KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ SỬ DỤNG BỘ CÔNG CỤ
CƠ SỞ HTX TRONG PHÒNG CHỐNG NGẬP LỤT ĐÔ THỊ
GS.TS.KTS. Đỗ Hậu
Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam
I. Đặt vấn đề
Trong những năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải hứng chịu nhiều thiên tai nguy hiểm như bão lớn, nắng nóng dữ dội, lũ lụt, hạn hán và khí hậu khắc nghiệt gây thiệt hại lớn về tính mạng con người và vật chất. Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong việc đảm bảo an toàn phát triển, an toàn môi trường sống, an ninh kinh tế, năng lượng, lương thực… và do đó biến đổi khí hậu đã và đang là vấn đề được toàn nhân loại quan tâm. Lũ lụt là một trong những loại hình thiên tai phổ biến nhất tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, đã gây ra những tổn thất nặng nề trong nhiều đô thị. Để ứng phó với những rủi ro thiên tai, con người cần phải có những hành động thiết thực để ngăn chặn các biến đổi đó bằng chính những hoạt động phù hợp. Trong thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu và áp dụng nhiều giải pháp hạ tầng xanh (HTX) phòng chống ngập lụt có hiệu quả, trong đó có bộ công cụ cơ sở HTX. Bài viết này xin giới thiệu một số bài học kinh nghiệm về phát triển HTX và bộ công cụ cơ sở HTX.
II. Khái quát về HTX
2.1. Định nghĩa
Trên thế giới, có một số định nghĩa về HTX.
- Theo Liên Minh Châu Âu: “Cơ sở HTX có thể được định nghĩa rộng rãi là một mạng lưới được quy hoạch chiến lược gồm các khu vực bán tự nhiên và tự nhiên chất lượng cao với các đặc điểm môi trường khác, được thiết kế và quản lý để cung cấp một loạt các dịch vụ hệ sinh thái và bảo vệ đa dạng sinh học ở cả nông thôn và thành thị. Cụ thể hơn là một cấu trúc không gian mang lại lợi ích từ thiên nhiên cho con người, nhằm mục đích nâng cao khả năng của tự nhiên trong việc cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ có giá trị trong hệ sinh thái, chẳng hạn như không khí hoặc nước sạch. (Liên minh châu Âu - 2013: Xây dựng cơ sở HTX cho châu Âu).
- Theo Countryside Agency, “ Hệ thống HTX (HTHTX) là mạng lưới quy hoạch kết nối của các không gian xanh đa chức năng góp phần bảo vệ môi trường sống tự nhiên và đa dạng sinh học, có khả năng đối phó với sự biến đổi của khí hậu và các sinh quyển khác, có khả năng tạo nên lối sống khỏe mạnh và bền vững, tăng cường phúc lợi cho cuộc sống đô thị, cải thiện sự tiếp cận của nghỉ ngơi giải trí với những tài sản xanh, hỗ trợ cho nền kinh tế đô thị và nông thôn, hỗ trợ tốt hơn cho việc quy hoạch và quản lý dài hạn hệ thống không gian và hành lang xanh”.
- Theo Dự án: “ Hướng dẫn thiết kế cơ sở HTX cho thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng thế giới tài trợ định nghĩa: “Cơ sở HTX (còn được gọi là cơ sở hạ tầng tự nhiên) bảo tồn một cách có chủ ý và chiến lược, nâng cao hoặc khôi phục các yếu tố của hệ thống tự nhiên như rừng, đất nông nghiệp, vùng ngập lũ, vùng ven sông, rừng ven biển (như rừng ngập mặn) và kết hợp với cơ sở hạ tầng xám để giảm chi phí và tăng khả năng chống chịu.
