Bài học kinh nghiệm về thu phí ùn tắc giao thông qua thực tiễn tại Singapore và Hong Kong

Thu phí ùn tắc giao thông là giải pháp được áp dụng/ nghiên cứu áp dụng tại nhiều đô thị lớn trên thế giới, trong đó có TP.HCM. Trên cơ sở phân tích thực tiễn về việc áp dụng giải pháp thu phí ùn tắc giao thông tại Singapore (trường hợp thành công) và tại Hong Kong, Trung Quốc(trường hợp thất bại), bài viết này đúc kết một số bài học kinh nghiệm liên quan đến giải pháp chính sách này đối với TP.HCM.

1. Mở đầu

Các giải pháp quản lý giao thông đô thị chủ yếu thuộc 2 nhóm chính: (i) Nhóm giải pháp quản lý phần cung (xây dựng đường sá, phát triển giao thông công cộng…) và (ii)  Nhóm giải pháp quản lý phần cầu (thu phí ùn tắc giao thông, giảm thiểu nhu cầu giao thông…). Các chính quyền đô thị phần lớn tập trung vào nhóm giải pháp đầu tiên hơn vì nhiều nguyên nhân, quan trọng là dễ được chấp nhận doít đụng chạm đến quyền lợi của số đông; trong khi đó, nhóm giải pháp thứ hai thường nhận sự phản đối, ý kiến trái chiều nhiều hơn… Giải pháp thu phí ùn tắc vào khu trung tâm đô thị là một trong những giải pháp thuộc nhóm thứ hai, có tác động mạnh đến phần cầu của người dân trong giao thông đô thị. Về bản chất, giải pháp thu phí ùn tắc giao thông vào khu trung tâm đô thị là việc sử dụng công cụ kinh tế nhằm điều chỉnh các hành vi giao thông hướng đến tính hiệu quả của giao thông đô thị. Singapore được xem là trường hợp áp dụng thành công giải pháp này.Ngược lại, nhiều đô thị đã thất bại trong việc áp dụng.Hong Kong, Trung Quốc là một ví dụ điển hình.

2. Thực tiễn về thu phí ùn tắc giao thông tại Singapore

2.1. Bối cảnh giao thông đô thị

Tại Singapore trong giai đoạn 1960-1970 tồn tại 2 vấn đề lớn về giao thông: (i) tỷ lệ sở hữu và sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân (đặc biệt là xe ô tô) tăng cao, và (ii) chất lượng dịch vụ giao thông công cộng không đảm bảo nhu cầu và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Về số lượng và tỷ lệ sở hữu xe ô tô:

  • Về số lượng: 136.000 xe (1973), được dự báo đạt 400.000 xe (1992).
  • Tỷ lệ sở hữu xe hơi: 1/25 người (1967), được dự báo đạt 1/8 người (1992) nếu không có chính sách kiềm chế hiệu quả. Mục tiêu được chính quyền đặt ra: kiềm chế tỷ lệ này ở mức 1/12 người (1992).

Về tình hình sử dụng giao thông công cộng:

  • Tỷ lệ sử dụng xe bus cho nhu cầu đi làm việc, học tập đạt hơn 50% tổng nhu cầu (năm 1970).
  • Trước năm 1971, dịch vụ giao thông công cộng bằng xe bus tại Singapore được vận hành bởi một doanh nghiệp nhà nước (Singapore Traction Company – STC) và 10 doanh nghiệp kinh doanh vận tải tư nhân người Hoa, trong đó: STC đưa đón khách trên các tuyến đường chính, phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp khác. Theo Menon (2015), chất lượng dịch vụ giao thông vận tải giai đoạn này tồn tại nhiều vấn đề, như: giá vé, phương thức bán vé không thống nhất giữa các hãng cung ứng…

Các loại thuế/ phí liên quan đến giao thông được áp dụng lúc bấy giờ:

  • Phí đăng ký xe ô tô: S$15 (từ 1970 đến 12/1975).
  • Phí đường bộ hàng năm: 10 cents/cc (1970).

