Trong Hội nghị Thượng định G7 được tổ chức ở Đức từ ngày 26/6, nhà lãnh đạo của nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) công bố dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển trị giá 600 tỷ USD được thực hiện trong 5 năm tới, AFP đưa tin.
Nguồn tiền này phần lớn do các công ty tư nhân cam kết đầu tư tới năm 2027, trong đó có 200 tỷ USD từ phía Mỹ và 400 tỷ USD từ các nền kinh tế còn lại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết dự án "không phải là viện trợ hay từ thiện" và sẽ "mang lại lợi nhuận cho mọi người, bao gồm cả người dân Mỹ và người dân của tất cả các quốc gia của chúng ta".
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G7. Ảnh: AP.
Mặc dù Trung Quốc không được đề cập trực tiếp, qua bài phát biểu của các nhà lãnh đạo, sáng kiến mới của G7 rõ ràng nhằm hạn chế sự ảnh hưởng địa chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh trong hội nghị: "Chúng tôi đưa ra một động lực đầu tư tích cực và mạnh mẽ cho thế giới. Đối tác ở các nước đang phát triển sẽ thấy rằng họ có quyền lựa chọn".
Thông tin từ Nhà Trắng cho biết các quan chức của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công du tới nhiều quốc gia đang phát triển trong vòng một năm qua để tìm hiểu về nhu cầu của các nước này đối với sáng kiến mới, đồng thời thúc đẩy cải thiện sự hợp tác giữa các nước thành viên G7.
Dự án trị giá 600 tỷ USD trên nằm trong khuôn khổ của Sáng kiến Đối tác vì Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu (Partnership for Global Infrastructure and Investment - PGII).
Dù vậy, đây không phải là một dự án mới hoàn toàn mà được sửa đổi từ chiến lược Xây dựng thế giới tốt đẹp hơn (Build Back Better World - B3W) được công bố ở hội nghị thượng đỉnh năm ngoái.