Ảnh: Washington University in St. Louis
Các chuyên gia cho biết họ đã cải tiến những viên gạch nung thông thường bằng cách phủ thêm lớp polymer hữu cơ trong suốt có thể dẫn điện (PEDOT). Vật liệu này gồm các sợi nano, bám chặt vào cấu trúc xốp của gạch và cải biến chức năng của gạch giống như miếng bọt biển, có thể lưu giữ và giải phóng năng lượng. Tùy vào mục đích sử dụng, người ta có thể xây chồng các viên gạch lên nhau để tạo thành thiết bị trữ năng lượng lớn hoặc nhỏ. Toàn bộ bức tường sau đó được hoàn thiện bằng lớp sơn epoxy chống tĩnh điện.
Trong các thử nghiệm, nhóm nghiên cứu chứng minh một viên gạch có thể sạc 3 volt trong 10 giây và làm bóng đèn LED phát sáng trong 10 phút (ảnh). Một bức tường khoảng 50 viên gạch có thể sản xuất đủ điện cho đèn chiếu sáng khẩn cấp trong 5 giờ. Những viên gạch thế này thậm chí có thể kết hợp thành một siêu tụ điện với khả năng trữ năng lượng khổng lồ và được sạc-xả hàng trăm nghìn lần mỗi giờ.
Không chỉ có khả năng chống thấm nước, gạch phủ PEDOT còn có thể kết nối với các tấm pin năng lượng Mặt trời để chiếu sáng và vận hành các cảm biến điện tử. Ngoài ra, phương pháp sản xuất gạch mới cũng đơn giản và rẻ tiền, có thể áp dụng trên cả gạch cũ và mới.