Bảng 1. Bảng tổng hợp một số loại thuế/phí liên quan đến giao thông tại Singapore trong giai đoạn 1972-1975 -Nguồn: Menon (2015)

 

10/1970 -  10/1972

10/1972 - 12/1973

01/1974 - 03/1975

03/1975 - 12/1975

Từ 12/1975

Phí đăng ký ô tô (S$)

15

15

15

15

15

Phí đăng ký ô tô bổ sung (tính theo % giá thị trường)

10 - 25

25

55

55

100

Thuế đường bộ hàng năm (cents/ cc)

10

10 - 30

14 - 60

20 - 65

35 - 80

1.1. Chương trình thu phí vào khu trung tâm (ALS và ERP)

Chương trình thu phí vào khu trung tâm của Singapore được đề xuất lần đầu năm 1974 với tên gọi Area Licensing Scheme (ALS). Chương trình này sau đó được điều chỉnh nhiều lần về khung giờ bị hạn chế, mức phí, phạm vi khu vực bị hạn chế…; đến năm 1998, chương trình được đổi tên thành ERP (Electronic Road Pricing) với công nghệ thu phí điện tử được đưa vào sử dụng. Nhìn chung, ERP được thực hiện trền nền tảng thành công của ALS, với khác biệt chủ yếu nằm ở công nghệ thu phí. Do quá trình triển khai ALS có nhiều vấn đề đáng lưu ý hơn nên các phần sau đây chủ yếu phân tích quá trình và các nội dung triển khai ALS. Cụ thể như sau:

  • Mục tiêu: hướng đến hạn chế các hoạt động giao thông chiếm nhiều không gian, gây ùn tắc (với đối tượng trọng tâm ban đầu là các phương tiện ô tô cá nhân).
  • Cơ quan đề xuất:Ủy ban Hành động về Giao thông đường bộ (Road Transport Action Committee - RTAC).
  • Nội dung đề xuất:
  • Khu vực bị hạn chế (Restricted Zone - RZ): khu vực bị hạn chế được đề xuất ban đầu có diện tích 610ha vào năm 1975; đến ngày 1/2/1984 được mở rộng đến 630ha; đến 1/11/1986 là 715ha; khu RZ được xác định để đảm bảo 2 yêu cầu sau: bao gồm nhiều khu làm việc và vui chơi, giải trí (nơi tập trung nhu cầu giao thông) nhất có thể; và ít khu vực dân cư nhất có thể.
  • Đối tượng hạn chế: xe ô tô cá nhân và xe taxi (được bổ sung sau ngày 1/8/1975). Đến tháng 4/1993, tất cả các phương tiện đều bị hạn chế với các mức phí khác nhau.
  • Thời gian bị hạn chế: khung giờ thu phí được đề xuất ban đầu từ7 giờ 30 phút - 10 giờ 30 phút sáng các ngày trong tuần và ngày thứ bảy; đến tháng 6/1989, khung giờ được mở rộng thêm vào buổi tối (từ 16 giờ 30 phút - 18 giờ 30 phút các ngày trong tuần). Đến tháng 4/1993, thời gian bị hạn chế được mở rộng lần nữa từ 7 giờ 30 phút - 18 giờ 30 phút vào các ngày trong tuần, từ7 giờ 30 phút đến 15 giờ 00 phút vào ngày thứbảy.
  • Mức phí:
  • Mức phí được đề xuất ban đầu là S$3/xe/ngày. Nếu người sử dụng xe ô tô cá nhân đỗ xe tại ranh giới của RZ và sử dụng phương tiện giao thông công cộng để vào RZ thì toàn bộ mức phí chỉ là S$2,5 (bao gồm S$0,5 phí đỗ xe và S$2,00 phí xe bus 2 chiều); mức phí sau đó được điều chỉnh nhiều lần theo diễn biến của tình trạng giao thông đô thị.
  • Phương thức thu phí và bán vé: các phương tiện ô tô khi vào RZ phải: (i) cho thấy vé vào khu trung tâm (Area License) theo ngày/tháng được dán trên kính xe hoặc (ii) xe được lấp đầy theo đúng quy định (car pool); Vé được bán tại các bưu điện/các quầy vé ven đường (được bố trí gần nơi tiếp cận RZ); Năm 1998, phương thức thu phí được thay đổi sang hình thức thu phí điện tử (ERP).
  • Nguyên lý vận hành của ERP gồm 05 giai đoạn, được mô tả tại Hình 2:
  • Giai đoạn 1 – Tiếp cận: tại cổng ERP , tín hiệu sóng ngắn được phát ra liên tục nhằm tìm kiếm phản hồi ngược lại từ thiết bị hỗ trợ có gắn thẻ ngân hàng đặt ở trong/trên phương tiện. Công đoạn này giúp xác định loại phương tiện, các trường hợp không trang bị thiết bị hỗ trợ việc thu phí (nếu có).
  • Giai đoạn 2 – Xác định mức phí: tùy loại phương tiện được xác định ở giai đoạn 1, mức phí tương ứng cũng sẽ được xác định;
  • Giai đoạn 3 – Thu phí/Ghi nợ: trên màn hình hiển thị của thiết bị hỗ trợ lúc này sẽ hiển thị mức phí phải đóng, sau đó, phí được thu/ghi nợ vào thẻ; lúc này, một thiết bị cảm biến tiến hành quét để xác định chiều rộng, vị trí (làn đường đang chạy) của phương tiện.
  • Giai đoạn 4.1 – Xác nhận lại thông tin: tại cổng thứ hai, các thông tin liên quan đến phương tiện như: mã số thiết bị hỗ trợ, số thẻ ngân hàng, loại phương tiện…sẽ được thu nhận lại một lần nữa trước khi được đem đi đối chiếu với các kết quả được xác định tại giai đoạn 1 và 3 trước đó nhằm xác minh chính xác thông tin.
  • Giai đoạn 4.2 – Chụp ảnh biển số xe phía sau xe: nếu trong trường hợp có vi phạm xảy ra, một camera được gắn phía sau cổng thứ nhất sẽ tự động được kích hoạt và chụp lại biển số của phương tiện.
  • Giai đoạn 5 – Thu phí hoàn tất, phương tiện rời đi.