- Ngoài khái niệm về HTX, khái niệm hạ tầng xám cũng được đưa ra như sau:
Cơ sở hạ tầng xám được xây dựng các công trình và thiết bị cơ khí, như hồ chứa, kè, đường ống, máy bơm, nhà máy xử lý nước và kênh đào. Các giải pháp kỹ thuật này được đưa vào trong lưu vực sông hoặc hệ sinh thái ven biển có thuộc tính thủy văn và môi trường ảnh hưởng đến hiệu suất của cơ sở hạ tầng xám.
2.2. Mục tiêu cơ sở HTX
Cơ sở HTX giúp các đô thị trở nên đáng sống hơn, tăng cường khả năng phục hồi đô thị và giảm tác động của các thảm họa liên quan đến nước. Mục tiêu cơ sỏ HTX nhằm:
- Giảm dòng chảy trên bề mặt
- Tăng độ thấm nước
- Lưu giữ nước
- Thúc đẩy quá trình thoát hơi nước
- Giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt, tạo ra các hành lang xanh trong khu vực
Cách tiếp cận cơ sở HTX nhằm giảm dòng chảy, tăng độ thấm, giữ và duy trì dòng chảy, cũng như tăng thoát hơi nước, và do đó giúp giảm lũ lụt và quản lý dòng chảy mặt và cải thiện chất lượng nước. Đồng thời, bảo vệ chế độ dòng chảy tự nhiên của sông, hồ và suối, giảm hiệu ứng đảo nhiệt, tạo ra các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường, hỗ trợ môi trường sống tự nhiên tại địa phương và các hệ sinh thái liên quan.
III. Kinh nghiệm phát triển HTX ở một số nước trên thế giới
• Tại Pháp
Luật Cảnh quan xanh đã tồn tại từ năm 1993 - công cụ pháp lý đầu tiên dành cho chủ đề bảo vệ và tăng cường chất lượng các khu vực cảnh quan xanh. 29 năm sau, Luật Tiếp cận nhà ở và cải tạo đô thị (viết tắt là ALUR) ra đời, đã tăng cường tính phương pháp để các quan tâm cảnh quan xanh đi vào quy trình lập quy hoạch. Với Luật ALUR, mục tiêu của quy hoạch cảnh quan xanh được mở rộng. Việc lập quy hoạch có nghĩa vụ bảo tồn và nâng cao chất lượng cảnh quan xanh trong phạm vi toàn quốc. Luật ALUR đã thống nhất cách hiểu về cảnh quan xanh trong hệ thống quy hoạch. Đối với quy hoạch vùng tỉnh, Điều L122-1-4 của Luật ALUR yêu cầu đồ án phải thể hiện việc "sử dụng tiết kiệm các vùng tự nhiên, bảo vệ các khu vực bị ảnh hưởng bởi hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp và bảo vệ các khu vực cảnh quan thiên nhiên".
Đối với quy hoạch đô thị và khu dân cư, Điều L123-1 của Luật ALUR quy định rằng quy hoạch phải đưa ra các hướng dẫn để có thể xác định hành động cần thiết để tăng chất lượng cường môi trường, cảnh quan. Ngoài ra, quy hoạch cần "xác định và định vị các khu vực cảnh quan xanh, cùng các yêu cầu tương ứng để đảm bảo sự bảo vệ của chúng".
Để tuân thủ những quy định này, nghiên cứu cảnh quan xanh đã trở thành một trong những định hướng khung cho việc phát triển ý tưởng quy hoạch đô thị. Kiến trúc sư cảnh quan và các chuyên gia môi trường phải tham gia trong các khâu thiết kế, định hướng không gian, xây dựng quy định pháp lý, lập chương trình phát triển. Đó là cách làm mới yêu cầu tích hợp trong suốt quá trình lập quy hoạch và quản lý phát triển.
Gần đây, Pháp có kế hoạch đầu tư cho HTX với chi phí 100 tỷ Euro bao gồm cả dự án xây dựng mạng lưới đường sắt quốc gia. Gần 1/3 tổng chi phí sẽ dành riêng cho năng lượng bền vững và giao thông. Chính quyền quốc gia này tin tưởng chắc chắn rằng cơ sở HTX sẽ hỗ trợ nền kinh tế quốc gia, xây dựng lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19...
