác động hiện tại và tiềm ẩn

Quy hoạch tích hợp có tham vọng chồng lớp, thống nhất tất cả các quy hoạch ngành; mặc nhiên xem là có thể quy đồng các đơn vị đo lường riêng của mỗi ngành về một mẫu số chung tích hợp. Luật và nghị định không cho chúng ta một hình dung gì về phương cách để các tỉnh, và thậm chí quốc gia, có thể thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ như vậy. Sự khổng lồ được nhấn mạnh bởi nó bao quát công việc quản trị của quá nhiều loại tài nguyên khác nhau, nỗ lực quy đồng nhiều phân số khác nhau sẽ đưa đến một mẫu số cực lớn. Sự khổng lồ nguyên nhân hiện bởi sự trộn lẫn các kế hoạch phi vật thể (về chuỗi hành động tương lai của các cơ quan quản lý nhà nước) và quy hoạch vật thể (sự ước định giữa nhà nước và nhân dân về tương lai sử dụng tài nguyên). Điều này không khác gì một giám đốc công ty, thay vì phân quyền cho vài thuộc cấp, lại đi thâu tóm mọi chi tiết công việc vào mình, thậm chí cả việc người công nhân vệ sinh sẽ dùng chiếc giẻ nào để lau sàn nhà.

Nhìn trên bình diện toàn quốc, hầu như tất cả các dự án đầu tư phát triển, do tác động của Luật Quy hoạch đang phải chờ phán quyết xem ngành nào sẽ là người ra quyết định cho mình. Một loạt quy hoạch, kế hoạch hiện hành không còn giá trị áp dụng. Sự chuyển hướng quản lý đó tạo ra sự đình trệ của dòng tiền đầu tư toàn quốc.

Luật Quy hoạch đang dẫn đến một cuộc cải cách thể chế lớn hơn dự liệu rất nhiều. Hệ thống mới không thể ngay lập tức đạt trình độ của hệ thống cũ. Khoảng hở đó đang giống như một cơn tê liệt ngắn. Tuy nhiên cần nhận thức để khắc phục ngay cơn tê liệt này, nếu không muốn nó để lại nhiều di chứng.

Quyền quyết định hội tụ về một ngành, trong khi ngành đó chưa có đủ sự chuẩn bị về chuyên môn đa ngành, cũng chưa khẳng định có được phương thức phối hợp hiệu quả với các ngành khác. Hệ thống chuyên gia lâu đời của các ngành, đang đứng trước nguy cơ trở thành những người thừa. Hiểu biết của họ không được trọng dụng. Trong khi một hệ thống chyên gia thiếu kinh nghiệm sẽ bù lấp khoảng trống chuyên môn của ngành hội tụ.

7.Hy vọng gì vào một nền quy hoạch mới

Có thể nói, sự ra đời của Luật Quy hoạch chỉ là một xê dịch nhỏ trong mô hình quản lý tập trung. Với mô hình quản lý tập trung, để chống lạm phát tài nguyên, việc củng cố vai trò nhạc trưởng thông qua quy hoạch là điều dễ hiểu. Có thể từ đây, nhờ có vai trò nhạc trưởng rõ ràng hơn của quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh, sẽ có sự thống nhất hơn trong dữ liệu đầu vào của hệ thống quy hoạch. Tuy nhiên, bởi không có một thúc đẩy nào cho sự đổi mới về động lực tham gia của mỗi ngành, nên chưa có hứa hẹn gì về chất lượng chính sách của quy hoạch.

Có một động lực khác nằm hoàn toàn bên ngoài cuộc cải cách này đang thực sự làm đổi thay xã hội, đó là sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân, sự trưởng thành của các địa phương, và sự thích ứng công nghệ mới của lực lượng sản xuất. Sự lớn mạnh này đang thai nghén quá trình phi tập trung hoá trong sở hữu tài nguyên, hoặc sự ra đời của những tài nguyên phi truyền thống. Để thích ứng với một thời đại như vậy, cách tiếp cận tăng cường tập trung hoá phải chăng đang lạc điệu.

(Nguồn:Tạp chí QHXD số 99)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website