  • Xử phạt: trong khuôn khổ chương trình ALS, cảnh sát đứng gác tại cổng với nhiệm vụ: ghi nhận tình trạng chấp hành quy định về vé của các phương tiện ra vào RZ. Các chủ phương tiện vi phạm sẽ nhận giấy triệu tập trong vòng 2 tuần để đóng phạt, với mức phạt là S$30 (gấp 10 lần mức phí). Khi áp dụng ERP, công tác xử lý vi phạm được tiến hành bằng công nghệ điện tử trong thời gian ngắn hơn so với trước.
  • Tổ chức lấy ý kiến người dân: ALS và chương trình bổ trợ cải thiện hệ thống bãi đỗ xe (Park and Ride Scheme - PRS) được chính thức công bố với công chúng vào ngày 16/5/1974 để lấy ý kiến của người dân.
  • Ngay sau đó, có khoảng 100 lá thư ý kiến được chính thức gửi về RTWG; các ý kiến phản đối chủ yếu xoay quanh các vấn đề sau:Chương trình ALS hướng đến doanh thu và sẽ không khả thi;Người sử dụng xe gắn máy cũng nên đóng phí vào khu trung tâm;Công việc kinh doanh trong khu vực CBD  sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng;Chương trình ALS sẽ làm tăng chí phí sinh hoạt của người dân;Ùn tắc giao thông sẽ không được giải quyết mà đơn giản là chuyển từ chỗ này sang chỗ khác;Tốt hơn hết là nên hạn chế phương tiện bằng cách phân chia thời gian sử dụng theo xe biển số đăng ký chẵn và lẻ;Nên ưu tiên chú trọng kiềm chế việc sở hữu xe ô tô;Nên cấm tất cả các ô tô cá nhân vào khu vực đô thị trong tất cả các thời điểm;Nên giới hạn tuổi đời sử dụng của phương tiện lưu thông trên đường;Trước hết, cần cải thiện dịch vụ xe bus;Các yêu cầu được miễn trừ đóng phí ALS;Các yêu cầu đưa nơi ở/làm việc ra khỏi RZ.
  • Các ý kiến giải trình từ chính quyền bao gồm:
  • ALS hướng đến mục tiêu tạo ra sự thay đổi trong thói quen giao thông của người dân theo hướng khuyến khích sử dụng các phương tiện ít chiếm không  gian, năng lực vận tải cao, ít gây ùn tắc.
  • ALS sẽ không ảnh hưởng đến công việc kinh doanh trong khu vực CBD do sự cẩn thận lựa chọn khu vực và thời điểm thu phí.
  • Khả năng tiếp cận khu CBD sẽ không bị ảnh hưởng vì chỉ những xe ô tô cá nhân (loại phương tiện chiếm nhiều không gian) là không được khuyến khích vào trung tâm trong các khung giờ cao điểm.
  • Về khả năng giảm ùn tắc, cứ cho là một số phương tiện sẽ vẫn tiếp tục đi vào khu CBD bất chấp các loại thuế/phí phải đóng, tuy nhiên, chỉ cần đạt mục tiêu giảm được 25-30% số lượt giao thông so với hiện tại thì vẫn có thể xem là thành công.
  • Các giải pháp thay thế sẽ được đảm bảo trước khi ALS và PRS được áp dụng chính thức.
  • Các chương trình, giải pháp bổ trợ
  • Chương trình cải thiện hệ thống bãi đỗ xe (Park and Ride Scheme - PRS): chương trình này cũng được đề xuất bởi RTAC với mục tiêu: đảm bảo số chỗ đỗ xe tại khu vực lân cận của RZ với tổng chi phí (gồm cả đỗ xe và di chuyển khứ hồi bằng xe bus) phải thấp hơn mức phí ALS để khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng.
  • Cải thiện chất lượng hệ thống giao thông công cộng (xe bus): năm 1971, chính quyền Singapore tiến hành chương trình cải thiện chất lượng hệ thống dịch vụ xe bus với trọng tâm chính là sáp nhập các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ (từ 10 doanh nghiệp nhỏ lẻ thành 3 doanh nghiệp lớn), đến năm 1973, chỉ còn lại 1 doanh nghiệp duy nhất chịu trách nhiệm vận hành một cách thống nhất hệ thống dịch vụ xe bus tại Singapore (Singapore Bus Services – SBS).
  • Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn: tuyến MRT đầu tiên được đưa vào vận hành lần đầu năm 1987 sau nhiều khó khăn. Các tuyến MRT được đưa vào sử dụng sau đó góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu sử dụng của các đối tượng bị ảnh hưởng từ ALS.
  • Phát triển hệ thống kiểm soát việc sở hữu phương tiện giao thông (Vehicle Quota System – VQS): tháng 8/1989, VQS được ban hành nhằm kiểm soát việc sở hữu phương tiện giao thông cơ giới, đối tượng áp dụng bao gồm tất cả các phương tiện giao thông cơ giới, trừ xe bus hoạt động cố định, xe cứu thương và xe cứu hỏa. Theo đó, bất cứ cá nhân nào muốn sở hữu một ô tô thì trước hết phải có được giấy phép quyền sở hữu xe (Certificate of Entititlement – CoE) thông qua hình thức đấu giá. Chính sách này cũng góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự thành công của chương trình ALS.

