Ấn Độ và tham vọng “thông minh hóa” đô thị

Ấn Độ đang là một trong những nước có tỷ lệ đô thị hóa nhanh nhất thế giới. Ước tính đến năm 2030, khoảng một nửa trong tổng số 1,25 tỉ dân ở đất nước Nam Á này sẽ sống ở các thành phố so với tỷ lệ 34% hiện tại. Nhưng Ấn Độ vẫn còn một chặng đường dài để “thông minh hóa” các đô thị hiện nay.

Bản phối cảnh mô hình thành phố thông minh Amaravati.

 

Thành phố thông minh

Amaravati là một địa điểm hành hương Phật giáo cổ đại nổi tiếng ở Ấn Độ, nằm dọc theo sông Krishna, thuộc bang Andhra Pradesh. Vùng này có hàng ngàn mẫu đất màu mỡ là nơi canh tác của nông dân trồng chuối, mía, bông, lúa và rau.

Theo kế hoạch dự kiến, Amaravati sẽ trở thành thành phố tiên tiến nhất của Ấn Độ vào giữa thế kỷ này. Các nhà hoạch định dự tính, thành phố Amaravati mới, với 3,5 triệu dân, sẽ có hệ thống giao thông thân thiện với môi trường bao gồm taxi nước, xe chạy điện và thậm chí cả hệ thống tàu tốc độ cao chạy trong ống kín (Hyperloop), sản phẩm của tỉ phú Mỹ Elon Musk.

Trong quy hoạch tổng thể của thành phố rộng 217 ki lô mét vuông này, khu vực trung tâm sẽ do công ty kiến ​​trúc Anh Foster and Partners thiết kế. Không gian xanh của thành phố được lấy cảm hứng từ Công viên trung tâm của New York. Tổng chi phí để chuyển đổi Amaravati thành thủ phủ mới của bang Andhra Pradesh lên tới 1.000 tỉ rupee (14,5 tỉ đô la Mỹ).

Amaravati là một trong 100 địa điểm được chọn làm “thành phố thông minh” theo dự án lớn được Thủ tướng Narendra Modi công bố hồi tháng 6-2015, để thay thế các khu vực đô thị hiện tại của Ấn Độ, nơi mà các khu ổ chuột, sự tắc nghẽn giao thông và mức độ ô nhiễm cao là điều quá phổ biến. Theo Tổ chức Y tế thế giới, 14 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới là ở Ấn Độ.

Hôm 20-6 vừa qua, thành phố Shillong ở Đông Bắc Ấn Độ được chọn là địa điểm thứ 100 trong “sứ mệnh” thành phố thông minh của Thủ tướng Modi. Trong số 100 thành phố đó, Amaravati được kỳ vọng như một ví dụ điển hình.

Để hoàn thiện thành phố Amaravati lấp lánh như mô tả trong bản thiết kế, cần phải mất nhiều năm, có lẽ nhiều thập kỷ. Đầu tiên là lắp đặt hệ thống cống rãnh, xử lý nước, làm đường sá và sau đó là xây dựng các văn phòng của chính quyền, tất cả dự kiến ​​sẽ tốn 500 tỉ rupee trong vòng 4-5 năm tới, theo ước tính của Cơ quan Phát triển vùng thủ đô Andhra Pradesh (APCRDA).

Một tập đoàn Singapore được thành lập bởi các công ty Ascendas-Singbridge và Sembcorp sẽ là nhà phát triển chính của khu vực khởi nghiệp rộng 1.691 mẫu Anh, bên trong thành phố. Khu vực này có vai trò như một nam châm để thu hút các cư dân và đầu tư vào Amaravati.

Các quan chức Ấn Độ hy vọng sẽ có được một khoản vay trị giá 1 tỉ đô la Mỹ từ Ngân hàng Thế giới (WB) để phát triển Amaravati. Thành phố mới dự kiến ​​sẽ sử dụng 1,5 triệu lao động vào năm 2050 và có tổng sản phẩm nội địa là 35 tỉ đô la. Ngoài ngân sách từ WB, chính quyền quốc gia và các tiểu bang, các nguồn tài trợ khác cho dự án bao gồm các công ty cho vay trong nước như Công ty Phát triển nhà ở và đô thị, các ngân hàng thương mại nhà nước như Ngân hàng Andhra, Ngân hàng Ấn Độ, Ngân hàng Vijaya…, các quan hệ đối tác công-tư và phát hành trái phiếu.

Trước những lo ngại về việc huy động vốn khổng lồ, các quan chức APCRDA khẳng định nguồn tài chính được quản lý “rất hiệu quả” và các quỹ cần thiết sẽ bảo đảm cho các dự án ngắn hạn trong 2-3 năm tới. Đối với các dự án dài hạn, các quan chức cho biết họ đang tìm kiếm các quỹ có thời hạn dài hơn và lãi suất thấp hơn.

