Đan Mạch xây đường hầm vượt biển dài nhất thế giới

Sau hơn một thập kỷ lên kế hoạch, Đan Mạch đã bắt tay vào việc xây dựng đường hầm vượt biển dài nhất thế giới. Nằm ở độ sâu 40 mét dưới biển Baltic, khi đi vào hoạt động vào năm 2029, đường hầm sẽ nối liền Đan Mạch với Đức, giúp giảm thời gian đi lại giữa hai nước.

Mô hình thiết kế của một phần dự án - Ảnh: CNN

Đường hầm có tên chính thức là Fehmarnbelt Fixed Link với chiều dài 18 km, là một trong những dự án xây dựng lớn nhất châu Âu với ngân sách lên tới hơn 8,2 tỷ USD.

Đường hầm sẽ là sự kết hợp đường bộ và đường sắt, bao gồm 2 đường ô tô 2 làn, được ngăn cách bởi một lối đi cho người đi bộ và 2 đường ray. Ông Jens Ole Kaslund, Giám đốc kỹ thuật tại Femern A/S - công ty phụ trách dự án cho biết: “Bình thường, để đi từ Copenhagen đến Hamburg phải mất tới 4 tiếng rưới. Sau khi dự án hoàn thành, hành trình ấy sẽ chỉ mất 2 tiếng rưỡi”.

Đường hầm sẽ bắc qua Vành đai Fehmarn, một eo biển nằm giữa đảo Fehmarn của Đức và đảo Lolland của Đan Mạch. Đường hầm đi vào hoạt động sẽ thay thế cho dịch vụ phà hiện tại xuất phát từ Rodby và Puttgarden, mỗi năm phục vụ hàng triệu hành khách.

Ông Kaslund cho biết, bên cạnh những lợi ích đối với tàu và ô tô, đường hầm sẽ có tác động tích cực đến cả xe tải và tàu chở hàng bởi sẽ tạo ra lộ trình trên đất liền từ Thụy Điển đến Trung Âu ngắn hơn 160 km so với hiện nay.

Dự án ra đời từ năm 2008, khi Đức và Đan Mạch ký hiệp ước xây đường hầm. Sau đó, 2 nước phải mất hơn 10 năm để thông qua các điều luật cần thiết cũng như nghiên cứu về tác động đối với môi trường và địa kỹ thuật. Trong khi quá trình đã hoàn tất ở Đan Mạch thì ở Đức, nhiều cơ quan đoàn thể, bao gồm công ty vận chuyển bằng phà, tổ chức môi trường và dân cư địa phương phản đối dự án do lo ngại về cạnh tranh không công bằng và tác động tới hệ sinh thái. Dự kiến, sẽ có phán quyết sơ bộ trước cuối năm nay và mặc dù phán quyết này sẽ không thể dừng hoặc thay đổi dự án một cách đáng kể nhưng cũng có thể yêu cầu những người thực hiện dự án nghiên cứu tác động sâu hơn trước khi việc xây dựng bắt đầu ở Đức.

(Nguồn:chinhphu.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website