1.2. Hiệu quả đối với giao thông đô thị

Tính đến năm 1988, việc triển khai ALS đã tạo ra các hiệu quả tích cực đối với giao thông đô thị tại Singapore, gồm:

  • Tốc độ lưu thông tăng lên đáng kể.
  • Tỷ lệ sử dụng ô-tô cá nhân giảm, tỷ lệ sử dụng các phương tiện giao thông công cộng tăng. Theo một cuộc khảo sát vào năm 1988 của Sở Công chính Singapore cho thấy: trong số những người trả lời không muốn sở hữu xe ô tô thì có 49% trong số họ cho rằng do chi phí sở hữu cao, trong khi đó, có 15% cho rằng do chất lượng hệ thống giao thông công cộng đã đảm bảo (Menon, 2015).
  • Cải thiện điều kiện môi trường: theo Fwa (2015) việc áp dụng ALS trong suốt giai đoạn 1975-1998 đã giúp giảm khoảng 1.907.000 tấn phát thải CO2, trong khi đó, việc áp dụng ERP trong giai đoạn sau này (1998-2008) cũng đã giúp giảm được khoảng 103.000 tấn phát thải CO2.
  • Tái đầu tư cải tạo và phát triển hệ thống giao thông đô thị: nguồn thu có được từ việc triển khai ALS cũng được tái đầu tư để góp phần cải thiện chất lượng hệ thống giao thông đô thị (đặc biệt là giao thông công cộng đô thị) tại Singapore.

Bảng 2. Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu giao thông tại Singapore trước và sau khi triển khai ALS -Nguồn: Menon (2015)

 

Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu giao thông (%)

Trước ALS

1976

1983

1988

1994

Xe ô tô

56

46

23

23

21

Xe gắn máy

7

6

6

8

4

Bus

33

46

69

55

46

Đường sắt đô thị

-

-

-

11

21

Khác

4

2

2

3

8

Bảng 3. Tổng hợp chi phí và doanh thu từ việc vận hành ALS trong 14 năm (1975-1989) -Nguồn: Menon (2015)

Chi phí/ Doanh thu

Thành tiền (triệu S$)

Chi phí xây lắp

Các bãi đỗ xe ven khu RZ

5,5

Cơ sở hạ tầng phục vụ ALS

1,0

Khác

0,1

Tổng

6,6

Chi phí vận hành (sau 14 năm: 1975 – 1989)

