Tại Hồng Kông, một bộ phận giới trẻ thuộc thế hệ millennial (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 tới những năm đầu thập niên 2000) đang sinh sống tại các nhà xưởng, khu vực công nghiệp, nhà máy với mức giá rẻ hơn so với việc thuê những căn hộ siêu nhỏ - vốn là “đặc sản” của Hồng Kông. Việc sinh sống tại các khu vực này không chỉ thiếu an toàn và vệ sinh, mà đây còn là thỏa thuận thuê nơi ở trái luật pháp.
Wah Lee, thợ chụp ảnh 32 tuổi, là một trong những cư dân Hồng Kông chấp nhận cuộc sống tại các nhà xưởng cho biết, tòa nhà này vốn là nhà kho của một công ty dầu thực vật và một đơn vị buôn bán thiết bị bếp. Anh Wah Lee cùng một người bạn phải trả khoảng 11.000 HKD/tháng (1.1910 USD/tháng) tiền thuê nhà - con số chưa bằng một nửa so với việc thuê một căn hộ tí hon có diện tích chưa bằng 2 chỗ đỗ xe thông thường tại khu vực này.
Giá nhà quá đắt đỏ, nhiều người dân Hồng Kông phải chấp nhận sống
trong nhà xưởng, khu vực công nghiệp, nhà máy
Với những cư dân trẻ như Wah Lee thì đây là một lựa chọn không tệ khi không gian nơi đây có trần nhà cao ráo và cửa sổ lớn, điều rất hiếm có đối với các căn hộ cho thuê tại Hồng Kông.
Anh Lee cho biết: "Mức giá cho thuê phòng ngày nay thật không hợp lý. Tôi không có cách nào để chi trả được cho việc thuê một căn phòng dù nhỏ nhất".
Việc tìm kiếm và thuê nơi ở tại các nhà xưởng, khu vực công nghiệp là một trong những cách các công dân Hồng Kông sử dụng để “đối phó” với thị trường nhà đất đắt đỏ nhất thế giới này. Theo Demographia, chi phí trung bình cho nơi ở gấp 19,4 lần thu nhập 1 năm của người dân. Việc giá nhà cao chất ngất khiến nhu cầu đối với các căn hộ siêu nhỏ và phong cách sống cùng chia sẻ không gian nở rộ tại Hồng Kông và càng đẩy giá nhà lên cao hơn nữa.
Thời gian qua, dù chính quyền Hồng Kông đã tiến hành 18 biện pháp nhằm nâng nguồn cung đất phục vụ nhu cầu sinh sống của người dân và kiềm chế đà tăng của giá nhà, song việc sinh sống tại các khu vực công nghiệp không phải là điều được phép.
Chau Kwong Wing, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và bất động sản, giáo sư Đại học Hồng Kông cho biết, các khu vực công nghiệp, nhà xưởng, nhà máy không được thiết kế để sinh sống. Điều này có liên quan tới các mối lo ngại về an toàn cho cuộc sống của cư dân. Các mối lo ngại này ngày càng gia tăng khi tháng 8 năm ngoái, một vụ cháy nhà xưởng đã diễn ra khiến 3 người thiệt mạng. Sau đó, chính quyền phát hiện, nhà xưởng này đã được chia thành 17 không gian nhỏ riêng để cho thuê.
Số liệu mới nhất của Tổ chức An sinh xã hội cũng cho hay, có khoảng 12.000 người dân Hồng Kông đang sống tại các khu vực công nghiệp năm 2016. Theo Angela Lui, một chuyên gia thuộc Tổ chức An sinh xã hội, con số này có khả năng đã thu hẹp lại trước các biện pháp thanh tra của chính quyền, nhưng phần còn lại vẫn rất lớn và cần sớm tìm biện pháp mới để kiểm soát.
Hiện nay, chính quyền Hồng Kông đã công bố quy định sẽ cấm mọi hoạt động của chủ các tòa nhà thuộc lĩnh vực công nghiệp tại Hồng Kông nếu cho thuê với mục đích sinh sống. Song, đây chỉ là giải pháp cho “phần ngọn”, trong khi gốc rễ là tình trạng giá nhà quá đắt đỏ vẫn chưa tìm được lời giải.