• Hàn Quốc
Seoul của Hàn Quốc là một hình mẫu về cải tạo HTX. Trong vòng 30 năm, Seoul liên tục thực hiện các dự án cải tạo cấu trúc đô thị, phát triển không gian công cộng và cung cấp cơ sở hạ tầng theo hướng tăng cường cây xanh. Nhiều công viên lớn được xây dựng dọc theo hai bên bờ sông Hàn nhằm sửa chữa những sai lầm trong quy hoạch trước đây. Tính đến nay, 40km dọc đôi bờ sông Hàn có 12 công viên lớn bao gồm hồ nước, đảo chim, rừng cây cổ thụ, sở thú...
- Tận dụng mọi không gian để trồng cây, chính quyền Seoul cũng đã biến một cây cầu vượt cũ được xây dựng vào năm 1970 thành một công viên trên cao rất ấn tượng. Công viên có tên Seoullo 7017 với hơn 24 nghìn cây xanh. Trong tương lai, khu vực này dự kiến sẽ được xây dựng thành một nơi ươm mầm xanh cho Seoul. Từ năm 2014 đến nay, chính quyền và người dân đã trồng được 15 triệu cây xanh. Dự kiến đến năm 2022, 15 triệu cây xanh nữa sẽ được trồng cùng với việc mở thêm 2 khu rừng lớn ở phía Bắc và Nam Thủ đô nhằm giảm khói bụi.
Lượng cây xanh nói trên có thể tạo ra được lượng oxy đủ cho 21 triệu người trưởng thành mỗi năm. Từ chỗ phải hứng chịu hậu quả do theo đuổi mục tiêu tăng trưởng “nóng” mà bỏ qua yếu tố môi trường, ngày nay, chính quyền và người dân Seoul hiểu rất rõ ý nghĩa và giá trị của không gian xanh đối với sức khỏe và cuộc sống. Từ “ngộ” dẫn đến “hành động mạnh” và kết quả ngày nay như chúng ta thấy, Hàn Quốc nằm trong số top các quốc gia có HTX của thế giới.
• Singapore
Singapore hiện nay là một quốc gia (và là thành phố) có mật độ dân cư đông nhất thế giới. Ban đầu, Singapore là một quốc đảo được bao phủ bởi rừng nhiệt đới nguyên sơ nhưng với sự khai thác và phá hoại, đến năm 1880 chỉ còn lại 7% diện tích rừng. Từ năm 1895, Singapore là một trong những khu vực thuộc địa Anh được đưa vào bảo tồn. Từ năm 1963, Singapore thực hiện công cuộc tái tạo để trở thành một thành phố xanh của thế giới.
Năm 1991, Uỷ ban hành động vì thành phố xanh triển khai hệ thống mạng lưới kết nối toàn diện, xây dựng kế hoạch bao phủ hành lang xanh giữa các công viên, các khu vực tự nhiên cho tới các khu vực dân cư trên toàn bộ đảo quốc. Khi hoàn thành, hệ thống mạng lưới công viên và các kết nối công viên sẽ kéo dài khoảng 360km, cho phép người dân khám phá thành phố thông qua một hệ thống mạng lưới xanh liên tục. Mạng lưới kết nối này giúp cho đường đi bộ, chạy bộ, xe đạp, patin dễ tiếp cận với các điểm đến phổ biến. Hệ thống không gian mở này tạo sự thuận tiện cho giao lưu, kết nối cộng đồng.