Phục hưng đô thị

“Câu chuyện tăng trưởng thứ hai của Ấn Độ sẽ bắt đầu từ Amaravati”, ông Sreedhar Cherukuri, Ủy viên của APCRDA, nói.

Thủ tướng Modi đã động thổ dự án xây dựng thành phố Amaravati vào tháng 10-2015. Các nhà quy hoạch kỳ vọng đây sẽ là “thành phố hạnh phúc” gồm 27 thị trấn tự túc, mỗi thị trấn có nơi làm việc, địa điểm tôn giáo, khu mua sắm và trường học riêng.

Cuộc hành trình của Amaravati để đi từ đất nông nghiệp đến thành phố thông minh bắt đầu với kế hoạch khó khăn là thu hồi đất. Các nhà phát triển đã vận động người dân giao nộp đất tự nguyện hoặc đổi đấy lấy nhà ở hay khu thương mại diện tích nhỏ hơn, nhưng được cho là có giá trị hơn nhiều. Tính đến tháng 3 vừa qua, hơn 27.000 nông dân đã giao nộp khoảng 33.500 mẫu Anh.

Các quan chức APCRDA nói rằng khi nông dân bàn giao đất, giá trị một mẫu vào khoảng 1,5-2 triệu rupee. Nhưng sau năm năm, giá trị một mẫu có thể lên tới 100-120 triệu rupee. “Lợi ích của phát triển sẽ đến trước tiên với những người nông dân”, ông Cherukuri nói.

Tuy nhiên vẫn còn hàng trăm nông dân không chấp nhận giao đất, mặc dù cuối cùng họ có thể sẽ bị cưỡng chế. Các nhà phê bình nói rằng đạo luật Thu hồi đất sửa đổi năm 2013 đã loại bỏ các điều khoản đòi hỏi phải có sự đồng ý trước của nông dân trước khi thu hồi đất.

“Vì vậy, người nông dân không có bất kỳ sự lựa chọn nào”, EAS Sarma, một nhà hoạt động dân quyền và cựu quan chức cấp cao nói. “Không phải tất cả đều tự nguyện. Trong các ngôi làng, cảnh sát và các nhân viên dự án đang đe dọa mọi người”, ông cho biết.

Các nhà chức trách khẳng định, khó có thể đạt được sự hợp tác 100% trong dự án quan trọng này. “Chỉ có 400-500 người chống đối, còn lại đều ủng hộ chủ trương của chính phủ”, ông Cherukuri nói.

Ấn Độ đang là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trên thế giới. Ước tính đến năm 2030 khoảng một nửa trong số 1,25 tỉ dân nước này sẽ sống ở các thành phố, so với tỷ lệ 34% hiện tại.

Phó tổng thống Ấn Độ M. Venkaiah Naidu, phát biểu tại một sự kiện gần đây, gọi sứ mệnh “thành phố thông minh” là sự khởi đầu cho quá trình phục hưng đô thị của Ấn Độ.

Theo ông Naidu, với ước tính khoảng một triệu người di chuyển từ các vùng nông thôn hoặc bán thành thị ra các thành phố mỗi tháng, thách thức ở đây là phải đảm bảo quá trình “phục hưng” xảy ra đủ nhanh.

Nhưng Ấn Độ vẫn phải đi một chặng đường dài để tiến tới việc chuyển đổi các thành phố sang “thông minh”.

Mặc dù chính phủ không định nghĩa chính xác thuật ngữ “thành phố thông minh”, nhưng các tính năng chính thường được dự kiến bao gồm giao thông hiệu quả, các tòa nhà tiết kiệm năng lượng và kết nối kỹ thuật số mạnh mẽ, nguồn cung cấp điện, nước đầy đủ, và nhà ở giá cả phải chăng.

Tuy nhiên, theo một báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey phát hành vào tháng 6, các thành phố ở châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc và Đông Á là những nơi phát triển dựa trên nền tảng công nghệ tốt nhất, trong khi đó khu vực châu Mỹ Latinh, châu Phi và Ấn Độ đang tụt lại phía sau.

Dù sao, đối với các nhà phát triển bất động sản, những cơ hội như Amaravati không đến mỗi ngày, và họ phải nhanh chóng nắm bắt nó.

Benjamin Yap, Giám đốc điều hành của một tập đoàn Singapore tham gia dự án, cho biết: “Chúng tôi có cơ hội để cùng với chính phủ tạo ra một thành phố mới. Không phải ngày nào bạn cũng có thể đến một nơi và nói tôi sẽ bắt đầu xây dựng một thành phố mới”.

(Nguồn:thesaigontimes.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website