Cảnh sát

4,1

Nhân lực bán vé

1,8

Nhân lực tại các bãi đỗ xe

0,2

Chi phí in ấn vé

1,9

Chi phí vận hành cơ sở hạ tầng

2,0

Tổng

10,0

Doanh thu (chưa kể tiền phạt)

Tiền bán vé

151,0

Doanh thu từ bãi đỗ xe

5,5

Tổng

156,5

2. Thực tiễn về thu phí ùn tắc giao thông tại Hong Kong

2.1. Bối cảnh giao thông đô thị

  • Số lượng và tỷ lệ sở hữu xe ô tô: thập niên 1970 chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Hong Kong; điều này dẫn đến nhu cầu sở hữu ô tô cá nhân tăng cao, chiếm khoảng 2/3 tổng số lượng phương tiện vào những năm đầu của thập niên 80.
  • Các thuế/phí liên quan đến giao thông được áp dụng lúc bấy giờ:
  • Phí đăng ký xe ô tô: khác nhau tùy theo dung tích động cơ. Ví dụ:mức phí phải đóng đối với ô tô có dung tích động cơ 3.500cc là HK$3.600 (1982).
  • Phí sở hữu xe: HK$500/tháng (1982).

Electric Road Pricing (ERP) được cho thử nghiệm lần đầu tại Hong Kong trong vòng 21 tháng (từ tháng 7/1983 đến tháng 3/1985) với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và nâng cao chất lượng môi trường nhưng không được tiếp tục triển khai do vướng phải sự phản đối từ nhiều phía (chủ yếu là từ người dân). Chương trình thử nghiệm này có một số nội dung chính như sau:

  • Mục tiêu: chương trình hướng tới mục tiêu nhằm giảm số lượng phương tiện giao thông vào khu trung tâm, từ đó giúp cải thiện chất lượng giao thông trong khu vực.
  • Cơ quan đề xuất: Sở Giao thông Vận tải Hong Kong.
  • Nội dung đề xuất:
  • Khu vực hạn chế: khu vực trung tâm được lựa chọn là nơi thí điểm áp dụng ERP với 3 khu vực nhỏ, do các đặc điểm sau:
  • Khu vực có chức năng chính là khu vực thương mại – dịch vụ, rất ít chức năng ở.
  • Tình trạng ùn tắc nghiêm trọng: tốc độ lưu thông vào giờ cao điểm chỉ khoảng 10km/giờ.
  • Được trang bị hệ thống hạ tầng giao thông công cộng chất lượng cao, có khả năng thay thế phương tiện giao thông cá nhân khi bắt đầu vận hành chương trình thu phí.
  • Đối tượng hạn chế: ô tô cá nhân, với thời gian hạn chế: từ8 giờ - 19 giờ  các ngày trong tuần (từ thứhai đến thứ sáu).
  • Phương thức vận hành:
  • Thời gian vận hành: ERP được vận hành thử nghiệm tại Hong Kong trong 21 tháng (từ7/1983 đến 3/1985), cho đến nay vẫn chưa được vận hành chính thức.
  • Mức phí: khác nhau tùy theo quãng đường di chuyển.
  • Phương thức thu phí: thu phí điện tử. Công nghệ được sử dụng: nhận diện xe tự động (Automatic Vehicle Identication – AVI), trong đó, mỗi xe ô tô được gắn một biển số điện tử với kích thước của một băng cassette được gắn dưới gầm xe. Khi xe ô tô đi qua trạm thu phí, một thiết bị giám định được gắn dưới mặt đường sẽ gửi một tín hiệu điện tử để nhận diện phương tiện đang di chuyển, hóa đơn thu tiền mỗi tháng sẽ được gửi đến chủ phương tiện.

Hình 5.Khuvựcthíđiểmthuphítại Hong Kong giaiđoạn 1983-1985-Nguồn: http://www.td.gov.hk/en/publications_and_press_releases/publications/free_publications/feasibility_study_on_electronic_road_pricing/index.html (truy cậpngày 15/01/2018)

  • Các chương trình, giải pháp bổ trợ: Hạn chế sở hữu ô tô cá nhân với kết quả từ khoảng 2/3 (vào năm 1982) giảm còn 1/2 (vào năm 1985) tổng số phương tiện.
  • 2.3. Hiệu quả đối với giao thông đô thị

Theo Hau (1990), mức độ hiệu lực và đáng tin cậy của hệ thống ERP trong quá trình thử nghiệm là hơn 99%.Tỷ số Lợi ích – Chi phí đạt 14/1; trong đó:

  • Chi phí: HK$350 triệu (US$45 triệu); trong đó, giai đoạn thử nghiệm khoảng 10%, chi phí hàng năm ước tỉnh khoảng HK$50 triệu/năm (giá năm 1985).
  • Lợi ích: việc áp dụng ERP ước tính có thể mang lại tổng lợi ích thuần khoảng HK$1,25 tỷ/năm.