Singapore đã ký Công ước quốc tế về đa dạng sinh học (CBD) trong Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất Rio năm 1992. Đây cũng chính là cái mốc mà chính phủ đưa ra kế hoạch xây dựng một đất nước Singapore xanh với kế hoạch quốc gia chi tiết 10 năm để xây dựng một môi trường bền vững cho các thế hệ tương lai. Hiện nay, khoảng 10% diện tích đất là công viên và khu bảo tồn thiên nhiên được pháp luật bảo vệ. Sự đa dạng tự nhiên ở Singapore bao gồm rừng nhiệt đới, rừng đầm lầy nước ngọt, rừng ngập mặn và rừng ven biển. Theo National Parks Singapore (Nparks), các cơ quan chính phủ có nhiệm vụ bảo tồn, tạo ra, duy trì và nâng cao HTHTX của đất nước; đã phát hiện 35 loài thực vật và động vật mới và có 7 loài tưởng là đã tuyệt chủng nhưng đã tái phát hiện trên đảo, tạo ra sự đa dạng sinh học của Singapore.
Bằng ý chí chính trị mạnh mẽ và mồ hôi công sức của chính phủ cũng như người dân, hiện nay Singapore đã trở thành một thành phố xanh của thế giới.
Để phát triển HTHTX, chiến lược của Singapore là tăng diện tích cây xanh với việc ưu tiên trồng những loại cây bản địa (cây Angsana, Rain Tree, Yellow Flame và Ketapang). Các loài cây hoa, cây bụi... được trồng khắp nơi để tô điểm và tạo màu sắc cho cảnh quan. Các đường phố lớn nhỏ đều được cung cấp mã số để đảm bảo rằng cây xanh được trồng đầy đủ. Khu vực lát đá hay thảm nhựa như bãi đỗ xe cũng được trồng cây để giảm nhiệt của các bề mặt đá, nhựa đường. Ngoài ra, kết cấu bê-tông như cầu vượt, cầu trên cao được phủ cây dây leo như Ficus pumila, cây leo núi, các thảm cây bụi, cây ghép nhằm tăng hiệu quả xanh, sạch, đẹp cho môi trường.
Các công viên là “lá phổi xanh” của thành phố. Ở các khu vực dân cư ngoại thành, cây được trồng hai bên đường và người ta dành các khoảng đất để tạo các không gian mở. Hệ thống đường giao thông hay các không gian mở lớn nhỏ của thành phố luôn có các thảm thực vật nhằm tạo sự thấm nước và giữ ẩm cho đất, tránh hiện tượng nước tràn và ngập lụt. Việc mở rộng và phát triển hệ thống công viên được tăng cường nhằm thoả mãn nhu cầu vui chơi giải trí và đáp ứng tình trạng dân số ngày càng tăng.
Phương pháp tiếp cận xanh của NParks là thông qua việc phủ xanh mái nhà và các mặt tường của tòa nhà để đảm bảo sử dụng đất tối ưu cũng như cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay, việc bổ sung yếu tố cây xanh phía trên mặt đất bằng các biện pháp này đang được phát triển bởi các dự án của cả chính phủ và tư nhân. NParks đang hướng tới mục tiêu làm cho Singapore là “Thành phố vườn của khu vực Đông Nam Á”. Việc tạo nên ba công viên màu xanh thiên đường ở các hải cảng Nam, Đông và Trung tâm thành phố với HTHTX nổi bật đang trở thành biểu tượng của Singapore.
Hình 1: Một số giải pháp phát triển HTX tại Singapore
Như vậy, có thể thấy chiến lược của Singapore trong phát triển HTHTX là các chính sách của chính phủ nhằm:
- Tăng diện tích cây xanh đô thị;
- Trồng các loài cây bản địa;
- Kích hoạt sự yêu thích sở hữu, đam mê mảng xanh của cộng đồng. Kết nối khối liên minh “3P” (public, private, people: nhà nước, tư nhân, cộng đồng);
- Bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên;
- Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học;
- Xây dựng mạng lưới kết nối toàn diện các không gian xanh trên toàn bộ đảo quốc;
- Hướng tới mục tiêu là “Thành phố vườn của khu vực Đông Nam Á”.
