Đông Phi có sân bay đầu tiên hoạt động bằng năng lượng Mặt trời

Hầu như toàn bộ thiết bị vận hành bằng điện tại sân bay sẽ sử dụng nguồn điện năng từ những tấm pin Mặt trời như hệ thống chiếu sáng, điều hòa, cửa tự động, cầu thang máy, thang cuốn.

Cảng hàng không quốc tế Moi tại thủ đô Mombasa của Kenya

Cảng hàng không quốc tế Moi tại thủ đô Mombasa của Kenya sẽ trở thành sân bay đầu tiên tại khu vực Đông Phi được vận hành hoàn toàn bằng hệ thống điện Mặt trời. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào giữa năm 2019 sau khi đấu nối thành công tổ hợp pin Mặt trời công suất 500 kW vào hệ thống điện của sân bay.

Ông Guy Lawrence, Giám đốc Công ty Solarcentury East Africa, nhà thầu chính của dự án, cho biết sau khi đi vào hoạt động, hệ thống pin Mặt trời mỗi năm sẽ cung cấp lượng điện tương đương 820.000 kWh để vận hành sân bay, đồng nghĩa với việc cắt giảm 1.300 tấn CO2 khí thải nếu nguồn năng lượng này lấy từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than.

Hầu như toàn bộ thiết bị vận hành bằng điện tại sân bay sẽ sử dụng nguồn điện năng từ những tấm pin Mặt trời như hệ thống chiếu sáng, điều hòa, cửa tự động, cầu thang máy, thang cuốn. Thậm chí, các thiết bị mặt đất phục vụ cho máy bay như cầu nâng, xe nạp xăng - điện cho máy bay cũng sẽ sử dụng nguồn năng lượng từ hệ thống quang điện.

Nhằm cung cấp nguồn điện liên tục trong những khoảng thời gian nguồn ánh sáng từ Mặt trời yếu hay vào ban đêm, một hệ thống ắc quy công suất lớn sẽ được tự động kích hoạt để vận hành hệ thống cho đến khi nguồn năng lượng từ các tấm pin Mặt trời hoạt động trở lại. Trong khi đó, hệ thống ắc quy này sau đó sẽ được nạp đầy bằng chính nguồn năng lượng cung cấp bởi pin Mặt trời.

Theo Giám đốc điều hành Cục cảng hàng không Kenya Jonny Andersen, hệ thống điện Mặt trời có tuổi thọ khoảng 25 năm này sẽ giúp sân bay Moi tiết kiệm được hàng chục nghìn USD chi phí cho điện năng hằng năm, cũng như giúp giảm lượng khí CO2 - một trong những tác nhân gây nên hiệu ứng nhà kính và hiện tượng biến đổi khí hậu.

Dự án cung cấp điện Mặt trời tại sân bay Moi nằm trong gói tài trợ trị giá 7,3 triệu USD do Liên minh châu Âu (EU) cung cấp và được vận hành bởi Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Gói tài trợ này được phân bổ tới 14 quốc gia, trong đó có 12 nước tại khu vực châu Phi với mục đích giảm lượng khí thải CO2 trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

(Nguồn:chinhphu.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website