Indonesia xây tường ngăn Jakarta chìm xuống biển

Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong cuộc phỏng vấn mới đây cho biết ông muốn bức tường khổng lồ bao quanh thủ đô Jakarta nhanh chóng được hoàn thành để ngăn thành phố này chìm xuống biển.

Một phần bức tường chống nước tràn vào Jakarta. Ảnh: AP

Dự án này cần phải được nhanh chóng hoàn thành để ngăn Jakarta chìm xuống biển” - Tổng thống Widodo nhấn mạnh. Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Widodo cũng nhắc đến các kế hoạch đầy tham vọng khác dành cho Jakarta, đồng thời tái khẳng định rằng ông muốn xây dựng một thủ đô mới và nên đặt ở  đảo Java, nơi hiện có 57% trong tổng số gần 270 triệu dân nước này sinh sống.

Theo hãng tin AP, dự án xây tường chống chìm của Indonesia sẽ “ngốn” khoảng 42 tỉ USD, chia làm 3 giai đoạn, gồm gia cố 30km đập ngăn biển, xây thêm 17 đảo nhân tạo và tạo nên những đoạn tường biển khổng lồ ở phía Đông và phía Tây vịnh Jakarta. Song, dự án cho đến nay được thực thi khá chậm chạp và làm dấy lên nhiều tranh cãi xung quanh chi phí. Nó cũng được cho có thể gây tổn hại cho ngành đánh bắt cá địa phương khi mà nhiều ngư dân lo ngại rằng siêu dự án này sẽ cướp đi sinh kế của họ.

Jakarta hiện được xem là một trong những thành phố chìm xuống biển nhanh nhất thế giới. Cứ mỗi năm, thủ đô Indonesia trung bình chìm xuống 1-15cm và gần một nửa thành phố hiện nằm dưới mực nước biển. Giới chuyên gia cảnh báo, Jakarta có nguy cơ chìm 1/3 thành phố xuống biển vào năm 2050. “Khả năng Jakarta bị chìm xuống biển không phải là chuyện đùa. Nếu nhìn vào các mô hình của chúng tôi, thì đến năm 2050 có 95% phía Bắc Jakarta sẽ bị chìm” - chuyên gia Heri Andreas tại Viện Công nghệ Bandung cảnh báo. Phần còn lại của Jakarta cũng đang chìm dần dù với tốc độ chậm hơn. Cụ thể, phía Tây Jakarta bị chìm khoảng 15cm/năm, phía Đông 10cm/năm, miền Trung 2cm/năm và miền Nam 1cm/năm.

Tình trạng trên được cho là hậu quả của nhiều thập kỷ xây dựng thành phố tràn lan không quy hoạch và cách quản lý thiếu hiệu quả của bộ máy chính quyền địa phương. Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới công bố một công trình nghiên cứu, trong đó cho rằng với tốc độ xây dựng như hiện nay, nền đất của Jakarta sẽ tiếp tục lún và đến năm 2025, nước biển sẽ lấn sâu tới 5km vào đất liền của thành phố, thậm chí đe dọa nhấn chìm hoàn toàn khu vực thành cổ lịch sử ở phía Bắc thành phố ven biển này.

Một nguyên nhân khác tạo nên tốc độ sụt lún nhanh chóng tại Jakarta là do việc khai thác quá mức nước ngầm để sinh hoạt hàng ngày của cư dân thành phố. Do đường ống dẫn nước không chắc chắn hoặc không có sẵn ở hầu hết khu vực, nên người dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải bơm nước từ tầng ngậm nước nằm sâu dưới đất. Nhưng khi nước ngầm được bơm ra, vùng đất phía trên nó chìm xuống và dẫn đến sụt lún. Tình hình sụt lún còn trầm trọng hơn do quy định trước đây của giới chức Jakarta cho phép bất cứ đối tượng nào - từ các chủ nhà đơn lẻ cho đến các nhà khai thác trung tâm thương mại to lớn - tự hút nước ngầm.

Theo Cơ quan quản lý môi trường Jakarta, mỗi năm khu vực nội đô sử dụng khoảng 21 triệu mét khối nước ngầm, nhưng theo các nhà khoa học, con số này cao hơn nhiều lần. Nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác nước ngầm bừa bãi, Jakarta đã đánh thuế đối với toàn bộ doanh nghiệp trong hoạt động đào giếng, song nỗ lực này dường như không hiệu quả.

Theo các chuyên gia, Jakarta nằm trên vùng đất đầm lầy với 13 con sông bị ô nhiễm nặng chảy qua và chịu sự tác động từ biển Java hằng ngày. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi lũ lụt thường xuyên diễn ra ở đây với mức độ ngày càng xấu hơn.

(Nguồn:baocantho.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website