Theo Hau (1990), những lý do thất bại để triển khai chính thức ERP bao gồm:

  • Việc đưa vào sử dụng một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng (như tuyến MRT Island năm 1985 – đáp ứng ¼ tổng khối lượng vận tải hành khách công cộng vào năm 1988; tuyến giao thông Eastern Corridor năm 1984).
  • Thị trường chứng khoán giảm sâu trong năm 1982 dẫn đến thu nhập thực tế giảm, thấp hơn 8% so với mức trung bình trong cả 2 thập kỷ trước đó; điều này gây áp lực nhất định đến chi phí sinh hoạt của người dân, từ đó, dẫn đến những sự không đồng thuận.
  • Các tài xế xe ô tô cá nhân cảm thấy bị phân biệt đối xử; họ cho rằng taxi gây ra tình trạng kẹt xe nhiều hơn nhưng lại được quyền miễn trừ đóng phí.
  • Nhiều ý kiến cho rằng chi phí vận hành ERP đắt một cách không cần thiết.
  • Có nhiều ý kiến nghi ngờ về việc mức độ tăng dân số trong tương lai và mức độ hiệu quả của ERP trong việc giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông đô thị của Hong Kong đã bị phóng đại.
  • ERP được giới thiệu tại thời điểm khá nhạy cảm về mặt chính trị do Bản Tuyên bố chung Trung - Anh vừa được công bố trước đó (tháng 12/1984). Theo Hau (1990), nỗi sợ về mất quyền riêng tư và nỗi ám ảnh về một chính quyền độc đoán hiện lên và chiếm hết tâm trí người dân thời điểm đó.
  • Thất bại trong công tác tham vấn cộng đồng về ERP - một vấn đề phức tạp, đòi hỏi áp dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật hỗ trợ trong công tác truyền thông đến với người dân. Đây là vấn đề đã được chính quyền Hong Kong đặc biệt chú ý trong các lần tham vấn tiếp theo liên quan đến ERP, trong đó, trong giai đoạn tham vấn mới nhất vào năm 2017, các giải pháp công nghệ được áp dụng tối đa trong công tác truyền thông nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về Chương trình ERP (HTD, 2017).

Những kinh nghiệm từ nghiên cứu được thực hiện vào năm 1983 cho thấy một số điểm hạn chế dẫn đến sự thất bại trong việc áp dụng ERP tại Hong Kong. Dựa trên những kinh nghiệm có được, Hong Kong tiếp tục triển khai thực hiện nghiên cứu từ năm 2006 đến 2009. Trong giai đoạn 2006 đến 2015, Hong Kong đã thực hiện 2 cuộc khảo sát lớn:

  • Năm 2007, trong khuôn khổ đề án “Nâng cao chất lượng không khí”, Hội đồng Phát triển bền vững thực hiện khảo sát lấy ý kiến của cộng đồng, trong đó tập trung vào 3 chủ đề liên quan đến: ô nhiễm không khí, thu phí đường bộ vào khu trung tâm và quản lý nhu cầu tiêu thụ điện. Phần lớn người được hỏi đồng ý rằng việc thu phí giao thông nên được thực thi, là một phần trong chính sách cải thiện ô nhiễm không khí của chính quyền.
  • Năm 2014, Ủy ban Tư vấn giao thông vận tải thực hiện nghiên cứu đề án liên quan đến ùn tắc giao thông. Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu thực hiện khảo sát lấy ý kiến của cộng đồng về việc áp dụng thu phí giao thông vào khu trung tâm, bao gồm 6.000 cuộc phỏng vấn qua điện thoại với đối tượng là cộng đồng dân cư và 3.000 cuộc phỏng vấn trực tiếp với các nhóm đối tượng là các nhóm tài xế, bao gồm: chủ sở hữu/tài xế tư nhân, tài xế taxi, tài xế lái xe ô tô chở hàng, tài xế lái xe buýt được cấp phép, tài xế lái xe buýt công cộng và các tài xế lái xe buýt khác. Kết quả cho thấy:
  • Đối với đối tượng phỏng vấn là cộng đồng dân cư: Khoảng 63% người được khảo sát ủng hộ giải pháp thu phí giao thông vào khu vực trung tâm, 30% phản đối và 7% không có ý kiến.
  • Đối với đối tượng phỏng vấn là các nhóm tài xế cụ thể, tỉ lệ chênh lệch giữa ủng hộ và không ủng hộ không có sự chênh lệch cao, cụ thể: Khoảng 52% người được khảo sát ủng hộ, 44% không đồng tình và 4% không đưa ý kiến.