IV. Sử dụng bộ công cụ HTX phòng chống ngập lụt
Để giảm thiểu tác động của lũ lụt, nhiều quốc gia đã sử dụng bộ công cụ cơ sở HTX. Bộ công cụ cơ sờ HTX, với mười công cụ được chọn ra phù hợp nhất với Hệ thống thoát nước đô thị bền vững. Bộ công cụ cơ sở HTX giúp cho giảm thiểu ngập lụt đô thị bao gồm: sáu phương pháp quản lý nước mưa và bốn phương pháp công nghệ sinh học bao gồm:
1. Mương lọc sinh học có thảm thực vật và mương chặn lũ sinh học
2. Hố cây hút nước
3. Mặt đường thấm nước
4. Vùng đất ngập nước đô thị
5. Hồ, ao lưu giữ nước
6. Bể lưu giữ nước tạm thời
7. Túi đất
8. Rọ đá
9. Thảm chống xói mòn
10. Lưới địa và tường lưới
Trong bài này xin giới thiệu 6 phương pháp quản lý nước mưa trong đô thị
Công cụ 1a - Mương lọc sinh học phủ thảm thực vật
Mương là các dòng kênh mở, nông, đáy bằng phẳng, phủ thảm thực vật, được thiết kế để dẫn, xử lý và thường giúp làm giảm tốc độ dòng chảy nước mặt chảy tràn. Khi được lồng ghép vào thiết kế của một khu vực, mương có thể giúp cải thiện cảnh quan tự nhiên và đem lại các lợi ích thẩm mỹ và đa dạng sinh học. Mương lọc sinh học phủ thảm thực vật thường được sử dụng để thoát nước cho đường giao thông, lối đi, bãi đỗ xe ô tô, do chúng thích hợp để thu gom các dòng chảy phân tán hoặc như một cách để dẫn các dòng chảy trên bề mặt. Mương có thể thay thế hệ thống đường ống thông thường, làm phương tiện dẫn dòng chảy.
Hình 2: Mương lọc sinh học điển hình
Hình 3: Mương lọc sinh học phủ thảm thực vật cải tiến
Trong trường hợp mực nước ngầm cao, có thể đưa vào một lớp lót chống thấm ở đáy
của mương cải tiến. Khả năng thấm nước cục bộ của mương sẽ giúp giảm lượng nước chảy tràn.
Công cụ 1b - Cảnh quan hấp thụ nước (mương làm chậm lũ)
Cảnh quan hấp thụ nước, ví dụ như hệ thống lưu giữ sinh học là những vùng trũng thấp với cây cỏ, có thể làm giảm tốc độ và khối lượng dòng chảy tràn bề mặt và xử lý ô nhiễm thông qua sử dụng đất trồng và thảm thực vật. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả trong việc chặn dòng chảy tràn và cũng có thể mang lại:
• Mỹ quan đô thị, khu vực cảnh quan có khả năng tự tưới và tự bón phân
• Môi trường sống và đa dạng sinh học
• Làm mát khí hậu vi mô cục bộ do thoát hơi nước
Phương pháp này là một công cụ quản lý nước mặt rất linh hoạt, có thể được áp dụng vào nhiều khu vực cảnh quan bằng cách sử dụng đa dạng các hình dáng, vật liệu, cách trồng và kích thước khác nhau. Đối với khu vực phát triển mật độ thấp, có thể sử dụng các triền gờ mềm và dốc thoải nhẹ, còn đối với các khu vực mật độ cao thì sử dụng các triền gờ cứng và dốc cao. Mương có thể ở dọc các tuyến đường giao thông như trong Hình 4, trong Hình 5 là bó vỉa có khe để cho nước chảy tràn từ đường vào.
Mương làm chậm lũ thường được sử dụng để quản lý và xử lý nước chảy tràn trong các trận mưa thường xuyên nhỏ hơn. Còn đối với các trận mưa lớn hơn, nước chảy tràn được dẫn đến hệ thống tràn hoặc đường tránh.
