Cạnh nhà ga trung tâm Amsterdam, bên dưới làn nước trong veo và những chiếc du thuyền quen thuộc, là một công trình công cộng ấn tượng: Hầm để xe dưới nước cho 7.000 chiếc xe đạp.
Thành công đáng học hỏi
Sau 4 năm xây dựng, hầm để xe dưới nước trị giá 63 triệu EUR đã được khánh thành vào ngày 26/1. Đây là nơi tập hợp những chiếc xe đạp cũ, rỉ sét do người đi đường bỏ lại, đồng thời là nơi đậu xe văn minh, an toàn dưới lòng đất. Xe đạp được phép đậu miễn phí trong vòng 24 giờ và được tính phí 1,35 EUR cho mỗi 24 giờ sau đó.
Bãi đậu xe đạp ngầm dưới nước bên cạnh nhà ga trung tâm Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: The Verge.
Hầm để xe dưới nước được nối với nhà ga xe lửa bằng một lối đi nhỏ, có hơn 200.000 lượt đi mỗi ngày. Bên cạnh bến cảng IJ là một khu vực đậu xe mới trị giá 25 triệu EUR khác chứa được 4.000 xe đạp, chỉ cách tuyến metro Bắc Nam vài mét.
Dự án xây dựng hầm để xe đạp dưới nước bắt đầu vào năm 2019, phải rút cạn một hồ nước cạnh nhà ga cổ từ cuối thế kỷ XIX để xây dựng, mà bản thân nó được xây dựng trên ba hòn đảo nhân tạo.
Pieter Visser, giám đốc dự án xe đạp của thành phố Amsterdam cho biết: “Nhà ga trung tâm là một trong những nơi đông đúc nhất ở Amsterdam. Rất nhiều người đi xe đạp sử dụng không gian công cộng này để đạp xe và đỗ xe. Thành phố đã triển khai bãi đỗ xe đạp ngầm để có thể giãn không gian cho người đi bộ, khách du lịch và người khuyết tật".
Theo tổ chức BOVAG và RAI, số lượng xe đạp ở quốc gia nhỏ bé này cao hơn số dân hiện tại, ước tính cho thấy có khoảng 23,4 triệu xe đạp so với dân số Hà Lan là 17,8 triệu người. Số liệu mới nhất cho thấy, 835.000 người dân Amsterdam thực hiện trung bình 665.000 chuyến đạp xe mỗi ngày; 36% số chuyến đi là bằng phương tiện xe đạp (so với 24% bằng ôtô).
Kết nối bãi gửi xe đạp với nhà ga
Đối với đường sắt, dự án này giúp việc đi lại trở nên dễ dàng và thu hút hơn. Jeroen Wienen, phát ngôn viên của ProRail, tổ chức chính phủ Hà Lan chịu trách nhiệm bảo trì và mở rộng cơ sở hạ tầng mạng lưới đường sắt quốc gia, cho biết: “Thật tuyệt khi mọi người có thể đạp xe, đến nhà ga và bắt đầu hành trình của mình một cách dễ dàng".
"Hà Lan là một quốc gia ưu tiên đi xe đạp, rất nhiều người đến nhà ga bằng xe đạp, nên chúng tôi và chính quyền thành phố không muốn những chiếc xe ấy nằm la liệt khắp nơi. Chúng tôi muốn tạo ra một nơi an toàn để người dân đậu xe, mở rộng cảnh quan đường phố và các khu vực lân cận".
Hà Lan là một quốc gia ưu tiên đi xe đạp. Ảnh: Alamy.
Những người đi xe đạp chuyên nghiệp và người dân Amsterdam đều hưởng ứng vì bờ sông của thành phố đã được giải phóng mặt bằng. Marco te Brömmelstroet, một "chuyên gia xe đạp" tự phong và là giám đốc của Viện Đạp xe Đô Thị tại Đại học Amsterdam, cho biết mấu chốt thành công của dự án là sự liên kết các hình thức di chuyển.
"Đây là một dự án tuyện vời, yếu tố thành công chủ chốt nằm ở chính sách không gian và tính di động của Hà Lan: Sự kết hợp giữa xe đạp và tàu hoả. Trước đây, họ phải đậu xe đạp trên những khu đậu xe cao tầng tạm thời, bừa bãi và hình ảnh đó không hề đẹp cho cảnh quan chung".
Lucas Sanije, Giám đốc nghiên cứu và vận động chính sách của Tổ chức ủng hộ đi xe đẹp BYCS, cho biết có những bài học của các nước khác trong việc khuyến khích người dân đi xe đạp là cung cấp cơ sở vật chất phù hợp tại các nhà ga.
Ông nói: "Xe đạp là một phương tiện thân thiện để cho các thành phố trở nên hài hoà hơn, đồng thời nó cũng thúc đẩy tinh thần cộng đồng, niềm tin và phúc lợi".
Tuy nhiên, ông Marco te Brömmelstroet đã chỉ ra rằng ngay cả khoản đầu tư trị giá 85 triệu EUR này vào cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp cũng là rất nhỏ so với các dự án dành cho 9 triệu ôtô của Hà Lan.
Ông Walther Ploos van Amstel, giáo sư về các vấn đề hậu cần thành phố tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, cho biết các thành phố lành mạnh, an toàn và sôi động nhất khi khuyến khích người đi bộ.