Kết quả của 2 cuộc điều tra trên cho thấy mặc dù đã có khá nhiều ý kiến ủng hộ việc áp dụng, triển khai ERP, tuy nhiên một phần đông cộng đồng vẫn còn nghi ngờ về tính hiệu quả của việc áp dụng ERP. Do đó, Cơ quan Giao thông và Nhà ở của Hong Kongđã triển khai Chương trình “Tăng cường sự tham gia của cộng đồng” (Public Engagement – PE)trong việc áp dụng ERP tại Hong Kong trong 3 tháng (từ ngày 11/12/2015 đến ngày 18/3/2016). Chương trình này được thực hiện với mục tiêu nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về việc áp dụng ERP, khuyến khích người dân thảo luận và nêu ý kiến xây dựng, đồng thời cũng là kênh để chính quyền nắm bắt được những quan điểm, góc nhìn của người dân về một sự kiện cụ thể để từ đó có những nghiên cứu sâu hơn nhằm giải quyết vấn đề hiệu quả.

Nội dung cụ thể cần được truyền tải và tham vấn đến cộng đồng bao gồm:

  • 6 yếu tố cơ bản: khu vực thu phí; hình thức thu phí; thời gian/thời điểm thu phí; cấp độ thu phí; chính sách miễn thuế và giảm thuế; kỹ thuật.
  • 3 vấn đề phụ cần được tham vấn: mối quan tâm cá nhân; đánh giá tính hiệu quả; các giải pháp bổ sung; các vấn đề khác.

Phương thức truyền đạt nội dung về ERP thông qua các kênh truyền thông:

  • Trang thông tin điện tử: cho phép cộng đồng truy cập và tải các văn bản, các thông tin liên quan đến việc áp dụng ERP. Bên cạnh đó, người dân có thể thể hiện quan điểm cá nhân của mình về vấn đề này thông qua trang thông tin điện tử. Ngoài ra, trên trang thông tin điện tử này, người dân có thể chơi trò chơi tương tác mang tên “Test Your ERP Knowledge” nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về ERP. Kết quả đã thu hút hơn 52.000 người truy cập.
  • Thông tin trên sóng truyền hình và đài phát thanh: các thông tin về việc ERP được thông tin ở nhiều địa điểm công cộng như xe bus, trạm MTR hoặc tại các cơ quan chính quyền.
  • Số lượng lớn tờ rơi (khoảng 32.000 tờ rơi) và posters (khoảng 1.000 posters) được sử dụng tại các địa điểm công cộng nhằm truyền tải thông tin đến nhiều người. Đặc biệt các stickers về ERP được dán công khai trên khoảng 400 bãi đậu xe trên đường và các biểu ngữ đã được trưng bày trên hơn 10 cầu/cầu vượt ở khu vực trung tâm.

Phương thức truyền đạt nội dung về ERP thông qua các sự kiện:

  • Tổ chức và tham gia sự kiện gặp mặt với các nhà khoa học, cộng đồng người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nhằm tiếp nhận ý kiến về ERP.
  • Tổ chức các hội thảo khoa học với sự tham gia của các diễn giả là các nhà khoa học, các tổ chức xã hội, các bên liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải để bàn luậnvề các yếu tố cơ bản và các vấn đề thích hợp đối với việc thí điểm ERP nhằm đưa ra các chính sách hiệu quả.
  • Tổ chức các khóa học cung cấp các kiến thức cơ bản về ERP cho các học sinh phổ thông.

Việc nỗ lực thực hiện chương trình PE đã mang lại những kết quả nhất định, tạo tiền đề cho việc thực hiện các nghiên cứu và các chương trình thí điểm tiếp theo:

  • Chương trình PE đã tạo nên sự quan tâm của cộng đồng về việc áp dụng thí điểm ERP. Chương trình đã nâng cao hiểu biết cơ bản của cộng đồng và các bên liên quan về ERP và các trường hợp thực hiện đã áp dụng ERP ở các quốc gia trên thế giới.
  • Thông qua chương trình PE, nhiều quan điểm có giá trị của người dân được thu thập, bao gồm cả việc ủng hộ và phản đối đối với việc áp dụng ERP.
  • Kết quả của phân tích các dữ liệu được thu thập từ chương trình PE giúp cho việc đánh giá tính khả thi của dự án, xây dựng các đề xuất cụ thể cho đề án thí điểm ERP tại Hong Kong trong những năm tới.