Hình 4: Sử dụng các triền gờ mềm và dốc thoải nhẹ để thoát nước
Hình 5: Bó vỉa có khe để nước tràn từ đường vào
Công cụ 2 - Hố cây thấm nước
Cây xanh có thể giúp bảo vệ và cải thiện môi trường đô thị theo nhiều cách khác nhau, trong đó bao gồm: góp phần vào chiến lược quản lý nước mặt hiệu quả, tăng thêm vẻ đẹp và đặc trưng cho khu vực cảnh quan đô thị, từ đó giúp cải thiện sức khỏe và phúc lợi của cộng đồng địa phương, và nâng cao giá trị của các khu dân cư và khu thương mại, giảm lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm của các công trình bằng cách điều tiết khí hậu địa phương, lọc các chất ô nhiễm có hại trong không khí, lọc và giảm tiếng ồn giúp tạo ra môi trường sống cho động vật hoang dã, cho phép nhiều loài phát triển trong môi trường đô thị, giúp làm giảm tốc độ ô tô (cây có thể được sử dụng thay thế cho cột chắn xe (bollard), gờ giảm tốc, hoặc hỗ trợ các dải phân cách giữa đường), cung cấp nguồn thực phẩm, hấp thụ và lưu trữ CO2 trong khí quyển (thông qua quá trình cô lập carbon).
Cây xanh và cách trồng của chúng mang lại nhiều lợi ích cho công tác quản lý nước mặt, thông qua các quá trình sau: Sự thoát hơi nước - Đây là quá trình nước được lấy từ đất thông qua rễ cây, sẽ bốc hơi qua lỗ rỗ của cây (pore). Cây hút một lượng lớn nước từ đất, do vậy có thể góp phần giảm lượng nước chảy tràn. Khả năng giữ lại nước - lá, cành và bề mặt thân cây có khả năng "chặn" nước (trữ nước, cho nước bay hơi) và hấp thụ nước mưa, giảm lượng nước chảy xuống mặt đất và giảm lượng nước chảy tràn. Tăng độ thấm - sự phát triển và phân hủy rễ làm tăng khả năng và tốc độ thấm của đất, làm giảm khối lượng dòng chảy.
Hình 6: Hố cây thấm nước
Công cụ 3 - Vỉa hè/lòng đường thấm nước
Vỉa hè và lòng đường thấm nước vừa đóng vai trò như một vỉa hè và lòng đường thông thường cho người đi bộ và xe cộ đi lại, vừa cho phép nước mưa thấm qua bề mặt và ngấm vào các lớp cấu trúc bên dưới. Nước được lưu trữ tạm thời bên dưới bề mặt trước khi ngấm vào mặt đất hoặc xả có kiểm soát ở hạ lưu.
Bề mặt vỉa hè, lòng đường tiêu thấm nước cùng với các hạ tầng liên quan là một phương tiện hiệu quả để quản lý dòng chảy nước mặt gần nguồn, thông qua việc giữ lại dòng chảy, giảm khối lượng và tần suất chảy tràn, cũng như cung cấp phương tiện xử lý.
Có hai loại vỉa hè, lòng đường thấm nước phổ biến. Chúng được phân loại dựa theo vật liệu cấu thành bề mặt: Vỉa hè/lòng đường xốp thấm nước qua toàn bộ bề mặt vật liệu, ví dụ bề mặt cỏ hoặc sỏi gia cố, sỏi xen nhựa, bê tông xốp và nhựa đường xốp. Vỉa hè/lòng đường thấm nước bề mặt là vật liệu không thấm nước. Vật liệu được lát sao cho có khoảng hở từ bề mặt tới lớp móng dưới đường. Ví dụ khi lát khối bê tông, phải lát sao cho nước mưa chảy vào bề mặt hoặc chảy trên bề mặt để thấm qua các khoảng hở giữa các khối bê tông và ngấm xuống phía dưới.
Các loại vật liệu chính được sử dụng làm bề mặt của vỉa hè/lòng đường thấm nước là: mô-đun thấm, lát gạch, nhựa đường thấm, cỏ gia cố, sỏi pha nhựa, bê tông thấm, lát khối có lỗ rỗng để nước thấm qua.
Hình 7: Các loại vật liệu sử dụng lát vỉa hè
Hình 8: Mặt cắt ngang điển hình
Công cụ 4 - Vùng đất ngập nước đô thị
Các vùng đất ngập nước và ao có chung đặc điểm là một hồ nước cố định, vừa giúp tiêu giảm dòng chảy vừa giúp xử lý dòng chảy nước mặt chảy tràn. Chúng có thể hỗ trợ thảm thực vật thủy sinh nổi và chìm dọc bờ cũng như trong các khu đầm lầy nông, từ đó giúp tăng cường quá trình xử lý, vừa mang lại lợi ích đa dạng sinh học, vừa đóng vai trò như là tiện ích cho dân cư.
Nhìn chung, ao và vùng đất ngập nước thường phù hợp với hầu hết các dự án phát triển mới hoặc tái phát triển, có thể được áp dụng trong cả khu dân cư và khu ngoài dân cư. Đối với trường hợp xây bổ sung, thì cũng thích hợp để bố trí ao nếu như có đủ đất ở gần điểm xả của hệ thống thoát nước. Điều này cũng đòi hỏi những thay đổi trong chính sách và các công cụ quản lý, có thể bao gồm các yêu cầu trong quy hoạch phân vùng, xây dựng quy chuẩn hoặc quy hoạch tổng thể. Dần dần từ đây sẽ tạo nền tảng cho các quy định khác, quy định cơ sở HTX như một nhóm các thực hành cụ thể đáp ứng các yêu cầu lưu giữ nước.
Công cụ 5 - Hồ/ao lưu giữ nước
Có thể lựa chọn sử dụng hồ lưu (hồ chứa nước tạm) hoặc hồ tích trữ nước (hồ chứa nước dài hạn), hoặc kết hợp cả hai để giảm thiểu dòng chảy tối đa của một khu vực. Lựa chọn loại hồ nào tuỳ thuộc vào các yếu tố sau: độ khả dụng về không gian, chức năng dự kiến của hệ thống quản lý nước mưa và các chi phí liên quan. Hệ thống này có thể được sử dụng song song với các hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa. Tuy nhiên, khối lượng nước tích trữ (storage volume) cho hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa cần phải tách rời với khối lượng giữ lại (detention volume), giúp đảm bảo nhu cầu sử dụng cho trận bão tiếp theo. Hình 10 là hai loại hồ, một hồ lưu giữ nước ở Đức và một hồ tích trữ nước ở Singapore.
Sự khác biệt chính giữa hồ lưu giữ nước và hồ tích trữ nước là ở chỗ nó có phải là một hồ nước cố định hay không. Hồ lưu giữ nước còn được biết đến dưới tên hồ "khô"- nước bị tháo khi có bão, trong khi các hồ tích trữ nước thường lưu giữ một lượng nước nhất định để tái sử dụng, phục vụ mục đích thẩm mỹ hoặc xử lý nước. Cả hai loại đều có vai trò quan trọng trong việc lưu trữ và giảm tốc độ (làm suy giảm) dòng chảy tối đa từ các bề mặt không thấm nước. Như đã đề cập trên đây, cần phải lồng ghép các công cụ này vào khung quy hoạch đô thị hiện tại ở cấp độ vĩ mô và vi mô, bao gồm cả quy hoạch tổng thể/quy hoạch phát triển. Ngoài ra cũng cần có sự hợp lý hóa hiệu quả các công cụ trong khuôn khổ pháp lý, chính sách và quy định.