3. Bài học kinh nghiệm cho TP.HCM qua thực tiễn tại Singapore và Hong Kong

Các bài học kinh nghiệm cho TP.HCM rút ra từ thực tiễn tại Singapore và Hong Kong như sau:

  • Về tổng thể: việc áp dụng giải pháp này nên được đặt trong tổng thể chiến lược quản lý giao thông đô thị đồng bộ, bao gồm: quản lý cả phần cung và phần cầu.
  • Về mục tiêu: cần thống nhất xác định mục tiêu không hướng đến cân bằng doanh thu, mà thay vào đó là thay đổi hành vi, thói quen giao thông của người dân. Việc không nhấn mạnh mục tiêu này dễ dẫn đến nhiều ý kiến không đồng thuận.
  • Về nội dung thực hiện:
  • Khu vực hạn chế có ranh giới đảm bảo 2 yêu cầu: có nhiều khu vực làm việc và vui chơi, giải trí và ít khu vực dân cư nhất có thể.
  • Loại phương tiện bị hạn chế: các phương tiện kém hiệu quả về vận tải hành khách (sức chở nhỏ nhưng diện tích chiếm dụng lớn), trong đó:
  • Xe ô tô cá nhân, taxi cần được xem là đối tượng ưu tiên áp dụng ngay.
  • Đối với xe máy, cần đặt ra lộ trình hạn chế cụ thể để phần đông người dân có thời gian chuyển đổi.
  • Thời gian hạn chế: cần linh hoạt áp dụng thu phí theo nhiều khung giờ khác nhau trong ngày tùy theo tình trạng ùn tắc giao thông.
  • Phương thức vận hành:
  • Mức phí: nên linh hoạt tùy theo quãng đường sử dụng;
  • Phương thức thu phí: nên áp dụng các công nghệ thật sự tiên tiến giúp xác định chính xác mức phí phải thu dựa theo quãng đường di chuyển và tình hình ùn tắc giao thông.
  • Xử phạt các trường hợp vi phạm: cần lưu ý khả năng triển khai “phạt nguội” đối với các phương tiện không chấp hành (không gắn thiết bị thu phí điện tử).
  • Về các chương trình bổ trợ: để áp dụng thành công giải pháp thu phí ùn tắc vào khu trung tâm TP.HCM, cần triển khai đồng bộ3 chương trình: (i) Phát triển đồng bộ hệ thống bãi đỗ xe, nâng cao chất lượng dịch vụ giữ xe xung quanh khu trung tâm; (ii) Cải thiện chất lượng hệ thống vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; (iii) Phát triển hệ thống kiểm soát sở hữu phương tiện giao thông.
  • Cần chú trọng công tác tham vấn cộng đồng về ERP – một vấn đề có mức độ phức tạp nhất định đòi hỏi việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật bổ trợ phù hợp.Việc triển khai ERP sẽ không thể thực hiện nếu không có sự nhất trí chung của cộng đồng về các mục tiêu và nguyên tắc được đề xuất.
  • Tính thống nhất của cộng đồng được thực hiện thông qua các chương trình nâng cao sự tham gia của cộng đồng trong dự án; do đónên có chương trình PE để tăng cường sự hiểu biết của công chúng về vấn đề tắc nghẽn giao thông tại TP.HCM và khuyến khích thảo luận công khai về các biện pháp giải quyết vấn đề giao thông, bao gồm việc áp dụng ERP.

Phạm Trần Hải - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS)

Vương Đình Huy - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS)

Nguyễn Dương Minh Hoàng - Trung tâm Nghiên cứu vùng và đô thị (CRUS)

 

1. Cổng ERP: bao gồm 02 cổng đặt cách nhau 15 m, với chiều cao mỗi cổng là 6,1 m (xem Hình 2)

2. CBD: Khu trung tâm thương mại – dịch vụ (Central Business District)

3. Một CoE có thời hạn 10 năm; sau 10 năm, người sở hữu CoE đứng trước 02 lựa chọn: hủy bỏ CoE hoặc gia hạn nó

4. Thu thập hơn 80.000 câu trả lời và khoảng 900 bài viết đóng góp ý kiến

(Nguồn:Tạp chí QHXD số 107)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website