Công cụ 6 - Bể lưu giữ nước tạm thời và lưu trữ tiêu giảm
Các bể lưu giữ nước trong từng công trình có chức năng thu gom và lưu trữ nước mưa khi có bão, sau đó xả nước (ở tốc độ được kiểm soát) vào hệ thống thoát nước hạ lưu, do vậy làm giảm tốc độ xả lũ tối đa. Với các hệ thống bể này thì hệ thống thoát nước có thể phục vụ cho các cơn bão cường độ cao hơn. Bể có thể được đặt nổi trong các tòa nhà, trên mặt đất và thậm chí dưới lòng đất.
Hình 11: Bể lưu giữ nước tạm thời
Một số trường hợp, cơ sở HTX dường như có chi phí xây dựng/vốn cao hơn các dự án thông thường. Tuy nhiên, các giải pháp cơ sở HTX này có thể tiết kiệm chi phí vận hành trong dài hạn vì sẽ giúp giảm lượng nước chảy tràn cũng như làm giảm lượng nước mưa trong hệ thống kết hợp phải thu gom, bơm và xử lý. Các giải pháp cơ sở HTX cũng yêu cầu bảo trì thường xuyên với mức độ khác nhau so với duy trì một hệ thống thông thường. Tuy nhiên, khi so sánh cơ sở HTX với một dự án thông thường, điều quan trọng là phải xem xét các lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội lâu dài của việc thực hiện cơ sở HTX, cũng như những rủi ro tương ứng khi không thực hiện chúng.
Cơ sở HTX, sử dụng các đặc tính thiên nhiên và tự nhiên, có một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhiều thách thức ở các khu vực đô thị. Cơ sở HTX có thể được kết hợp với cơ sở hạ tầng xám và do đó bổ sung và bảo vệ tài sản cơ sở hạ tầng xám bằng cách hoạt động như tuyến phòng thủ đầu tiên và/hoặc dự phòng hệ thống khi đối mặt với biến đổi khí hậu. Cơ sở HTX đô thị muốn đạt được hiệu quả trong tăng cường khả năng chống chịu và giảm thiểu tác động của thiên tai thì cần phải có một phương pháp tiếp cận có hệ thống: tức là cơ sở HTX không nên được xem là các biện pháp độc lập, mà thay vào đó, chúng phải là một phần không thể thiếu của hệ thống đô thị, thủy văn, cảnh quan sinh thái và kinh tế. Là một phần trong phương pháp quản lý rủi ro ngập lụt tổng hợp, điều này có nghĩa là cơ sở HTX sẽ phát huy hiệu quả cao nhất khi chúng phù hợp với hệ thống hạ tầng màu xám và các biện pháp phi công trình khác.
V. Kết luận
Từ những bài học của nhiều đô thị trên thế giới cho thấy việc áp dụng công cụ HTX đã có hiệu quả đáng kể trong việc giảm thiểu ngập lụt đô thị, hạn chế rủi ro thiên tai tác động đến thành phố và đời sống cư dân. Hệ thống HTX là hệ thống hỗ trợ tích cực nhất cho cuộc sống con người, đóng vai trò chủ yếu trong sự phát triển bền vững. Hệ thống HTX mang lại nhiều lợi ích cho đô thị, sức khoẻ, môi trường, xã hội và nền kinh tế của con người. Bộ công cụ HTX là các giải pháp hữu ích trong việc giảm thiểu ngập lụt đô thị. Vì vậy, các đô thị có thể tham khảo các giải pháp phát triển HTX và bộ công cụ cơ sở HTX, lựa chọn giải pháp phù hợp và ứng dụng trong công tác quy hoạch và xây dựng HTX tại các đô thị. Đồng thời cần xây dựng các chính sách phát triển HTX và cần được khuyến khích thực hiện ở các cấp độ chính quyền khác nhau, từ phạm vi nhỏ cho đến phạm vi lớn.